KTNN yêu cầu các đơn vị, địa phương nộp về Quỹ vắc xin hơn 2.153 tỷ đồng

Thứ Năm, 23/06/2022 14:25

|

(CAO) Trong hơn 3.431 tỷ đồng kiến nghị phải xử lý, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu nộp về Quỹ vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 hơn 2.153 tỷ đồng.

Kết thúc cuộc kiểm toán huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đánh giá, công tác quản lý, sử dụng nguồn lực và việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ cơ bản được các đơn vị quản lý, sử dụng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.

Các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cơ bản phù hợp thực tiễn trong từng giai đoạn, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội…

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân

Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN nhận thấy những tồn tại trong công tác huy động, lập, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch. Công tác tiếp nhận, sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ bằng tiền và công tác thu dịch vụ xét nghiệm còn sai sót.

KTNN cũng kiến nghị thu hồi kinh phí dư hết nhiệm vụ chi số tiền hơn 970 tỷ đồng tại 19 địa phương.
Cụ thể: Hà Nội hơn 9,3 tỷ đồng, Bắc Ninh gần 506 triệu đồng, Vĩnh Phúc hơn 53 tỷ đồng, Nghệ An 372 triệu đồng, Hà Tĩnh hơn 16 tỷ đồng, Quảng Nam hơn 512 triệu đồng, Bình Dương hơn 374 tỷ đồng, TPHCM hơn 325 tỷ đồng, Long An gần 24 tỷ đồng, Tây Ninh hơn 15 tỷ đồng, Kiên Giang hơn 144 tỷ đồng, Hải Dương hơn 229 triệu đồng, Phú Thọ 41 triệu đồng, Lâm Đồng hơn 3 tỷ đồng, Thái Nguyên hơn 445 triệu đồng, Thanh Hoá hơn 970 triệu đồng, Ninh Bình hơn 1,2 tỷ đồng, Gia Lai gần 72 triệu đồng, Đồng Nai hơn 159 triệu đồng.

Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phòng, chống dịch còn chưa đầy đủ, kịp thời với diễn biến dịch… dẫn đến khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến việc triển khai các chính sách.

“Có chính sách sử dụng hết số kinh phí dự kiến, thậm chí có chính sách phải chờ bổ sung nguồn để chi song cũng có những chính sách thực hiện đạt rất thấp so với dự kiến” - KTNN đánh giá.

Sau kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền hơn 3.431 tỷ đồng. Theo đó, KTNN yêu cầu nộp về Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 hơn 2.153 tỷ đồng.

“Điểm danh” các đơn vị còn “nợ” Quỹ vắc xin, KTNN cho biết, MTTQ Việt Nam chưa nộp hơn 107 tỷ đồng; Bộ Thông tin - Truyền thông hơn 22 tỷ đồng; 2 công ty Vinaphone, Vnmobile còn hơn 2,6 tỷ đồng.

57 địa phương có tổng thu ủng hộ Quỹ vắc xin qua MTTQ các tỉnh, thành hơn 2.949 tỷ đồng, nhưng số tiền chuyển trực tiếp về Quỹ mới có hơn 266 tỷ đồng. Số chuyển về tài khoản của UBTW MTTQ Việt Nam hơn 661 tỷ đồng, chi hỗ trợ phòng, chống dịch chung tại địa phương gần 8 tỷ đồng. Số tiền còn phải nhập về Quỹ vắc xin là 2.013 tỷ đồng.

Cụ thể, An Giang “nợ” hơn 1,4 tỷ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 73 tỷ đồng, Bạc Liêu hơn 8 tỷ đồng, Bắc Giang hơn 116 tỷ đồng, Bắc Ninh hơn 146 tỷ đồng, Bến Tre hơn 33 tỷ đồng, Bình Dương hơn 29 tỷ đồng, Bình Định hơn 3,8 tỷ đồng, Bình Thuận hơn 11 tỷ đồng, Bình Phước hơn 4,4 tỷ đồng, Cà Mau hơn 1,2 tỷ đồng, Cần Thơ hơn 20,4 tỷ đồng, Đà Nẵng hơn 55,4 tỷ đồng, Đắk Lắk hơn 20,6 tỷ đồng, Đắk Nông hơn 77 triệu đồng, Điện Biên gần 7 tỷ đồng.

Cũng nằm trong danh sách còn “nợ” Quỹ vắc xin còn có Đồng Nai hơn 101 tỷ đồng, Đồng Tháp hơn 27 tỷ đồng, Hà Nam hơn 7,2 tỷ đồng, Hà Nội hơn 441,7 tỷ đồng, Hà Tĩnh hơn 37,7 tỷ đồng, Hải Dương hơn 107 tỷ đồng, Hậu Giang hơn 19 tỷ đồng, Hưng Yên hơn 21,5 tỷ đồng, Khánh Hoà gần 50 tỷ đồng, Kiên Giang hơn 5,7 tỷ đồng, Lai Châu hơn 108 triệu đồng, Lâm Đồng hơn 62 tỷ đồng, Lạng Sơn hơn 9 tỷ đồng, Lào Cai hơn 12,5 tỷ đồng, Long An gần 1,8 tỷ đồng, Nghệ An gần 19 tỷ đồng;

Ninh Bình hơn 34 tỷ đồng, Ninh Thuận hơn 11 tỷ đồng, Phú Thọ hơn 26 tỷ đồng, Phú Yên hơn 360 triệu đồng, Quảng Bình hơn 932 triệu đồng, Quảng Ngãi hơn 2,1 tỷ đồng, Tây Ninh hơn 3,3 tỷ đồng, TPHCM hơn 318 tỷ đồng, Thái Nguyên hơn 38 tỷ đồng, Thanh Hoá hơn 63 tỷ đồng, Tiền Giang hơn 31 tỷ đồng, Tuyên Quang 500 triệu đồng, Vĩnh Phúc hơn 6,5 tỷ đồng, Yên Bái hơn 8,9 tỷ đồng.

Kiểm toán việc quản lý và sử dụng vắc xin, KTNN cho biết, tính đến 31/12/2021, tổng số vắc xin cam kết là 214,6 triệu liều, Bộ Y tế đã tiếp nhận 194,4 triệu liều, đã phân bổ 176,6 triệu liều; đạt 90,8% trên số liều đã tiếp nhận. Các đơn vị đã sử dụng 153,6 triệu liều, số tồn chưa sử dụng đến 31/12/2021 là 23 triệu liều.

Nguồn kinh phí mua vắc xin của Chính phủ là hơn 15.085 tỷ đồng, trong đó NSNN hơn 7.417 tỷ đồng, nguồn Quỹ vắc xin quốc gia 7.667 tỷ đồng. Tính đến 31/3/2022, tổng số vắc xin cam kết là 234,7 triệu liều, Bộ Y tế đã tiếp nhận 230,9 triệu liều, đã phân bổ 205,4 triệu liều, đạt 89%. Số tồn chưa sử dụng đến cùng thời điểm trên là 25,5 triệu liều.

Đề cập đến công tác tiêm chủng, KTNN xác định một số đơn vị ở địa phương xây dựng kế hoạch tiêm chủng chưa sát với thực tế, phải điều chỉnh, thay đổi; chưa ưu tiên sử dụng các lô vắc xin cận hạn.

Trong khi đó, báo cáo nhu cầu, kế hoạch tiêm chủng chưa cụ thể hoá các nội dung như lộ trình tiêm chủng, đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chưa bao quát đầy đủ đối tượng được ưu tiên; việc ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện tiêm chủng chưa bảo đảm tiến độ đề ra…

Một số đơn vị ghi nhận số lượng liều tiêm vắc xin thực tế cao hơn số lượng liều vắc xin được cấp phát, sử dụng. Nguyên nhân, theo báo cáo, do số liều vắc xin được cấp phát căn cứ theo quy cách đóng gói của nhà sản xuất song thực tế thể tích thực vắc xin trong mỗi lọ nhiều hơn, cùng với việc sử dụng bơm kim tiêm giúp giảm hao phí vắc xin nên có thể tăng thêm số liều tiêm thực tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang