Lời khẳng định thuyết phục

Thứ Hai, 13/05/2019 10:13

|

(CAO) Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak) đang diễn ra tại Hà Nam thu hút sự quan tâm không chỉ của giới phật tử mà của nhiều người ở các nơi trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần chính trị, xã hội.

Bởi đã từ lâu, Vesak được coi không chỉ là nghi lễ tôn giáo mà thực sự là một hoạt động văn hoá xuyên quốc gia. Đến dự đại lễ lần này có các đoàn đại biểu phật giáo đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; tổng số đại biểu chính thức lên tới gần 1.700 người.

Đây đã là lần thứ ba Vesak diễn ra tại Việt Nam. Kinh nghiệm tích luỹ từ những lần trước giúp cho nước chủ nhà có sự chuẩn bị chu đáo để việc tổ chức đại lễ được thực hiện vừa long trọng, trang nghiêm, vừa trật tự, qua đó tạo sức lan toả lớn tinh thần phật giáo.

Đại lễ tôn giáo này trở thành cơ hội để quốc gia đăng cai thể hiện bộ mặt của một đất nước thanh bình, một nơi mà con người được tự do thực hiện quyền lựa chọn và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng nguyện vọng của mình.

Đích thân Thủ tướng Chính phủ tham dự lễ khai mạc. Điều đó cho thấy thái độ trân trọng của Nhà nước Việt Nam đối với sinh hoạt mang tính nghi thức thiêng liêng của tổ chức tôn giáo.

Đó cũng là minh chứng thuyết phục về sự tôn trọng tự do tín ngưỡng, đồng thời càng có tác dụng khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tinh thần, tâm linh của người dân.

Việt Nam từ lâu được biết đến như một nước có nhiều người dân theo đạo Phật, đồng thời cũng phát triển nhiều tôn giáo, trào lưu tín ngưỡng đa dạng. Quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo được minh định trong Hiến pháp và luôn được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Về phần mình, dù lựa chọn xu hướng nào về mặt tín ngưỡng, các cộng đồng dân cư ở Việt Nam luôn sống hoà thuận trong ngôi nhà chung. Ở Việt Nam không có xung đột giữa nhà nước và tôn giáo, cũng không có hiện tượng bài xích dẫn mâu thuẫn xã hội vì lý do có sự dị biệt tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhân dịp này, rất nhiều đoàn đại diện quốc gia do nguyên thủ dẫn đầu, đặc biệt là các đoàn từ các nước mà Phật giáo phát triển mạnh, đã đến Việt Nam để không chỉ hành lễ mà còn kết hợp thực hiện chuyến thăm.

Trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ ấy, giữa các đoàn và phía Việt Nam đã đàm phán, thảo luận về các khả năng xúc tiến, đẩy mạnh hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hoá và nói chung về nhiều vấn đề mà các bên cùng quan tâm.

Đại lễ Phật đản Vesak cũng tạo điều kiện để tiến hành giao lưu giữa Việt Nam và các nước trong các lĩnh vực đa dạng, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập thế giới của đất nước.

Sư kiện diễn ra trong bối cảnh có những thông tin mang tính chất xuyên tạc sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam lan truyền thông qua các kênh truyền thông.

Mới đây, Uỷ Ban tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ đã công bố một báo cáo về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Bên cạnh việc ghi nhận những thành tựu và tiến triển trong việc thúc đẩy và bảo đảm đời sống tôn giáo, báo cáo đã có một số đánh giá không khách quan, thậm chí sai lệch.

Những hình ảnh về Vesak góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi, xoá tan các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, đồng thời khẳng định mạnh mẽ sự thật về về chính sách tôn giáo tích cực, thiện chí trước sau như một của Nhà nước Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang