Góp ý luật để hoàn thiện chính mình
Đối với lực lượng CA, mỗi đợt góp ý dự thảo luật không đơn thuần là một "thủ tục hành chính" hay "bài làm tập thể" khô khan. Thay vào đó, là dịp để từng cán bộ, chiến sĩ, từng đơn vị rà soát lại thực tiễn công tác, nhìn lại những bất cập, khoảng trống pháp lý còn tồn tại, từ đó đưa ra những kiến nghị "sát sườn", "trúng việc", "gần dân".
Đặc biệt, những ý kiến đóng góp từ cơ sở, từ trinh sát hình sự ngoài trận tuyến, cán bộ điều tra, lực lượng an ninh, Cảnh sát khu vực, CA xã chính quy... mang lại chiều sâu thực tiễn quý giá. Những góp ý ấy góp phần làm cho chính sách, quy định pháp luật không chỉ đúng pháp lý mà còn khả thi, dễ thi hành, gần với đời sống xã hội.
Nếu như các buổi tọa đàm, hội thảo tại đơn vị là nơi hội tụ của tư duy lý luận và kinh nghiệm chuyên môn, thì những buổi khảo sát thực tế, tiếp nhận ý kiến từ người dân chính là kênh phản hồi hai chiều hiệu quả. Lực lượng CA ở nhiều địa phương đã tổ chức lấy ý kiến không chỉ trong nội bộ mà còn mở rộng ra các tổ chức chính trị - xã hội, người dân nơi cư trú, đặc biệt tại các khu vực phức tạp về an ninh, trật tự (ANTT).

Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM trong một buổi tiếp công dân
Chính những cuộc đối thoại chân thành, cởi mở ấy giúp cán bộ CA hiểu thêm tiếng nói từ quần chúng - điều mà không một văn bản nào phản ánh đủ. Và từ đó, từng dòng góp ý vào dự thảo luật không còn là lý thuyết khô cứng, mà là kết tinh của trí tuệ, trải nghiệm và trách nhiệm cộng đồng. Mỗi ý kiến đóng góp vào dự thảo luật của lực lượng CA không chỉ phản ánh quan điểm cá nhân hay đơn vị, mà còn là tiếng nói đại diện cho ANTT, cho quyền lợi hợp pháp của người dân và sự bền vững của thể chế. Đây không phải là công việc mang tính phong trào hay hình thức, mà là sự tham gia chủ động, đầy tâm huyết trong một quá trình mang tầm chiến lược: xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, hiệu lực và gần dân.
Trong những đợt cao điểm góp ý luật, chúng tôi đã ghi nhận hàng trăm ý kiến sâu sắc từ các phòng nghiệp vụ, CA quận, huyện, đến CA cấp xã - những người trực tiếp va chạm với thực tế, giải quyết các tình huống pháp lý phức tạp hàng ngày. Các góp ý không dừng ở việc chỉnh sửa câu chữ hay cấu trúc văn bản, mà đi thẳng vào nội dung cốt lõi: tính khả thi, tính minh bạch và khả năng kiểm soát quyền lực trong quá trình thực thi.
Ví dụ, trong góp ý cho dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nhiều cán bộ CA kiến nghị cần xác định rõ trách nhiệm giữa lực lượng CA chính quy và lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, để tránh chồng chéo, giảm thiểu xung đột thẩm quyền. Hay trong dự thảo Luật Căn cước, nhiều chiến sĩ nêu thực trạng khó khăn trong việc tích hợp thông tin liên ngành khi xử lý hành chính trên địa bàn dân cư - điều mà nếu luật không quy định rõ thì dễ dẫn đến "điểm nghẽn" trong triển khai thực tế.
Một điểm đáng ghi nhận là trong quá trình góp ý luật, nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ - thế hệ CA "4.0" đã thể hiện rõ bản lĩnh và tinh thần dấn thân khi mạnh dạn phản biện những điều khoản chưa phù hợp. Có đồng chí dám nêu rằng nếu giữ nguyên một số quy định không rõ phạm vi kiểm soát hành vi sẽ dẫn đến việc người dân dễ cảm thấy bị "giám sát" thay vì "bảo vệ". Cũng có những tổ tham mưu thẳng thắn chỉ rõ rằng, cần lược bớt những quy định mang tính liệt kê, khuyến cáo chung chung mà không mang lại giá trị pháp lý cụ thể.
Pháp luật gần dân, Công an sát dân
Một thành công đáng ghi nhận nữa là nhiều đơn vị CA đã đưa hoạt động góp ý luật đến gần hơn với người dân. Từ các buổi tiếp dân định kỳ, tổ chức khảo sát lấy ý kiến đại biểu trong cộng đồng dân cư, đến việc phối hợp các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị địa phương để truyền đạt và tiếp nhận quan điểm xã hội. Nhiều CA phường, xã đã linh hoạt tổ chức các buổi tuyên truyền kết hợp lấy ý kiến về các điều khoản liên quan trực tiếp đến đời sống, như quyền tiếp cận dữ liệu cá nhân, trách nhiệm của lực lượng CA khi xử lý vi phạm hành chính, các quy định về quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông, an ninh mạng...
Luật sát thực tiễn và đời sống xã hội là nhờ những đóng góp từ cơ sởNhững nỗ lực ấy không chỉ giúp hoàn thiện nội dung dự thảo luật, mà còn góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng, tăng cường niềm tin của người dân vào Nhà nước pháp quyền. Khi pháp luật được xây dựng từ chính tiếng nói của người dân, dưới sự tham mưu khoa học của lực lượng CA - những người trực tiếp thi hành - thì khoảng cách giữa "văn bản" và "thực tiễn" sẽ được rút ngắn, hiệu lực pháp lý sẽ đi kèm hiệu quả thực tế.
Hành trình góp ý pháp luật là hành trình dựng xây lòng tin giữa lực lượng thực thi pháp luật và cộng đồng. Khi người dân thấy rằng tiếng nói của mình được lắng nghe, rằng mỗi quy định trong luật phản ánh đúng nhu cầu của cuộc sống, thì pháp luật sẽ không còn là điều "xa lạ”, mà sẽ trở thành nền tảng tinh thần chung cho sự phát triển bền vững. Mỗi văn bản pháp luật qua ý kiến của lực lượng CAND sẽ trở nên sống động, sát thực tế hơn vì đằng sau nó là những câu chuyện nghề nghiệp, là tiếng nói từ thực tiễn, là khát vọng phục vụ Nhân dân.
Lực lượng CAND hôm nay đang cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực để mỗi văn bản luật, mỗi chính sách đều hướng đến một Nhà nước pháp quyền "của dân, do dân, vì dân", nơi pháp luật không chỉ để bảo vệ trật tự, mà còn bảo vệ công lý, nhân phẩm và niềm tin của xã hội.
Hướng đến một hệ thống pháp luật thực chất
Trong loạt bài này, chúng tôi đã ghi nhận nhiều cách làm hay, sáng tạo và sát thực tiễn, trong đó có đơn vị CA chủ động tổ chức hội thi góp ý dự thảo luật giữa các tổ, đội nghiệp vụ; có nơi lại phân nhóm theo chuyên đề, chủ động đề xuất cả nội dung mới chưa có trong dự thảo; thậm chí có cán bộ trẻ đã phản biện thẳng thắn những điều khoản còn bất cập, nêu rõ cả nguy cơ lợi dụng nếu quy định thiếu chặt chẽ thì không chỉ gây khó khăn trong tổ chức thực hiện mà còn tạo kẽ hở cho những hành vi lạm dụng, sai phạm phát sinh từ chính những người có chức năng thực thi.
Đó là lý do vì sao nhiều cán bộ CA đã kiến nghị phải bổ sung các cơ chế kiểm soát quyền lực nội ngành, trách nhiệm giải trình, cũng như quy định rõ hậu kiểm, xử lý khi có hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bởi một văn bản pháp luật hiệu quả không chỉ nằm ở chỗ "trao quyền" mà còn phải đặt ra ranh giới rõ ràng để "kiểm quyền", bảo đảm tính minh bạch, công bằng và đúng pháp luật.
Tất cả đều cho thấy, việc góp ý dự thảo luật đang được lực lượng CA thực hiện một cách thực chất, tránh hình thức, lấy hiệu quả làm tiêu chí đánh giá.
Khép lại loạt bài này, chúng tôi tin rằng, hành trình góp ý, xây dựng và hoàn thiện pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của hôm nay mà sẽ là công việc thường xuyên, liên tục và không ngừng đổi mới. Bởi pháp luật xét cho cùng không thể "bất biến" giữa một xã hội luôn vận động, thay đổi. Và lực lượng CAND, bằng trí tuệ, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, sẽ tiếp tục là điểm tựa vững chắc trong quá trình kiến tạo một hệ thống pháp luật nghiêm minh, nhân văn và phù hợp với yêu cầu bảo vệ ANTT trong tình hình mới.
Xây dựng pháp luật không chỉ để cho lực lượng CA làm đúng, mà còn để Nhân dân thấy rằng lực lượng CA làm đúng. Đó là đích đến và cũng là cam kết không lời nhưng sâu sắc của người chiến sĩ CAND Việt Nam hôm nay trong nhiệm vụ chính trị của mình.
(CATP) Pháp luật, suy cho cùng, không phải là những con chữ khô khan nằm im trên trang giấy. Pháp luật là dòng chảy âm thầm nhưng mạnh mẽ, hiện diện trong từng hành vi ứng xử, trong từng quyết định hành chính, trong từng mối quan hệ xã hội. Mà để dòng chảy ấy được thông suốt, chính xác và thấm sâu vào từng góc đời sống, thì khâu xây dựng, đặc biệt là khâu góp ý dự thảo cần được nhìn nhận với tinh thần trách nhiệm và sự đồng hành thực chất.