Dự án Luật Đảm bảo an toàn giao thông:

Trẻ dưới 4 tuổi chở trên ôtô phải có ghế ngồi dành cho trẻ em

Thứ Ba, 08/09/2020 06:45  | Hải Triều

|

(CATP) Tách ra từ Luật Giao thông đường bộ, dự án luật Đảm bảo an toàn giao thông do Bộ Công an thay mặt Chính phủ trình Quốc hội đã được Uỷ ban Quốc phòng - An ninh cho ý kiến tại phiên họp chiều 7/9.

Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm

Thông tin về những nội dung cơ bản của dự luật, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, dự luật đã bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm là những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây mất an ninh, trật tự.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nêu ý kiến tại phiên họp

Các hành vi này bao gồm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác do pháp luật cấm sử dụng; điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện; ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường, ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ...

Dự luật cũng sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông. Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho trẻ em, người già, người khuyết tật, người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.

Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35 mét được chở trên xe ôtô chở người không được ngồi ở hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) khi tham gia giao thông đường bộ, trừ trường hợp đối với xe chỉ có một hàng ghế. Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế ngồi thiết kế dành cho trẻ em; người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường; mở cửa xe...

Một điểm đáng chú ý được sửa đổi trong dự luật này là quy định 1 hạng B để cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ, xe ô tô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg; bỏ quy định hạng E, các hạng F. Như thế, sẽ chỉ còn 11 hạng giấy phép lái xe gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.

Qua thảo luận tại Uỷ ban Quốc phòng - An ninh, có ý kiến lo ngại việc chia GPLX thành 11 hạng như kể trên sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lái xe. Tuy nhiên, quan điểm chung của Uỷ ban thì cho rằng, việc này là thống nhất với Công ước Viên (Vienna) 1968 về GTĐB.

Mặt khác, trong dự thảo Luật đã có điều khoản chuyển tiếp, quy định các loại GPLX hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật GTĐB năm 2008 còn thời hạn thì vẫn còn hiệu lực và vẫn còn giá trị tương đương với GPLX các hạng B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE theo quy định của luật này. Trường hợp cấp lại thì cấp theo quy định mới. Từ phân tích này, Uỷ ban QPAN Quốc hội khẳng định, quy định mới không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp GPLX.

Các đại biểu dự phiên họp

Thiết lập nền giao thông văn minh

Do còn ý kiến khác về việc đào tạo, sát hạch, cấp phép GPLX nên trong Tờ trình cơ quan soạn thảo đã thiết kế 2 phương án:

Phương án 1: vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phương án 2: Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù họp cho từng phương án.

Phân tích cụ thể, cơ quan soạn thảo chỉ ra, người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông. Do đó, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe…

“Hành vi của người tham gia giao thông là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành nội hàm khái niệm “bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”” - Tờ trình nêu rõ.

Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo cơ quan soạn thảo, là các nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Như vậy, việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ góp phần đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền con người, phòng ngừa, hạn chế thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.

Quy định này cũng nhằm lập lại trật tự, nề nếp, kỷ cương, xây dựng nền giao thông văn minh, tôn trọng pháp luật; quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra hiện nay đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nhà nước. Đây cũng là lý do khiến nhiều thành viên Chính phủ đã chọn Phương án 1.

Ở phương án 2, theo cơ quan soạn thảo, không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến của Uỷ ban QPAN nhất trí với phương án Chính phủ đã thống nhất và giao Bộ Công an quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cho rằng đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Uỷ ban QPAN đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.

Thống nhất giao Bộ Công an đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Thảo luận tại phiên họp, hầu hết các ý kiến thống nhất với sự cần thiết của dự luật. Còn lo ngại từ việc tách luật, được Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quàng Văn Hương đặt ra, là có những quy định bị chồng chéo. Vì thế, ông Hương khẳng định cần phải rà soát kỹ cả 2 luật để tránh tình trạng này.

Tương tự, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt khẳng định bà chưa thấy được thuyết phục bởi việc tách luật. “Tôi nghĩ phải làm thế nào để người dân hiểu 2 luật trên không nhầm lẫn, chồng chéo nhau, không dẫn đến tình trạng quyền anh, quyền tôi” - bà Nguyệt nêu quan điểm.

Ở chiều ngược lại, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng lo ngại trên không phải là vấn đề lớn. Ông Thọ giải thích, việc tách luật sẽ giúp quy định rõ hơn trách nhiệm của các đơn vị thực thi nhiệm vụ.

“Có việc gì xảy ra chúng ta vẫn hay kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc, mà cả hệ thống vào thì không biết ai chịu trách nhiệm chính” - ông Thọ nói và khẳng định hai luật sẽ không có nhiều chồng chéo.

Vẫn theo Thứ trưởng Bộ GTVT, trong điều kiện thời gian tới chúng ta cần thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm soát tốt người điều khiển phương tiện giao thông thì việc giao Bộ Công an thống nhất quản lý là cần thiết.

“Chúng ta cần giải pháp mạnh cho lĩnh vực này, Bộ Giao thông vận tải rất đồng tình, thấy tốt hơn thì chúng tôi ủng hộ” - ông Thọ nói.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu vào cuối phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ và Luật Giao thông đường bộ điều chỉnh chính sách, lĩnh vực riêng của từng đạo Luật đó là bảo đảm TTATGT và kết cấu hạ tầng.

“Vấn đề này đã được phân định rõ ràng trong quyết định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã thống nhất những nét cơ bản. Ví dụ vấn đề sát hạch cấp giấy phép GPLX, Bộ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Công an chủ trì sát hạch” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin.

Vẫn theo ông Ngọc, lực lượng Công an đã triển Công an chính quy đến cấp xã, nên việc tham gia đảm bảo TTATGT sẽ được Bộ trưởng phân công phủ kín địa bàn, đáp ứng được tình hình TTATGT cao hơn ở cơ sở.

Bình luận (0)

Lên đầu trang