Kiểm soát nợ công: Nhiệm vụ bức bách

Thứ Năm, 26/10/2017 17:54

|

Theo báo cáo chính thức về nợ công của Chính phủ thì nợ công trong năm nay có thể đạt mức 3,1 triệu tỷ, tăng đến hơn 300 ngàn tỷ đồng so với năm 2016 và chiếm 62,6% GDP. Dự kiến vào cuối năm 2018 tỷ lệ nợ công có thể chiếm khoảng 63,9% GDP.

Dù mức nợ công hiện tại vẫn ở dưới ngưỡng được cho là an toàn, nhưng sự gia tăng số nợ tuyệt đối phải trả cũng đồng nghĩa với sự gia tăng gánh nặng trả nợ của quốc gia, nghĩa là của nhân dân. Vả lại, bài học khủng hoảng nợ công của một số nước luôn là lời cảnh báo nghiêm khắc. Không phải đợi đến lúc sự việc trở nên trầm trọng mới triển khai các biện pháp khắc phục, thì sẽ trễ.

Cần siết chặt việc thẩm định các dự án vay và bảo lãnh vay nhân danh Chính phủ, bảo đảm việc xác lập các nghĩa vụ của Nhà nước phải nhằm các mục tiêu thiết thực: phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh,…

Người dân thắc mắc về những trường hợp phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước, cũng như những trường hợp bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước vay nợ.

Kinh tế nhà nước được hiến định giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của quốc gia. Nhưng điều đó không có nghĩa là Nhà nước có trách nhiệm ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước so với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Tính chủ đạo của kinh tế nhà nước thể hiện chủ yếu ở vai trò đầu tàu, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế.

Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước được thành lập trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, trọng yếu và nhất là cần vốn đầu tư lớn. Một khi được thành lập, thì doanh nghiệp, dù có vốn nhà nước hay tư nhân, đều phải là chủ thể kinh doanh bình đẳng. Đặc biệt, về phương diện đáp ứng nhu cầu vốn hoạt động, nhà nước không thể phân biệt đối xử: không thể đặt doanh nghiệp nhà nước trong chiếc nôi bảo bọc hào hiệp bằng công quỹ, trong khi doanh nghiệp tư nhân phải tự xoay xở trong muôn vàn khó khăn để có được những đồng vốn quý giá cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, cần tăng cường quản lý đầu tư công, bảo đảm vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả. Yêu cầu này đồng thời cũng là cam kết chính thức được đưa ra từ nhiều năm nay; nhưng rồi sự lãng phí vẫn xuất hiện và vẫn tràn lan như một thách thức ngang ngược. Nơi này, quảng trường trung tâm được xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, nhưng chỉ nhộn nhịp được 1,2 lần trong năm, thời gian còn lại chỉ để phơi mưa nắng. Nơi kia, công trình công nghiệp được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhưng rồi lại trùm mền, đắp chiếu, không được khai thác vì nhiều lý do: công nghệ lạc hậu, đầu ra gặp khó khăn….

Nói tóm lại, để kiểm soát nợ công, một mặt, cần quản lý chặt chẽ sự hình thành nhu cầu vay nợ, nghĩa là nhu cầu đầu tư công; mặt khác, cần quản lý chặt việc chi bằng ngân sách. Không làm tốt các việc đó, thì có thể nói rằng cả việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các công việc đó, nghĩa là việc làm Luật đầu tư công và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cũng sẽ là những vụ đầu tư làm luật lãng phí.

Bình luận (0)

Lên đầu trang