Không giảm được giờ làm thì nên giữ nguyên!

Thứ Sáu, 20/09/2019 09:53

|

(CAO) Việc làm thêm giờ liên quan đến năng suất lao động, không chỉ dựa vào sức người mà còn dựa vào sự đổi mới công nghệ. 

Với quan điểm này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu không cho phép tăng giờ làm thì đương nhiên doanh nghiệp phải suy nghĩ đổi mới công nghệ, đưa dây chuyền hiện đại vào.

Trong phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (20-9) về Bộ luật Lao động (sửa đổi), nội dung mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. 

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc làm thêm giờ liên quan đến năng suất lao động, không chỉ dựa vào sức người mà còn dựa vào sự đổi mới công nghệ. Ông Phúc cho rằng, nếu không cho phép tăng thì đương nhiên doanh nghiệp phải suy nghĩ đổi mới công nghệ, đưa dây chuyền hiện đại vào, nếu cho tăng thì sẽ hạn chế đổi mới công nghệ, khuyến khích không đổi mới công nghệ.

"Làm thêm giờ thì người lao động cực kỳ khổ, nhất là phụ nữ không còn thời gian nào mà chăm sóc gia đình nữa. Quan điểm của tôi là không tăng, không giảm được thì giữ nguyên" - ông Phúc thẳng thắn.

Từng làm doanh nghiệp, ông Phúc chia sẻ, khi ra nước ngoài "khoe" nhà máy nhiều công nhân thì chuyên gia nước ngoài họ bảo đừng có khoe, bởi có sản phẩm nếu chỉ sử dụng 100 lao động trở xuống thì mới là tốt.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, người Mỹ sang Việt Nam mua hàng họ đi xem công nhân ăn gì uống gì, được chăm sóc thế nào chứ không xem sản phẩm ngay, bởi quan điểm của họ là nếu đời sống người lao động tốt thì sản phẩm tốt.

"Tôi thiết tha đề nghị giữ nguyên không tăng giờ làm thêm" - ông Phúc nói.

Chung quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, trước đây cán bộ công chức làm việc tuần 48 giờ sau đó xuống 40 giờ, bây giờ công nhân vẫn làm việc tuần 48 tiếng mà còn tăng thì đi ngược lại xu thế của thế giới.

Thông tin về cuộc họp mới đây của Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội 13 bàn về chiến lược phát triển, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Thủ tướng rất quan tâm đến đột phá về đổi mới công nghệ tăng năng suất lao động. Do đó, việc Bộ luật quy định theo hướng thâm dụng lao động, theo ông Thanh, là  đi ngược lại quan điểm phát triển.

Chia sẻ với các ý kiến trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói: "Thường vụ Quốc hội kiên trì quan điểm theo phương án 1 nhưng cũng không bác Chính phủ, cứ trình cả hai để Quốc hội quyết".

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình Quốc hội mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành). Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, quá trình thảo luận, lấy ý kiến có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Loại ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ đồng ý mở rộng thêm khung thời gian làm thêm giờ vì xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp, đồng thời cũng là nguyện vọng của người lao động (chủ yếu ở nhóm lao động phổ thông trong một số lĩnh vực: da giày, thủy sản, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…) để tăng thu nhập do tiền lương thực tế chưa đủ sống.

Tuy nhiên, các ý kiến này đề nghị phải có sự thỏa thuận thực sự giữa người sử dụng lao động và người lao động, tiền lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến, khống chế giờ làm thêm tối đa trong tháng để tạo điều kiện tháo gỡ cho nhóm doanh nghiệp, ngành nghề có nhu cầu làm thêm giờ.

Loại ý kiến thứ hai không đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa vì cho rằng, mục tiêu phải hướng đến là tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ, quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe cho người lao động về lâu dài, phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới, phù hợp với mục tiêu của phong trào công nhân, công đoàn thế giới, quan hệ lao động trong thời kỳ mới.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 cũng không tán thành với đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa song theo phản ánh của cơ quan soạn thảo, Chính phủ vẫn mong muốn phương án của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Chính vì vậy, theo bà Thuý Anh, thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội đề xuất hai phương án báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, phương án 1 là giữ như quy định của Bộ luật hiện hành, có bổ sung nâng quy định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ.

Phương án 2 quy định như dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, tức là nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ trong một năm. Theo phương án này, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị danh mục cụ thể các ngành, nghề được mở rộng khung làm thêm từ trên 300 giờ đến 400 giờ và trình Quốc hội dự thảo Nghị định chi tiết.

Nêu quan điểm của Uỷ ban, bà Nguyễn Thuý Anh khẳng định, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.

"Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động" - nữ Chủ nhiệm nhận định. 

Vì lý do trên, quá trình thẩm tra sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trước đây, đa số ý kiến thành viên Ủy ban luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang