Vị Chính ủy của đường Trường Sơn huyền thoại:

Kỳ 2: Giành giật từng chặng đường

Thứ Ba, 14/05/2019 10:02

|

(CATP) Sau khi học thuyết Chiến tranh đặc biệt bị phá sản bởi chiến dịch Bình Giã, Mỹ tiếp tục cho ra đời chương trình “Ba giai đoạn” của Chiến tranh cục bộ.

Kế hoạch xâm lược Việt Nam được Washington đẩy cao, khi đưa 20 vạn lính Mỹ cùng 3 vạn lính các nước chư hầu đổ bộ vào miền Nam.

Cùng thời điểm, Không quân Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc, vượt vĩ tuyến 20, uy hiếp các tuyến giao thông huyết mạch ở địa phương, gây cản trở nghiêm trọng công cuộc chi viện chiến trường.

HẠ DỐC “BA THANG”

Nhằm đáp ứng tình hình vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường ngày càng quy mô lớn và để tập trung sức lãnh đạo, Bộ Chính trị quyết định rút tướng Phan Trọng Tuệ về Trung ương trở lại cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông.

Quân ủy Trung ương quyết định đại tá Hoàng Văn Thái - Phó chủ nhiệm TCHC - làm Tư lệnh, đại tá Vũ Xuân Chiêm làm Chính ủy. Đoàn 559 trở lại trực thuộc TCHC. Bộ tư lệnh 559 được chuyển sang tây Trường Sơn để trực tiếp lãnh đạo hoạt động trên toàn tuyến.

Lúc này các binh trạm đã được biên chế đủ các thành phần gồm lực lượng vận tải, cầu đường, kho hàng, lực lượng chiến đấu và các đơn vị đảm bảo. Quân số toàn tuyến lên tới hơn 25.000 người.

Trung tướng Vũ Xuân Chiêm

“Đường Trường Sơn là một trong những chiến công chói lọi. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương”.

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn

Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm cùng Bộ tư lệnh xác định việc cấp thiết là phải mở đường cơ giới cho các đơn vị vận tải. Nhưng địa thế núi cao, vực sâu, dốc đứng, việc mở đường ôtô vô cùng khó khăn, phức tạp.

Cùng thời gian này, trục đường sang tây Trường Sơn bị Mỹ đánh phá ác liệt, khiến việc vận chuyển cơ giới của ta tổn thất nhiều.

Trước tình hình đó, Bộ tổng tham mưu thống nhất với Bộ Giao thông vận tải mở một đường mới qua đèo Phu La Nhích, ngầm Ta Lê. Trận mở đầu, công binh đột phá vào một quả núi đá cao hàng chục mét mà bộ đội ta vẫn gọi là dốc “Ba thang”, cách phà Xuân Sơn hơn 10km, là cửa ngõ của tuyến đường.

Dốc “Ba thang” vừa cao vừa vô cùng hiểm trở. Để phá đổ điểm cao này, Trung đoàn Công binh 10 đã dùng 9 tấn thuốc nổ đánh trong 15 ngày. Việc “khuất phục” dốc “Ba thang” được biết đến như một kì tích của các cán bộ chiến sĩ mở đường cơ giới xuyên qua dãy núi đá trùng điệp và những cung đường chênh vênh, chót vót bên những vực sâu thăm thẳm.

Cuối năm 1965 đầu năm 1966, Mỹ ồ ạt đổ quân vào chiến trường miền Nam thực hiện chiến dịch “tìm diệt” chủ lực Quân Giải phóng, đồng thời Không quân Mỹ mở chiến dịch ngăn chặn trên quy mô lớn.

Bộ đội cùng TNXP mở đường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu

Chính ủy Vũ Xuân Chiêm cho triệu tập hội nghị cấp ủy các đơn vị để nghiên cứu quyết tâm chiến lược mới của Bộ Chính trị - Trung ương Đảng và thảo luận kế hoạch mùa khô. Bốn nội dung lớn được đưa ra bàn thảo, gồm: xây dựng hệ thống đường vận tải Trường Sơn đảm bảo thông suốt liên tục; chú trọng tạo khối lượng lớn trong tuyến để kịp chi viện cho các tuyến, thực hiện chỉ tiêu giao hàng đến các chiến trường miền Nam 14.500 tấn, bạn Lào 6.000 tấn, hành quân và xây dựng 23.000 tấn; chiến đấu bảo vệ các trọng điểm giao thông kho hàng, vị trí đóng quân và củng cố lại tuyến giao liên.

Tuy nhiên, qua hai tháng đầu mùa khô bị đánh phá dữ dội, chỉ tiêu giao hàng không đạt như mong muốn. Thường trực Quân ủy đã gửi thư cho Đảng ủy 559 yêu cầu kiểm điểm, chỉ ra thiếu sót và nhanh chóng chấn chỉnh.

Tại cuộc họp Đảng ủy mở rộng ngay sau đó, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình. Ông cũng chỉ ra những khuyết điểm và biện pháp khắc phục, sửa chữa với quyết tâm cao nhất. Cuộc sinh hoạt chính trị toàn Đảng bộ đã làm chuyển biến nhận thức, từng cán bộ dũng cảm thừa nhận khuyết điểm và hứa quyết tâm khắc phục, thực hiện tốt nhiệm vụ.

NGOAN CƯỜNG CHIẾN ĐẤU

Giữa tháng 1-1966, đường 20 vào Lùm Bùm bắt đầu được thi công. Cùng thời gian này, trục vượt khẩu Cha Lo và đường 128, 129 cũng được cải tạo mở tuyến tránh chống địch ngăn chặn. Thế nhưng, do còn thiếu kinh nghiệm đối phó với sự ngăn chặn của địch và trở lực thiên nhiên, nên nhiệm vụ vận chuyển chưa đạt được bao nhiêu, qua 4 tháng mùa khô mới giao được cho các chiến trường hơn 10% chỉ tiêu.

Trong bối cảnh đó, Đoàn 559 lại nhận lệnh mới từ TCHC yêu cầu trong 2 tháng trước khi lũ về phải giao B2 đủ 500 tấn vũ khí hỏa lực mạnh; giao kho Tà Xẻng 1.000 tấn dự trữ sẵn sàng giao B1; B3 tuyến C4 phải rút được 3.500 tấn gạo, thực phẩm, xăng dầu, thuốc điều trị đảm bảo sức chiến đấu cho các lực lượng... Tổng cục đã điều 2 tiểu đoàn xe chạy thẳng từ Hà Nội lên Trường Sơn và 559 có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho đoàn xe tới đích.

Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ lập tức được bàn thảo và thông qua. Các lực lượng phòng không sẵn sàng bảo vệ đợt vận tải đột kích này; các trạm hậu cần tiếp tế, cấp cứu được bố trí dọc tuyến đường xe qua. Nhưng chỉ được mấy ngày đầu thì địch phát hiện và gia tăng cường độ ngăn chặn, khiến quân ta tổn thất khá nhiều.

Dù vậy, cùng với việc được sử dụng lực lượng tăng viện của bộ, các phái viên của Tổng cục tham gia hỗ trợ những khâu trọng yếu, các chiến sĩ vẫn dũng cảm chiến đấu, giành giật với địch từng chặng đường, từng chuyến xe. Sự ngoan cường của bộ đội ta cũng khiến quân địch không thể chặn đứng được hành lang chi viện cho miền Nam như chúng nói.

Những cung đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh: Tư liệu

Sau tháng đầu mùa khô, các lực lượng đã chiếm lĩnh trận địa xong và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ xe vận tải. Không đợi các lực lượng tác chiến bảo vệ triển khai hoàn tất, từng đội xe vận tải tiến hành vận chuyển ngay từ đầu mùa khô với khí thế lớn hơn mùa khô trước.

Nhờ đã được tập huấn, các lực lượng hỗ trợ nhau hiệu quả hơn: bộ binh và công binh được phân chia từng đoạn đường, pháo cao xạ được bố trí từng trọng điểm, lượng xe được phân chia từng cung độ, lấy hàng từ kho phía trước, dỡ hàng ở kho tiếp theo, rồi xe của binh trạm trong lại vận chuyển tiếp vào trong nữa theo kiểu sâu đỗ.

Mỗi cung đường đủ vừa cho xe chạy ổn định, một đêm đi một đêm về, giúp lực lượng vừa thuộc đường vừa biết tránh để đỡ tổn thất nếu địch đánh phá. Cán bộ chiến sĩ vận tải cũng yên tâm hơn khi được chọn các phương hướng hành quân hiệu quả.

Giữa mùa khô, khi các lực lượng trên toàn tuyến đã ổn định vào vị trí nhiệm vụ của mình, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm xác định phải đến từng binh trạm trên toàn tuyến để động viên bộ đội và giữ vững trận tuyến chiến đấu chi viện chiến trường. Trên chiếc GAT69, Chính ủy cùng một vài chiến sĩ hành quân đêm đến từng binh trạm, họp với Đảng ủy binh trạm chỉ đạo mọi mặt công tác và chiến đấu.

Trở về căn cứ, Chính ủy Chiêm báo cáo với Đảng ủy Bộ tư lệnh kết quả hành trình trên tuyến và tình hình chiến đấu ngoan cường của các lực lượng, những việc đã được giải quyết, chỉnh đốn tại chỗ và những tồn tại để Đảng ủy đoàn tiếp tục chỉ đạo.

Những chuyến xe vượt Trường Sơn chở bộ đội, vũ khí, lương thực ra chiến trường. Ảnh: Tư liệu

Kết thúc mùa khô năm 1965 - 1966, Bộ tư lệnh chỉ thị, trừ lực lượng kho hàng, bến bãi, các lực lượng 559 còn lại tập kết ra phía sau (trên đất Quảng Bình) để củng cố lực lượng và học tập chuẩn bị bước vào mùa khô sau.

Tư lệnh Hoàng Văn Thái và Chính ủy Vũ Xuân Chiêm được triệu tập ra Hà Nội báo cáo lên Quân ủy, Tổng cục Chính trị và TCHC về kết quả chiến dịch mùa khô năm đó, công tác chính trị và lãnh đạo của Đảng ủy Bộ tư lệnh, đồng thời xin ý kiến về nhiệm vụ năm tới.

Tại đây, sau khi cân nhắc các yếu tố thuận lợi, khó khăn cùng việc xác định lấy vận tải cơ giới làm chính, Bộ tổng tham mưu phổ biến nhiệm vụ được Quân ủy xác định khối lượng vận tải mùa khô mới là 20.235 tấn, trong đó chi viện chiến trường 8.765 tấn, cho nhu cầu bảo đảm hành quân 37.000 người và các lực lượng hoạt động trên tuyến là 11.470 tấn.

Nhận nhiệm vụ mới từ Bộ tổng Tư lệnh, Tổng cục Chính trị và TCHC, Chính ủy Vũ Xuân Chiêm trở vào chiến trường cùng với Tư lệnh ráo riết xúc tiến những bước đi chiến lược chuẩn bị cho mùa khô sau: bổ sung quân số, trang bị khí tài, bổ sung xe cộ và các cơ sở vật chất kỹ thuật, tiến hành chỉnh huấn, phổ biến nghị quyết Đảng ủy mới, chỉ đạo tác chiến, hành quân và vận chuyển cơ giới, chi viện đắc lực cho chiến trường đánh lớn sắp đến.

Còn tiếp...

Vị Chính ủy của đường Trường Sơn huyền thoại
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang