(CATP) Quốc tịch là một chế định pháp lý quan trọng của mọi quốc gia. Nó bao giờ cũng được thể hiện trước hết trong Hiến pháp. Bởi vì một trong bốn yếu tố quan trọng cấu thành một quốc gia độc lập là yếu tố cư dân và quốc tịch. Quốc tịch cũng thể hiện mối quan hệ pháp lý về quyền và nghĩa vụ giữa công dân với nhà nước. Vì vậy Quốc tịch là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính chính trị sâu sắc. Trong thực tiễn đã từng có những xung đột quốc gia mà khởi đầu của nó là vấn đề quốc tịch. Vì vậy, giải quyết vấn đề quốc tịch luôn nhạy cảm đối với mọi quốc gia.
Pháp luật về quốc tịch trên Thế giới và Việt Nam
Tùy theo điều kiện, tình hình, vị thế của mỗi quốc gia mà pháp luật về quốc tịch của từng quốc gia cũng có những quy định đặc thù. Các luật gia thường phân ra hai trường phái pháp luật về quốc tịch căn cứ vào các quy định về điều kiện có quốc tịch, mất quốc tịch của mỗi nước như sau:
a/ Nhóm nước theo nguyên tắc đa quốc tịch (từ hai quốc tịch trở lên). Những nước này không hạn chế công dân của họ có một hay nhiều quốc tịch.
b/ Nhóm nước theo nguyên tắc một quốc tịch. Trong nhóm này lại phân thành hai nhóm nhỏ sau:
Những nước theo nguyên tắc một quốc tịch "cứng": Luật pháp những nước này hoàn toàn không cho phép công dân của họ được có cùng lúc hai quốc tịch trở lên.
Những nước theo nguyên tắc một quốc tịch "mềm": Luật pháp những nước này quy định công dân của họ chỉ có một quốc tịch nhưng cũng cho phép trong một số trường hợp (thường là đặc biệt) được phép có hai quốc tịch. Để bảo đảm thực hiện các nguyên tắc "đa quốc tịch" hoặc một quốc tịch (cứng hoặc mềm) mỗi quốc gia đều quy định những điều kiện nhập, trở lại, thôi quốc tịch một cách thích hợp.
Việt Nam, bắt đầu từ Luật quốc tịch 2008 (được sửa đổi bổ sung 2014) có thể coi là một quốc gia chuyển từ một quốc tịch "cứng" sang một quốc tịch "mềm". Theo Luật quốc tịch Việt Nam nói trên thì chỉ những công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam thì vẫn có quốc tịch Việt Nam (Khoản 2, Điều 13).
Lưu ý: Điều khoản này không áp dụng đối với công dân Việt Nam định cư trong nước. Ngoài ra chỉ một số trường hợp đặc biệt, được Chủ tịch nước đồng ý thì những người nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam có thể được giữ nguyên quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp này những công dân ấy sẽ có hai quốc tịch.
Như vậy, công dân Việt Nam bình thường định cư ở trong nước không thể cùng một lúc có từ hai quốc tịch trở lên. Trong trường hợp những công dân này muốn nhập quốc tịch nước ngoài thì phải thôi quốc tịch Việt Nam trước khi nhập quốc tịch nước ngoài.
Không những thế, Khoản 4, Điều 27 Luật quốc tịch Việt Nam cũng quy định: "Cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam". Trong khi ông Phạm Phú Quốc đang là Đại biểu Quốc hội thì chắc chắn không được thôi quốc tịch Việt Nam.
Ông Phạm Phú Quốc
Ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm những luật nào khi lén lút nhập quốc tịch Cyprus?
Việc làm của ông Phạm Phú Quốc không chỉ vi phạm nghiêm trọng Luật quốc tịch Việt Nam hiện hành mà theo quan điểm của tôi, ông ấy có thể đã vi phạm một số luật khác, cần phải bị điều tra, làm rõ. Dưới đây là một số gợi ý:
Ông Phạm Phú Quốc vi phạm Luật tổ chức Quốc hội, trong đó Điều 22. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, Khoản 1 quy định Đại biểu Quốc hội phải "Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp..."
Ông Phạm Phú Quốc có thể vi phạm Luật cán bộ, công chức (vì ông là Đại biểu Quốc hội và là Tổng giám đốc một công ty quan trọng của Nhà nước), cụ thể là Khoản 1 Điều 8; Khoản 2 Điều 9; Khoản 1 và Khoản 2 Điều 19 Luật cán bộ, công chức 2008.
Ông Quốc cũng có thể vi phạm Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018; bởi vì ông là Đại biểu Quốc hội được quyền tiếp cận với các tài liệu của Đảng và Nhà nước có độ mật rất cao mà các cán bộ, công chức bình thường không được tiếp cận. Không ai có thể khẳng định là ông Quốc không tiết lộ những bí mật này với các tổ chức nước ngoài mà ông có quốc tịch.
Chúng ta nên nhớ rằng bất cứ quốc gia nào trên thế giới khi xét cho một người nước ngoài nhập quốc tịch nước họ thì phải có lợi cho quốc gia đó. "Có lợi" ở đây không chỉ thuần túy về kinh tế và với một quốc gia giàu có như Cyprus lại càng không quá quan trọng về kinh tế.
Từ những phân tích trên, tôi có thể nhận định: ông Phạm Phú Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Luật quốc tịch Việt Nam và một số luật quan trọng khác. Không những vậy, tính chất hành vi vi phạm của ông Quốc là lén lút. Tôi dùng từ "lén lút" là bởi ông Quốc đã thực hiện hành vi này một cách bí mật, không báo cáo tổ chức Đảng, chính quyền. Một Đại biểu Quốc hội lén lút và cố ý vi phạm pháp luật không thể không bị một hình thức phạt thích đáng.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội có phải là một hình thức phạt không? Theo tôi là không phải. Trong pháp luật Việt Nam cũng như các nước trên Thế giới chỉ có ba loại phạt là: hình sự, hành chính và dân sự. Tương ứng với 3 hình thức phạt này thì Bộ luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Dân sự đều có quy định các hình thức phạt cụ thể. Tuy nhiên trong cả 3 bộ luật và đạo luật nói trên không hề có quy định hình thức phạt "bãi nhiệm".
"Bãi nhiệm" chỉ là một hình thức cho thôi làm đại biểu đối với các chức vụ do bầu cử. Bãi nhiệm khác với miễn nhiệm ở chỗ người bị bãi nhiệm do vi phạm kỷ luật hoặc phạm tội nên không còn đủ tư cách làm đại biểu; còn miễn nhiệm thì người đại biểu không còn đủ điều kiện để tiếp tục làm nhiệm vụ đại biểu nên được miễn nhiệm theo đơn đề nghị của chính người đó. Việc phân biệt giữa bãi nhiệm và miễn nhiệm chỉ có ý nghĩa về chính trị.
Như vậy "bãi nhiệm" không phải là một hình thức phạt. Trong lý luận về pháp luật, phạt được coi là việc gây cho người vi pháp pháp luật một thiệt hại (vật chất hoặc tinh thần) nhất định tương ứng với hành vi vi phạm của người đó. Nếu coi "bãi nhiệm" là hình thức phạt đối với đại biểu thì hóa ra chúng ta quan niệm làm đại biểu chỉ thuần túy là một quyền lợi của cá nhân đại biểu.
Bây giờ bạn hãy hình dung một ông Đại biểu Quốc hội phản bội lại Tổ quốc mình, phản bội nhân dân mình - những người đã tin tưởng trao cho ông ta quyền lực mà lại không bị một hình thức phạt nào cả? Điều này có công bằng không?