Dự hội thảo có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng đông đảo các nguyên lãnh đạo, lãnh đạo TP.HCM, huyện Cần Giờ các thời kỳ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu…
Các đại biểu đã thảo luận, đánh giá ý nghĩa lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của huyện Cần Giờ trong suốt 40 năm qua, đặc biệt nhấn mạnh các nội dung như chủ trương đưa huyện Cần Giờ (Duyên Hải) về lại TP.HCM là chủ trương phù hợp, đúng đắn; kết quả của các chủ trương, quyết định của thành phố trong tiếp nhận, xây dựng và phát triển huyện Duyên Hải (Cần Giờ) với nhiều kết quả, thành tựu trên các lĩnh vực cũng như tổng kết, đề ra các giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng phát triển Cần Giờ ngày càng nhanh, bền vững.
Rừng ngập mặn Cần Giờ nhìn từ trên cao. Ảnh: ST
Ngày 29/12/1978, huyện Duyên Hải, tỉnh Đồng Nai được sáp nhập vào TP.HCM. Đây là một bước ngoặt trọng đại, là dấu ấn sâu sắc đối với người dân huyện Duyên Hải - Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung.
Với truyền thống bất khuất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Duyên Hải - Cần Giờ, cùng với sự chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, sự tiếp sức của Trung ương, Cần Giờ bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển mới.
Từ một huyện với đời sống người dân nghèo nàn, lạc hậu, Cần Giờ nay đã từng bước phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực.
Nhiều công trình nổi bật đã được triển khai làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, xã hội của huyện Cần Giờ - huyện biển duy nhất của TP. Đặc biệt là công trình khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, ghi nhận và tôn vinh thành quả lao động miệt mài, sáng tạo, gian khổ của các ngành, các cấp, các đơn vị xung kích, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Toàn cảnh hội thảo
Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam, nằm trong mạng lưới 368 khu dự trữ sinh quyển của thế giới, với tổng diện tích 38.556 ha (trong đó có 30.162 ha rừng phòng hộ gồm 8.912 ha rừng tự nhiên tái sinh, 1.000 ha rừng trồng tự túc của dân và 20.250 ha rừng trồng lại từ năm 1978).
Cùng với đó là các công trình xây dựng đường Nhà Bè - Duyên Hải kết nối giữa Cần Giờ và nội thành thành phố là một thành tựu to lớn mang ý nghĩa lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Cần Giờ; công trình kéo được điện lưới quốc gia về huyện (1990) và phủ kín toàn huyện (2015); công trình kè đá chắn sóng biển khu vực Cần Thạnh - Long Hòa…
Từ những kết quả đạt được cũng như định hướng phát triển huyện Cần Giờ trong thời gian tới, nhiều đại biểu cho rằng: Cần Giờ cần tập trung đầu tư phát triển hoàn chỉnh và tổ chức khai thác có hiệu quả không gian du lịch trên địa bàn huyện, trên cơ sở từng bước khép kín và kết nối với các không gian du lịch khác trong khu vực.
Bao gồm các tuyến điểm (tuyến du lịch từ trung tâm thành phố đi Cần Giờ, Vũng Tàu, tuyến du lịch đường sông theo hình thức City tour) và Khu du lịch sinh thái (Khu du lịch bãi biển 30/4, Khu du lịch Lâm Viên Cần Giờ, Khu di tích lịch sử Rừng Sác, Khu núi đá Giồng Chùa...), Khu di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ,… cho phù hợp với tâm lý, văn hóa tín ngưỡng của người dân bản địa, thể hiện được sự đa dạng của hệ sinh thái khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Tuyến đường trung tâm thị trấn Cần Thạnh - huyện Cần Giờ
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, nguyên Phó Bí thư huyện ủy Cần Giờ, huyện cần xác lập cơ cấu đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh; nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh về dịch vụ du lịch và thủy sản, như Làng nghề cá (xã Thạnh An), nghề muối (xã Lý Nhơn), làng nuôi chim yến (xã Tam Thôn Hiệp), mô hình kết hợp thủy sản - rừng… để đưa nét đặc trưng này vào khai thác phục du lịch.
Trao đổi tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất thành phố và chính quyền huyện Cần Giờ nghiên cứu kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa trên cơ sở nghiên cứu "Văn hóa biển", xây dựng phương thức tiếp cận trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân gắn liền với những giá trị lịch sử, truyền thống anh hùng cách mạng với văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển.
Nhấn mạnh sứ mệnh đặc biệt của Cần Giờ, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, nêu rõ: Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam, được UNESCO công nhận đầu tiên trong cả nước vào năm 2000. Đó là tài sản chung của nhân loại phải được gìn giữ, tôn tạo cho muôn đời.
Ông Lê Minh Dũng trao đổi với phòng viên Báo Công an TP.HCM về những đổi thay của Cần Giờ
Cần Giờ có sứ mệnh đặc biệt thiết yếu đối với thành phố, đó là “Người cận vệ môi trường của thành phố”. Rừng ngập mặn Cần Giờ là một chỗ dựa của thành phố trước tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai bão tố ngày càng khắc nghiệt, dữ dội.
Từ sứ mệnh đó, ông Phạm Chánh Trực, cho rằng: Cần Giờ là khu Dự trữ sinh quyển của thế giới, đó là một thương hiệu quốc gia mạnh, cho nên mọi tư duy và định hướng quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội nhất thiết phải giữ gìn, đề cao danh hiệu đặc biệt đó.
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực mà chính quyền và nhân dân Cần Giờ đã đạt được. “Chưa bao giờ Cần Giờ có cơ hội phát triển tốt như bây giờ. Với thành tựu 40 năm qua, ta còn có Nghị quyết của Trung ương để phát triển bền vững kinh biển của đất nước tới 2020, tầm nhìn đến 2030. Đây là cơ hội để vận dụng, với sự đồng thuận của Trung ương, trong đó có 2 yêu cầu. Một là cơ sở khoa học, khoa học về môi trường, điều kiện địa lý và dòng chảy. Thứ hai là bảo vệ được nguồn tài nguyên biển”, ông Nhân nhấn mạnh.
"Đổi khẩu liên tục"
Huyện Cần Giờ giống như một hòn đảo, bốn bề là sông và biển, cách trung tâm TP khoảng 50km đường bộ. Là huyện duy nhất của TP giáp biển, có rừng ngập mặn đa dạng hệ sinh học. Do có vị trí địa lý đắc địa, huyện Cần Giờ (Duyên Hải) chịu ảnh hưởng nặng nề của hai cuộc chiến tranh Pháp và Mỹ. Đó là 2 triệu tấn bom đạn, 4 triệu lít chất độc hóa học rải xuống rừng ngập mặn Cần Giờ, khiến hệ sinh thái bị biến đổi nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Cần Giờ lại có nhiều thăng trầm khi phải thay đổi liên tục về địa giới hành chánh. Cụ thể, năm 1872, thực dân Pháp thành lập tổng Cần Giờ thuộc huyện Bình Dương (phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định). Năm 1947, Cần Giờ chuyển sang trực thuộc tỉnh Vũng Tàu. 10 năm sau đó, Cần Giờ nhập về tỉnh Phước Tuy (tên gọi mới của tỉnh Bà Rịa lúc đó).
Đến năm 1965, Cần Giờ được cắt ra từ tỉnh Biên Hòa nhập vào tỉnh Gia Định. Năm 1968, hai xã Phú Hữu, Phước Khánh của huyện Nhơn Trạch (tỉnh Biên Hòa) và xã Long Sơn thuộc huyện Châu Thành (tỉnh Bà Rịa) nhập vào huyện Cần Giờ để thành lập huyện Duyên Hải (thuộc tỉnh Biên Hòa). Đến năm 1976 thì huyện Duyên Hải về tỉnh Đồng Nai.
Đến ngày 29-12-1978, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI ban hành Nghị quyết phê chuẩn huyện Duyên Hải về TP.HCM.