(CAO) Sáng ngày 29-08-2015, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với hai tỉnh Tiền Giang và Long An tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Mỹ Lợi bắc qua sông Vàm Cỏ nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Long An trên tuyến Quốc lộ 50, kết thúc hơn 18 tháng thi công đầy gian khó và đã hoàn thành dự án đúng kế hoạch.
Lễ cắt băng khánh thành công trình cầu Mỹ Lợi nối liền hai tỉnh Long An và Tiền Giang
Tham dự buổi lễ khánh thành có các ông Mai Văn Chính – Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đinh La Thăng – Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải; Nguyễn Văn Thể - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước: bà Trương Mỹ Hoa – nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Trương Vĩnh Trọng – nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang và Long An,…
Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm khánh thành cầu Mỹ Lợi
Dự án cầu Mỹ Lợi có tổng chiều dài toàn tuyến là 2,691km. Tổng chiều dài cầu là 1421.96m, rộng 12m cho 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, trong đó chiều dài cầu chính là 269,92m.
Chiều dài cầu dẫn phía Long An là 578,38m và chiều dài cầu dẫn phía Tiền Giang là 573,66m bắc qua sông Vàm Cỏ, nối liền Quốc lộ 50 thuộc địa phận huyện Cần Đước (Long An) và thị xã Gò Công (Tiền Giang).
Cầu được xây dựng bằng kết cấu bê tông cốt thép và bê công cốt thép dự ứng lực,…
Chính thức thông xe cầu Mỹ Lợi
Công trình cầu Mỹ Lợi được chính thức khởi công vào từ cuối tháng 1-2014 và được hoàn thành vào tháng 8-2015.
Đây là dự án được đầu tư theo phương thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) với tổng mức đầu tư là 1.438,952 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư BOT là 1.312,971 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách nhà nước.
Cầu Mỹ Lợi được chính thức đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt và tác động rõ nét với sự phát triển kinh tế, xã hội của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An
Cầu Mỹ Lợi được chính thức đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt và tác động rõ nét với sự phát triển kinh tế, xã hội của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Đặc biệt, Thị xã Gò Công sẽ trở nên gần gũi với TP.HCM và các tỉnh Miền đông hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ năng động và đầy tiềm năng, hướng tới trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội, công nghiệp – dịch vụ mới, một đô thị đầy triển vọng của vùng duyên hải miền Tây.