Khu vực Nam Bộ chuẩn bị phương án đối phó áp thấp nhiệt đới kép

Thứ Tư, 01/11/2017 16:27

|

(CAO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ 7 giờ ngày 1-11 tâm áp thấp nhiệt đới có sức gió tối đa 60 km/h (cấp 7), giật cấp 9 đang cách Côn Đảo khoảng 110 km về phía Đông Đông Nam. Dự báo sáng mai áp thấp tại vùng biển phía Nam - Cà Mau sẽ có sức gió mạnh gần tâm bão cấp 6 và giật cấp 8.

Hướng di chuyển của cơn bão - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Song song đó, một áp thấp nhiệt đới khác đang hoạt động gần khu vực đảo Palawan (Philippines) có sức gió mạnh cấp 7 (60 km/h) di chuyển theo hướng Tây tốc độ 20 km/h và có thể phát triển thành bão.

Các tỉnh Nam Bộ hiện đang chuẩn bị nhiều phương án đối phó diễn biến phức tạp của hai đợt áp thấp nhiệt đới. Từ T.Quảng Ngãi đến T.Cà Mau chính quyền địa phương đã cấm tàu thuyền ra khơi.

Tại Quảng Ngãi, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, tỉnh có mưa lớn trên diện rộng. Theo Giám đốc Cảng Sa Kỳ - Lê Tấn Hải, gió cấp 6 trở lên nên đã chỉ đạo dừng hoạt động và tuyến giao thông đường biển sẽ ngừng hoạt động trong nhiều ngày tới.

Tại Kiên Giang, 45% tàu đánh bắt xa bờ đã và đang đánh bắt gần bờ vào nơi trú an toàn. Tàu du lịch từ Sóc Trăng ra Côn Đảo được lệnh ngưng hoạt động tránh áp thấp nhiệt đới; riêng tàu cao tốc Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Đảo Nam Du hoạt động bình thường do tàu có thể chịu được sóng gió cấp 7.

Tại Bến Tre, Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn Tỉnh đã gửi công điện đến các sở - ban - ngành của 3 huyện vùng biển Ba Tri - Thạnh Phú - Bình Đại sẵn sàng ứng phó với thời tiết xấu.

Tỉnh có 4.000 tàu đánh bắt, 8.700 ngư dân của hơn 1.400 tàu đã vào neo đậu và hơn 46.000 ha nuôi trồng thuỷ sản ven biển. Lực lượng chức năng của Tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao đề phòng triều cường kết hợp mưa to gây nước dâng 4 - 4,5m.

Tại Cà Mau, tàu thuyền bị cấm ra khơi sau 18 giờ ngày 1-11, người dân tại vùng nguy hiểm được di dời. Học sinh tiểu học và mầm non tại các xã ven biển được nghỉ học. Lễ tưởng niệm 20 năm cơn bão Linda sẽ được dời vào sáng ngày 3-11. Bộ đội Biên phòng khẩn trương liên lạc với hơn 1.000 ngư dân của 171 tàu trên biển vào bờ hoặc ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ảnh minh hoạ

Theo người dân tại Cà Mau, sáng nay thời tiết âm u như trận bão Linda của 20 năm trước, một số ngư dân đã dự phòng phương án đưa tài sản lên bờ đề phòng nước dâng, gió giật,...

Tại Bình Thuận, hiện 1.200 tàu đánh bắt hải sản của H.Phú Quý đã vào bờ, chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng sẵn sàng đối phó với thời tiết xấu, đặc biệt là khả năng áp thất nhiệt đới mạnh lên thành bão.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, H.Côn Đảo có 100 tàu cá đánh bắt xa bờ của các địa phương đã vào neo đậu. Chính quyền Huyện cũng yêu cầu ngư dân chằng chéo an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của.

Tại TP.HCM, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ - Lê Minh Dũng (huyện duy nhất giáp biển) cho biết, Trung ương và Thành phố đã tổ chức nhiều buổi diễn tập phòng chống cứu nạn cứu hộ trên địa bàn. Các phương án đã sẵng sàng và các xã được lệnh trực 24/24, khi có lệnh của Thành phố là triển khai ngay.

Khu vực Nam Bộ do ít đón bão nên người dân thiếu kinh nghiệm trong công tác ứng phó, khiến thiệt hại nặng nề. Điển hình cơn bão Linda (ngày 1-11-1997) vào khu vực Nam Bộ, chỉ trong 36 giờ, sức gió từ cấp 6 lên cấp 11; hậu quả gần 3.000 người chết và mất tích, nhiều tài sản bị hư hỏng ước tính hơn 7.200 tỷ đồng.

Đến tháng 4-2012, bão Parkhar vào Nam Bộ (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước) làm hàng trăm ngôi nhà hư hỏng, hai người thiệt mạng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang