Áp dụng khoa học công nghệ để tránh tiêu cực
Tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV, các đại biểu QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật TTATGT đường bộ. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của QH và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Tiếp đó, ngày 15/3/2024, tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024), UBTV QH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật TTATGT đường bộ. Thực hiện kết luận của UBTV QH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của QH và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật; hoàn thiện dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, so với dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tính tới thời điểm này có 9 chương, 88 điều, số chương giữ nguyên và tăng 7 điều do bổ sung 4 điều mới; gộp 4 điều thành 2 điều; tách nội dung của một số điều thành 5 điều khác.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an
Trong dự thảo Luật, có nhiều nội dung được các đại biểu và nhân dân quan tâm. Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an cho biết, một trong những điểm mới của dự thảo Luật là áp dụng những công nghệ để tránh tiêu cực gây nhiều tiếng "ong ve" về lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), hướng đến không xử phạt trực tiếp. Quán triệt quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng dự án Luật TTATGT đường bộ là "đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ để nâng cao hiệu quả, tăng cường tính công khai, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân", dự thảo Luật đã dành nhiều dung lượng quy định về ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm TTATGT đường bộ được bao phủ hầu hết ở các Chương (Điều 5, Điều 7, Điều 49, Điều 60, Điều 62, Điều 64, Điều 67, Điều 79...).
Trong đó, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ vào 2 lĩnh vực, cụ thể là phục vụ phát hiện vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ (Điều 62) thông qua vận hành, sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm ANTT, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị chỉ huy giao thông (GT) thông minh; cơ sở dữ liệu về TTATGT đường bộ; hệ thống camera điều hành GT; thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định. Phục vụ chỉ huy, điều khiển GT (Điều 67) thông qua Trung tâm chỉ huy GT với chức năng là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin tình hình GT phục vụ chỉ huy, điều hành GT, giải quyết tai nạn GT, tuần tra kiểm soát về TTATGT, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác liên quan tới GT đường bộ; cung cấp thông tin về tình trạng GT cho người tham gia GT; nghiên cứu giải pháp bảo đảm GT đường bộ an toàn, thông suốt.
"Những quy định nêu trên sẽ góp phần điều hành GT thông minh, tương ứng với xu thế phát triển cách mạng 4.0; giảm được tiếp xúc giữa CSGT với người dân thông qua giám sát, xử lý vi phạm bằng dữ liệu, hình ảnh, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Ví dụ, thay vì trực tiếp chỉ huy, điều khiển GT tại các tuyến đường bộ, CSGT sẽ giám sát tình hình GT qua hệ thống giám sát tại Trung tâm chỉ huy GT để kịp thời có phương án chỉ huy, điều khiển GT phù hợp; đồng thời qua hệ thống giám sát, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm; dữ liệu vi phạm sẽ được trích xuất, thông báo cho chủ phương tiện để thực hiện công tác xử phạt trên môi trường điện tử; người vi phạm sẽ thực hiện thủ tục nộp phạt qua các dịch vụ công trực tuyến, không phải tiếp xúc trực tiếp với CSGT, qua đó hạn chế tối đa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp" - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an phân tích.
Hoàn thiện dự án Luật bảo đảm kỹ lưỡng, chất lượng, khả thi
Về quy định điều kiện phương tiện tham gia GT đường bộ phải "có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định", có ý kiến cho rằng, với điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại phương tiện lưu thông, nếu quy định mọi phương tiện tham gia GT đường bộ phải lắp thiết bị này liệu có khả thi hay chỉ nên ưu tiên xe kinh doanh vận tải, còn xe cá nhân thì khuyến khích?
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, nhằm thực hiện quản lý nhà nước, bảo đảm ANTT, an toàn GT đối với người điều khiển, người sử dụng các phương tiện khi tham gia GT đường bộ, dự thảo Luật hiện tại quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phương tiện GT thông minh khi tham gia GT phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định (khoản 1, khoản 2 Điều 33); xe vận chuyển hàng nguy hiểm phải lắp thiết bị giám sát hành trình, camera bảo đảm giám sát người lái xe, phía trước và phía sau xe theo quy định của Chính phủ (khoản 3 Điều 42); xe bốn bánh có gắn động cơ vận chuyển hành khách, hàng hóa phải lắp thiết bị giám sát hành trình (khoản 1 Điều 45); xe cứu hộ GT đường bộ phải gắn thiết bị giám sát hành trình, camera và truyền dẫn dữ liệu theo quy định.
"Dự án Luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Trong quá trình này, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của QH và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các đại biểu QH để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật bảo đảm kỹ lưỡng, chất lượng, khả thi; trong đó sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng để điều chỉnh quy định về thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình phù hợp với các loại phương tiện tham gia GT đường bộ cũng như điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân và tính khả thi về quy định của Luật TTATGT đường bộ khi được áp dụng trong thực tiễn" - Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết.
Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, dự thảo Luật hiện tại quy định người dân không phải mang theo một số loại giấy tờ liên quan đến điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia GT đường bộ trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ đó đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định. Nếu quy định này được thông qua thì sẽ được áp dụng trên thực tế. Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý và xây dựng, kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Các nhà khoa học đề nghị xử lý nghiêm tài xế có sử dụng rượu, bia
Tham gia đóng góp vào dự án Luật TTATGT đường bộ, các ý kiến đóng góp tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thứ XV cho rằng, Ban soạn thảo cần có đánh giá và nêu rõ các lý do tiếp tục cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia GT. Về vấn đề này, Ban soạn thảo cho biết, Khoản 1 Điều 9 dự án Luật quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia GT đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Bộ Công an, Bộ Y tế tổ chức nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tổ chức điều tra xã hội học, hội thảo khoa học về: "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia GT đường bộ", lấy ý kiến các chuyên gia y tế tại các bệnh viện lớn của Việt Nam. Kết quả cho thấy, rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người; các nhà khoa học đều đồng thuận cao, phải xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia GT đường bộ có sử dụng rượu, bia.
Ban soạn thảo cũng cho biết, hiện nay việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ, số vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này.
Theo Ban soạn thảo, sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, chia làm 2 nhóm: Nhóm các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn và Nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được phép đối với người lái xe, theo đối tượng. Tuy nhiên, trong điều kiện văn hóa và GT ở Việt Nam hiện nay thực sự rất cần nồng độ cồn bằng không khi điều khiển phương tiện GT. GT trên đường tại Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra. Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua. Bên cạnh đó, ý thức tham gia GT của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về GT, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, hiện quy định cấm người tham gia GT điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Với các lý do nêu trên, dự án Luật TTATGT quy định cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia GT và có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, ý thức văn hóa GT tốt, có thể nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.