Với quyết tâm tăng cường lực lượng ở các tuyến trọng điểm và xác định rõ chiến đấu, diệt địch để bảo vệ đoàn xe vận tải, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng Chính ủy Vũ Xuân Chiêm đã bàn bạc thống nhất những vấn đề cấp thiết.
ĐƯỜNG LÀ TRẬN ĐỊA
Qua tiếp xúc với các cán bộ và trực tiếp xuống tuyến thị sát, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nhận định, về cơ bản cán bộ chiến sĩ có tinh thần trách nhiệm rất cao, chứng tỏ bản lĩnh chính trị vững vàng. Tuy nhiên, cách tổ chức chỉ huy chưa hợp với tính chất cuộc chiến tranh ngăn chặn của địch bằng không quân, có nhiều vũ khí hiện đại.
Do đó, ông đề xuất phải đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn địch bằng vũ khí hiện có. Muốn thế cần phải coi đường là trận địa, chỉ huy phải ở ngay giữa trận địa mà nắm địch, nắm ta mới xử trí kịp thời.
Tư lệnh cũng yêu cầu trong vòng 3 ngày, các binh trạm phải di chuyển sở chỉ huy tới vị trí thuận lợi sâu sát đơn vị, lấy chỉ huy kịp thời, hiệu quả làm tiêu chí. Sở chỉ huy của đoàn cũng phải chuyển đến vị trí trung tâm, có khả năng chỉ huy trực tiếp các binh trạm ở khu vực nhiều trọng điểm đồng thời thuận tiện chỉ đạo toàn chiến tuyến.
Chính ủy Vũ Xuân Chiêm (người đeo kính bên phải) họp bàn tác chiến tại Sở chỉ huy Đoàn 559
Công tác bảo đảm giao thông ở Trường Sơn, theo Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, phải bao hàm chống địch phá, nâng cấp đường và mở nhiều đoạn phòng tránh... Ủng hộ quan điểm của Tư lệnh, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm lưu ý các lực lượng phải chủ động tích cực tiến công, đánh địch mà đi, mở đường mà tiến.
Những đề xuất của Tư lệnh được Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh viết thành nghị quyết quán triệt trên toàn tuyến. Với hàng loạt biện pháp được thực hiện, sức mạnh tiềm ẩn của thế trận vận tải nhanh chóng được phát huy. Các chỉ tiêu nhiệm vụ liên tục được hoàn thành. Trên chiến trường, quân ta càng đánh mạnh, giặc Mỹ càng điên cuồng ngăn chặn tuyến chi viện.
Suốt hai tháng 3 và 4-1967, Không quân Mỹ không ngừng gia tăng cường độ oanh tạc gấp 4 lần những năm trước, sử dụng vũ khí mới và chất độc hóa học. Tuy nhiên, chúng vẫn không sao ngăn được Bộ đội Trường Sơn chi viện cho các mặt trận.
Nêu cao tinh thần “quyết tâm giữ vững tuyến đường, kiên cường bám trụ”, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong ngày đêm bám cầu, bám đường, bám sát các trọng điểm. Ở những khu vực địch đánh phá ác liệt được đặt thêm trạm thông tin để giữ vững liên lạc, kịp thời chỉ huy khắc phục những khó khăn trên đường vận chuyển, đảm bảo thông tuyến.
Cuối tháng 4-1967, hàng đến các chiến trường miền Nam tăng 25 lần so với năm trước đó, giao bạn Lào gấp 12 lần. Đầu tháng 5 lại đưa vào Trị Thiên, khu V hơn một trăm xe GAT69 các mặt hàng chủ yếu. Lượng quân di chuyển tới các chiến trường chưa khi nào đông như thế, lên tới 57.726 người, vượt 56% kế hoạch ban đầu.
ĐỘT KÍCH VƯỢT ĐƯỜNG 9
Kết thúc mùa vận chuyển, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên được triệu tập ra Hà Nội báo cáo kết quả với Thường trực Quân ủy Trung ương và nhận nhiệm vụ mùa khô tới. Để chuẩn bị cho chiến trường miền Nam đủ sức mở những trận đánh lớn có ý nghĩa quyết định, được sự đồng ý của Bộ tổng Tư lệnh, Tổng cục Chính trị và TCHC, Tư lệnh cùng Chính ủy Đoàn 559 đã thống nhất đổi mới về tổ chức, chỉ huy, cụ thể là tiếp nhận Sư đoàn 968 và các trung đoàn bộ binh mới, sẵn sàng đối phó với âm mưu của địch đánh phá tuyến chi viện.
Cùng với đó, các binh trạm được tổ chức thành nhiều sư đoàn, lập ra các sư đoàn phòng không độc lập, các đơn vị cao xạ trực thuộc sư đoàn vận tải và tổ chức các đơn vị giao liên bảo đảm cho bộ đội hành quân với quy mô lớn hơn, đưa cả pháo, xe tăng và binh chủng kỹ thuật vào chiến trường. Cơ quan Bộ tư lệnh cũng được tổ chức thành Binh đoàn 559, chỉ huy tác chiến hợp đồng binh chủng, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến trường.
Cuối tháng 9-1967, phía tây Trường Sơn bắt đầu ngớt lũ. Triển khai thế trận cho mùa khô 1968, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên xác định phải tăng cường bộ máy chỉ huy, nhất là cơ quan tham mưu cần đủ năng lực đảm đương việc lớn trong tình hình mới.
Một tháng sau đó, Đoàn 559 phát động bộ máy chiến dịch, bắt đầu đợt “công kích vượt khẩu” liên tục trong 10 ngày, tiếp theo mở trận đột kích vượt đường 9 vận chuyển tới các mặt trận B, C và tạo chân hàng lập các cụm kho chiến dịch nam đường 9 đến bắc sông Bạc.
Kết thúc tháng 11-1967, binh đoàn vận tải chi viện đã giao đến các chiến trường 7.500 tấn, lập kho cơ động 15.000 tấn chuẩn bị cho Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh... Lần đầu tiên, tuyến 559 có tháng mở màn thắng lớn nhưng quan trọng hơn là đã dựng được lá cờ đầu “Binh trạm vạn tấn hàng”.
Cũng từ thời điểm này, nhiều danh hiệu thi đua dành cho các binh chủng ra đời như “Đại bàng Trường Sơn”, “Tuấn mã Trường Sơn” hay “Dũng sĩ diệt máy bay”, “Dũng sĩ tường đồng vách sắt”...
Tháng 1-1968, Mặt trận Bắc Trị Thiên phối hợp với cơ quan chủ lực Bộ tổng mở cuộc tiến công vào các cụm cứ điểm ở khu vực biên giới. Ngày 20-1-1968, bộ đội ta bất ngờ tiến công quyết liệt Căn cứ Khe Sanh trên tuyến phòng ngự của địch. Quân ủy Trung ương chỉ thị Bộ tư lệnh Mặt trận đường 9 - Khe Sanh vây hãm, thu hút địch dồn quân tới trận địa này. Bộ tư lệnh 559 có trách nhiệm chi viện đắc lực cho chiến dịch “ghìm chân quân Mỹ” đạt hiệu quả cao nhất.
Không ngoài dự tính, hàng trăm máy bay phản lực, B52 đổ đến vùng trời đường 9 - Khe Sanh oanh tạc khốc liệt hòng hủy diệt nguồn tiếp tế cho mặt trận. Tháng 4-1968, trước sự đánh phá ác liệt của địch, nhận thấy cần động viên bộ đội, giữ vững trận địa, bảo đảm chiến dịch mùa khô 1968 thắng lợi, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm lại hành quân dọc tuyến, đến từng sư đoàn thăm hỏi anh em.
Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, chỉnh đốn tổ chức, các lực lượng Đoàn 559 đã bảo đảm an toàn cho bộ đội hành quân vào chiến trường cùng lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quân dân miền Nam tổng tiến công và nổi dậy trên khắp các chiến trường.
Thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Trường Sơn
BĂNG QUA “THÁC LỬA”
Tối 15-1-1969, Đảng ủy Bộ tư lệnh 559 quyết định mở cuộc vận chuyển tập trung lớn phát động khí thế toàn tuyến “tổng công kích”. Thủ trưởng các binh trạm trực tiếp dẫn đầu đội hình vận tải. Các trận địa cao xạ, chốt công binh trọng điểm, trạm điều chỉnh giao thông... đều do thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ huy. Các Phó tư lệnh đoàn thâm nhập từng khu vực xung yếu để kịp thời xử lý tình huống khẩn cấp.
Quân địch dính đòn bất ngờ, cuống cuồng rà soát, bắn phá, mở hàng chục trọng điểm ngăn chặn. Thế nhưng, “đám giặc trời” bay đến vùng nào cũng đụng lưới lửa bủa vây. Đợt công kích đầu tiên kết thúc trong vòng 1 tháng, hàng giao các chiến trường đạt 30%.
Bước vào đợt 2 của chiến dịch, qua cuộc phát động phong trào và lời kêu gọi “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ trên mặt trận vận tải chiến lược” của Chính ủy Vũ Xuân Chiêm, lực lượng toàn tuyến ra quân với khí thế mới.
Các binh trạm chủ động mở nhiều đường vòng tránh, đường dự bị, nâng chất lượng đường nhằm chống lại thủ đoạn ngăn chặn trọng điểm của địch. Các lực lượng tác chiến bố trí mạng trinh sát nắm địch chặt chẽ, truy lùng biệt kích thám báo, kết hợp công binh tổ chức trận địa giả lừa địch.
Bất chấp lối đánh “ném bom tọa độ” và tăng mật độ “oanh tạc rải thảm” của Mỹ, các đội công binh xung kích của ta liên tục bám đường, khôi phục giao thông ngay trong vùng bom dày đặc. Những “tuấn mã”, “đại bàng” Trường Sơn không ngần ngại chớp thời cơ băng qua thác lửa. Toàn bộ lực lượng gan góc, dũng cảm bám địa bàn chỉ với lời thề quyết thắng trong tim.
Cuối tháng 4-1969, sau 3 đợt tổng công kích chiến dịch vận tải, kế hoạch đảm bảo cho các chiến trường đã cơ bản thành công. Ngay với Nam bộ, nơi xa nhất, cũng đạt 100% chỉ tiêu quy định, hoàn thành lệnh bổ sung quân số cho các mặt trận bị tiêu hao lớn sau Tết Mậu Thân. Đoàn 559 cũng tổ chức cho hơn 340 đoàn hành quân với số quân lên đến gần 100.000 người, tiếp nhận chuyển ra Bắc hơn 21.000 thương bệnh binh và trên 4.000 thiếu niên con em liệt sĩ...
Lại một mùa khô nữa Đoàn 559 giành thắng lợi lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến trường. Với tổ chức ngày càng lớn mạnh và khí thế ra quân như thế, Đoàn 559 nhiều năm liền luôn tạo ra những kỳ tích mới, góp phần đảm bảo cho bộ đội đủ sức đánh bại cuộc càn quét quy mô lớn của địch, đập tan âm mưu cắt đứt tuyến chi viện chiến lược giữa hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam của Mỹ.
*
* *
Mùa khô năm 1970 kết thúc, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm được điều động về làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được phong quân hàm thiếu tướng rồi trung tướng. Quân ủy Trung ương cử đại tá Đặng Tính - nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân vào làm Chính ủy Bộ tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn.
Nói về người đồng chí, đồng đội đã sát cánh bên nhau trên dặm đường máu lửa năm nào, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chia sẻ: “Tôi đã từng công tác với nhiều đồng chí, ở nhiều cương vị khác nhau, nhưng ở đồng chí Vũ Xuân Chiêm có những nét đặc biệt quý của một chính ủy. Anh luôn chăm lo xây dựng đơn vị, thể hiện tiêu biểu tinh thần đoàn kết chân thật trong cấp ủy Bộ tư lệnh, tiêu biểu ủng hộ sự đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu ý chí thống nhất, tư tưởng nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy hiệp đồng. Trong những năm tháng gian nguy ác liệt, anh vẫn lạc quan, kiên định niềm tin tất thắng...
Với Vũ Xuân Chiêm, tôi quý nhất một con người trung thực, thủy chung, giản dị, tiêu biểu cho nhân cách vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”.
(CATP) Sau khi học thuyết Chiến tranh đặc biệt bị phá sản bởi chiến dịch Bình Giã, Mỹ tiếp tục cho ra đời chương trình “Ba giai đoạn” của Chiến tranh cục bộ.
Hải Triều (lược ghi theo Đại tá Lê Mai Trung và cuốn sách "Con đường & cuộc đời")