Với chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng'', Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41) đã khai mạc sáng nay (8/9) tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến.
Khẳng định vinh dự đảm nhận trọng trách Chủ tịch AIPA và đăng cai Đại hội đồng AIPA lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 nhận định, Chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng” cùng với chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là biểu thị sự nhất trí và hưởng ứng kịp thời của AIPA và các Nghị viện thành viên AIPA đối với Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN trong việc vượt qua mọi khó khăn, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác, vì một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc AIPA 41
Đánh giá cao các chủ đề thiết thực vừa mang tính thời sự, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài sẽ được trao đổi tại Đại hội đồng AIPA 41 lần này, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn mỗi Nghị viện, với vai trò và trách nhiệm của mình, cần sát cánh với Chính phủ tìm mọi biện pháp sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN trong và sau đại dịch.
Nêu tóm tắt chương trình nghị sự của Đại hội đồng, Chủ tịch AIPA 41 cho biết, Ủy ban Kinh tế AIPA sẽ thảo luận về chủ đề “Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19” nhằm đưa ra các giải pháp vừa tăng cường khả năng khôi phục nền kinh tế, vừa ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Về chính trị, AIPA tiếp tục ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, đóng góp duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Các nghị sỹ sẽ cùng nhau trao đổi về chủ đề “Ngoại giao nghị viện vì hòa bình và an ninh bền vững trong ASEAN”.
Cũng tại Đại hội đồng AIPA lần này, Ủy ban Xã hội AIPA sẽ thảo luận về chủ đề “Nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19” và Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA thảo luận về “Vai trò của nữ nghị sỹ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”.
Đặc biệt, để nâng cao vai trò của nghị sĩ trẻ nói riêng, vai trò của thanh niên nói chung, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, lần đầu tiên các đại biểu tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA để bàn về “Sự tham gia của các Nghị sỹ trẻ AIPA vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.
“Những kết quả thảo luận, đóng góp nhiều sáng kiến mới trên tinh thần xây dựng và hợp tác của các vị đại biểu tại Đại hội đồng lần này sẽ đem lại thành công tốt đẹp vì tương lai phát triển của ASEAN và AIPA” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khép lại bài phát biểu.
Thúc đẩy hợp tác phát triển vaccine ngừa Covid-19
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPA 41 Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp toàn thế lần thứ nhất Liên minh Nghị viên ASEAN đã diễn ra trong không khí đoàn kết, hợp tác.
Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 nhận định, chúng ta đang chứng kiến một năm 2020 đầy biến động, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng đã gây ra những tổn thất vô cùng to lớn, Phó Chủ tịch QH Việt Nam nhận định, trong bối cảnh đó ASEAN và AIPA là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, kề vai sát cánh, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn.
Phiên họp lần thứ nhất AIPA 41
“Hơn bao giờ hết, người dân kỳ vọng ở các nghị sỹ Quốc hội, những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân tham gia đóng góp mạnh mẽ, thiết thực vào việc thúc đẩy Chính phủ hành động nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, mà trước hết phải đoàn kết lại, cùng vượt qua thách thức, hướng tới tương lai tốt đẹp” – bà Phóng nêu quan điểm.
Đánh giá “ASEAN đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt”, bà Phóng đề nghị AIPA và các Nghị viện thành viên AIPA cần đoàn kết vượt qua thách thức, chung tay ủng hộ Cộng đồng Văn hóa Xã hội AIPA trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 trên mọi lĩnh vực. Trong số này, việc cần làm ngay, theo nữ Phó Chủ tịch QH Việt Nam, là hợp tác để phát triển vaccine ngừa Covid-19 và bảo đảm quyền tiếp cận vaccine của người dân.
Nhấn mạnh sự đoàn kết phản ứng nhanh chóng trước vấn đề cấp thiết, phù hợp luật pháp quốc tế, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp, Trưởng đoàn đại biểu Brunei Haji Awang Ibrahim đánh giá, ảnh hưởng toàn cầu của đại dịch Covid-19 đã thay đổi cơ bản cách thức cuộc sống hàng ngày nhưng phải duy trì cách tiếp cận hướng về tương lai, thích nghi cẩn trọng để đảm bảo tính tiếp nối công việc của AIPA.
“Bằng tinh thần đoàn kết trong đa dạng trong ASEAN, tôi tin AIPA sẽ hỗ trợ vượt qua thách thức, phản ứng hiệu quả trước thách thức qua thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan, trao đổi kinh nghiệm kịp thời về việc giải quyết các hậu quả của đại dịch” – ông Haji Awang Ibrahim nhìn nhận.
Theo ông Ibrahim, các đại biểu Quốc hội cần đánh giá đúng thách thức, hậu quả của đại dịch, đưa ra các biện pháp kịp thời để bảo vệ lợi ích của người dân, đặc biệt là thành viên yếu thế trong xã hội.
Trưởng đoàn Brunei cũng đánh giá cao nội dung của Đại hội đồng AIPA năm nay khi thảo luận vấn đề quan trọng liên quan sự phát triển của Cộng đồng ASEAN, phản ứng trước Covid-19 và phục hồi sau đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp
“Tuy chúng ta không thể gặp nhau trực tiếp, nhưng tình hữu nghị và tinh thần hợp tác vẫn sẽ vượt qua tất cả” – Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Campuchia Samdech Heng Samrin mở đầu bài phát biểu của mình cùng lời cảm ơn và chúc mừng Quốc hội Việt Nam đã tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cho rằng đại dịch Covid-19 đem đến những thách thức chưa từng thấy, như sự quan ngại về y tế cộng đồng, chuỗi cung cứng toàn cầu cũng như tác động nghiêm trọng về xã hội và kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Campuchia đề nghị cần tăng cường hợp tác, đoàn kết vì lợi ích chung. Điều này, theo ông Heng Samrin, đã được thể hiện khi ASEAN kiểm soát dịch chủ động, kịp thời với nỗ lực tập thể trong chia sẻ thực tiễn, kiến thức và thông tin.
“Đặc biệt là việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 đã giúp xử lý khâu cần thiết khi phòng chống dịch yêu cầu cần có nguồn tài chính đáng kể, vật tư và nhân lực. Kinh nghiệm thực tế trong vận động, kêu gọi và khuyến khích đóng góp từ cộng đồng, từ khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ... vì lợi ích của toàn xã hội cho thấy văn hoá chia sẻ, đoàn kết và thống nhất của chúng ta” – ông Heng Samrin nói.
Về phần mình, bà Puan Maharani- Chủ tịch Hạ viện, Trưởng đoàn đại biểu Indonesia cũng đánh giá đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới người dân, kinh tế và sự tự cường. Do đó, cần khuyến khích các Quốc hội thành viên có chính sách phù hợp để giảm thiểu tác động của dịch tới kinh tế, đảm bảo đời sống cho người dân.
Đề cập vấn đề xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, bà Puan Maharani nhấn mạnh cần phải tuần thủ Công ước luật biển 1982, đảm bảo những quyền, lợi ích chính đáng của quốc gia ven biển.
“Chúng ta có thể vượt qua thách thức, khó khăn. Trên tinh thần cùng nhau hợp tác, chúng ta có đủ niềm tin và sức mạnh để có thể đạt được mục tiêu chung là vượt qua dịch bệnh Covid-19” - Chủ tịch Hạ viện Indonesia nhấn mạnh.
Còn Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou cho rằng, để đối mặt với các thách thức truyền thống và phi truyền thống, các nước thành viên AIPA đã có nhiều đóng góp tích cực thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa.
Năm 2020, khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và thiên tai. Trong bối cảnh đó, Lào hoan nghênh những biện pháp của các quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị cấp cao ASEAN năm 2020.
“Tôi tin rằng các quốc gia thành viên ASEAN sẽ có những chương trình, giải pháp mang lại sự thịnh vượng, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh một cách bền vững”, bà Pany Yathotou nhấn mạnh.