Phụ thuộc nhập khẩu nhiên liệu
Có rất nhiều hạn chế được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu ra tại phiên giải trình liên quan đến quy hoạch, đầu tư các dự án điện. Theo Bộ trưởng, việc nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu
“Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nguy cơ thiếu điện 2020- 2025" - Bộ trưởng trình bày.
Hạn chế tiếp theo là mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.
Trong khi đó, nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu.
“Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030” – Bộ trưởng Tuấn Anh thông tin, đồng thời nhận định, việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng…
Nguyên nhân của những bất cập trên có nhiều song theo người đứng đầu ngành công thương, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Bộ Công thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Bộ trưởng cũng kiến nghị cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện.
Đối với các dự án điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ trưởng đề nghị cho phép chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường).
Các đại biểu tham dự phiên giải trình
“Sục sôi” về giá
Nêu ý kiến tại phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm phản ánh, từ 2011 đến nay đã 9 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện, 9 lần điều chỉnh này đều là điều chỉnh tăng, chưa bao giờ điều chỉnh giảm, có thời điểm hỗ trợ giảm tiền điện phải nộp do kinh tế khó khăn áp dụng trong thời gian ngắn như covit vừa qua, không phải giảm giá bán lẻ điện.
“Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công thương chưa nỗ lực hết mình giảm giá thành điện để giảm giá bán, nhiều yếu tố giảm giá thành điện chưa được quyết liệt thực hiện, biểu tính giá điện hiện nay không hợp lý, kể cả dự thảo thay thế quyết định 28 chưa giải quyết được bức xúc tiền điện sinh hoạt phải nộp; cách tính giá điện ngoài sinh hoạt bất cập, người dân phải bù giá điện cho sản xuất” – ông Hàm phàn nàn.
Theo đại biểu này, giá chỉ có thể hợp lý khi cung, cầu cân đối. Tuy nhiên 4 năm qua (giai đoạn 16-20) nhiều dự án bị chậm tiến độ; công suất các dự án có thể vận hành chỉ đạt 72% qui hoạch của giai đoạn. Đây là nguyên nhân không giảm được giá điện.
Biểu giá bán lẻ điện lỗi thời nhưng chậm được sửa đổi, kể cả dự thảo quyết định sửa đổi cũng nhiều ý kiến chưa đồng thuận do chưa giải quyết được căn cơ sự đột biến tiền điện khi giao mùa; phương án một giá xa thực tiễn, thiếu khả thi, bất cập nên dự thảo đang ở giai đoạn lấy ý kiến, Bộ Công thương đã phải xin rút….
“Các bất cập trên Bộ Công thương nhìn nhận như thế nào. Hướng khắc phục ra sao về biểu giá, về qui hoạch và tỷ trọng các nguồn điện có tính đến yếu tố giá; về giá điện mặt trời, điện gió; về cơ chế phân phối khí, cấp QC… Đặc biệt là bao giờ, cụ thể là thời điểm nào thì có thể bàn đến giảm giá điện, qui hoạch hướng tới mục tiêu này (mục tiêu giảm giá điện) như thế nào?” – đại biểu Hàm nêu câu hỏi.
Ở góc nhìn khác, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Đỗ Văn Sinh cho rằng, giá điện và câu chuyện điều hành giá chỉ là cái ngọn của vấn đề.
“Cái gốc lớn hơn nhiều, từ những bất hợp lý trong quy hoạch, đầu tư phát triển nguồn, chính sách phát triển năng lượng tái tạo… tóm lại là câu chuyện điều hành, chứ không phải giá” - ông Sinh nói.
Ông Đỗ Văn Sinh nêu ý kiến
Phân tích cụ thể hơn, đại biểu Sinh cho rằng cách lập, phê duyệt với những nội dung của quy hoạch điện lực như trên đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy, là vi phạm nguyên tắc “công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh” quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật Điện lực và làm quy hoạch này vừa cứng nhắc vừa dễ vỡ.
Việc thiếu công khai, minh bạch dẫn đến có nhiều nhà đầu tư được lựa chọn không đủ năng lực về tài chính và kỹ thuật, có tình trạng chào bán, chuyển nhượng dự án; nhiều dự án chậm tiến độ (Long Phú 1, Sông Hậu 1), có dự án xảy ra lãng phí tiêu cực tham nhũng (Thái Bình 2).
Mặt khác, trường hợp có sự thay đổi quy mô, thời gian vận hành thì các nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian, tiền của, cơ hội đầu tư để được thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch. Do đó, không phù hợp với vai trò định hướng của quy hoạch, mà thực chất là để “cấp phép”.
Trong khi các dự án điện lớn “chết đứng” thời gian vừa qua thì năng lượng tái tạo vô cùng khởi sắc. Điều này đáng lẽ là tín hiệu mừng, vì năng lượng tái tạo là năng lượng sạch cần khuyến khích đầu tư, nhưng theo đại biểu Sinh, lại là một điểm bất thường khác trong điều hành.
Dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện năng lựơng tái tạo từ năm 2011, nhưng đại biểu Sinh chỉ ra, Bộ công thương không chủ động kịp thời chỉ đạo, tổ chức lập, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch để công bố công khai danh mục dự án; mà hầu hết do các nhà đầu tư tự do lập và chạy để dự án được bổ sung vào quy hoạch, dẫn đến tình trạng vỡ quy hoạch.
“Nguồn điện mặt trời tăng gấp 7,84 lần so với qui hoạch 2020 (6670/850 MW), hệ thống truyền tải đầu tư không kịp, do đó hệ số huy động công suất điện năng lượng tái tạo năm 2019 chỉ là 12%, gây lãng phí rất lớn nguồn lực của doanh nghiệp và nhà nước. Việc quá tải này lại khởi động một vòng “chạy” mới, là chạy đấu nối” – ông Sinh phân tích.
Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, dù kết quả đạt được tích cực, tốc độ tăng trưởng của ngành năng lượng luôn gấp từ 1,5 - 2 lần so với tăng trưởng kinh tế của đất nước, song vấn đề an ninh năng lượng ở nước ta vẫn đang là những thách thức lớn cần vượt qua.
Phân tích về thị trường, giá cả và khả năng tài chính, ông Hiển chỉ ra, chúng ta đều nhận thức được rằng, thị trường là động lực của sự phát triển, cạnh tranh lành mạnh là để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, tạo sự phát triển bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của một thị trường đầy đủ, giá cả được tính đúng, tính đủ, có lợi nhuận hợp lý, hạn chế bao cấp, tạo nguồn lực tích lũy để đầu tư phát triển thì thị trường điện, giá cả kể cả bán buôn và bán lẻ còn có một khoảng cách, chưa thực sự phản ánh quan hệ cung cầu, chưa theo quy luật giá trị, cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa thực sự phù hợp theo vùng miền, chưa đưa ra tín hiệu định hướng đầu tư.
“Ví dụ, có nhiều ý kiến cho rằng một số lĩnh vực sản xuất được nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhờ lợi dụng giá điện thấp, nhân công rẻ, giá môi trường rẻ… Nhiều loại thiết bị, công nghệ lạc hậu tiêu tốn năng lượng được chuyển dịch vào Việt Nam những năm qua cũng vì lý do đó? Đây là câu hỏi cần được trả lời” – ông Hiển nhấn mạnh.
Nêu giải pháp thời gian tới liên quan đến cơ chế giá điện, ông Hiển đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay...