Kỳ họp thứ 21 HĐND TPHCM khóa IX: Thông qua chủ trương thành lập TP.Thủ Đức

Thứ Hai, 12/10/2020 22:00  | A. Quân

|

(CAO) Chiều 12/10, tại Kỳ họp thứ 21 của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2020), 100% các đại biểu HĐND có mặt đã tán thành về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộct hành phố trong giai đoạn 2019 – 2021 để phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, giảm biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp.

Theo đó, HĐND thành phố nhất trí với chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện với nội dung nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới, đặt tên là thành phố Thủ Đức. Thành phố Thủ Đức sẽ có diện tích tự nhiên trên 211.56 km2 với dân số hơn 1 triệu người.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại kỳ họp.

Các đại biểu cũng nhất trí với chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã của một số quận trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tại Quận 2 phường An Khánh sẽ được nhập vào phường Thủ Thiêm; phường Bình Khánh nhập với phường Bình An. Tại Quận 3 Phường 6 và Phường 7 sẽ sáp nhập thành phường Võ Thị Sáu. Tại Quận 4, Phường 5 sẽ nhập vào Phường 2; Phường 12 nhập vào Phường 13. Tại Quận 5, Phường 15 sẽ nhập vào Phường 12. Tại Quận 10, Phường 3 nhập vào Phường 12. Tại quận Phú Nhuận, Phườngg 12 nhập vào Phường 11; Phường 14 nhập vào Phường 13.

HĐND thành phố nhất trí giao UBND thành phố hoàn tất hồ sơ đề án, báo cáo Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo luật định.

Tại Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho rằng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc Thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết, đúng chủ trương của Đảng, đúng pháp luật. Thời gian tới, UBND thành phố cần quan tâm hơn đến việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hợp lý, hoạt động có hiệu quả; nâng cao chất lượng làm việc và quan tâm đến chế độ, chính sách của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, đây là thời điểm “chín muồi” để thành phố đưa ra vấn đề thành lập đơn vị hành chính thành phố trong thành phố, một mô hình chính quyền đô thị mới để đáp ứng các yêu cầu của thực tế phát triển tại thành phố. Mặc dù chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân các quận, phường trong đề án, nhưng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân để họ hiểu rõ hơn những lợi ích từ việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân mong muốn thành phố giải quyết nhanh, dứt điểm những vấn đề còn tồn tại ở các địa phương nằm trong đề án sắp xếp các đơn vị hành chính. Người dân kỳ vọng với một thành phố mới, một bộ máy hành chính mới sẽ tạo nên động lực mới cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân về vấn đề đặt tên của thành phố mới, đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, cho biết, Hội nghị phản biện Đề án do tổ chức Mặt trận tổ chức nhận được sự đồng thuận cao về tầm quan trọng, cần thiết triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc thành phố giai đoạn 2019-2021. Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên Ủy ban MTTQ bày tỏ sự băn khoăn về cơ chế hoạt động của bộ máy hành chính cho thành phố Thủ Đức để đảm bảo sự đột phá, tạo động lực phát triển. Bên cạnh đó, còn các ý kiến quan ngại về vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự; giải quyết thủ tục hành chính cho người dân sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính.

Các đại biểu HĐND thành phố nhất trí với Tờ trình của UBND thành phố về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2019 – 2021, trong đó bao gồm đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Việc thành lập đơn vị hành chính cấp huyện - thành phố Thủ Đức sẽ tạo cơ hội phát triển toàn diện về kinh tế-văn hóa-xã hội, biến khu vực này trở thành “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cũng góp phần tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan trong hệ thống chính trị ở địa phương; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động.

HĐND Thành phố Hồ Chí Minh nhất trí giao UBND thành phố hoàn tất hồ sơ Đề án, báo cáo Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét để trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo luật định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang