Lễ công bố thành lập TP Thủ Đức dự kiến diễn ra ngày 31/12/2020

Thứ Bảy, 19/12/2020 15:58

|

(CAO) Sáng 19/12, UBND TPHCM phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì phiên họp. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phạm Đức Hải; các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Nghị định; đại diện các sở, ngành TP; 19 quận, huyện.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp

Mô hình mới trong tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Sau khi Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP, Bội Nội vụ đã phối hợp với UBND TP, các Bộ ngành liên quan dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM dựa trên cơ sở của Luật Chính quyền địa phương và các luật có liên quan, Nghị quyết 131/2020/QH14 về vấn đề này. Hiện nay, dự thảo đã cơ bản và tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo để trong thời gian ngắn nhất Chính phủ ban hành Nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021 và triển khai thực hiện từ 1/7/2021.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, dự thảo căn cứ vào đặc thù của địa phương để tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện sao cho phù hợp, đảm bảo tuân thủ đúng nội dung mà Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, phù hợp với định hướng phát triển của TP. Hiện nay, dự thảo Nghị định có 7 chương và 44 điều; trong đó liên quan đến các vấn đề như tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường; tổ chức bộ máy với UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn quận, phường; chế độ công chức, viên chức khi triển khai thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM, đặc biệt là các cơ quan hành chính đóng trên địa bàn quận và phường; dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước khi mà quận, phường không còn tổ chức HĐND.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng cho hay: Vừa qua, bên cạnh Đề án về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM được Quốc hội thông qua, TPHCM cũng xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Đây là mô hình mới trong tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Do đó, mong muốn các thành viên Ban soạn thảo, Tổ Biên tập, sở, ngành góp ý để đưa ra những vấn đề cốt lõi, vấn đề mới, tạo điều kiện thực hiện tốt Nghị quyết 131 của Quốc hội làm cơ sở cho TP phát triển trên cơ sở chính quyền đô thị tại TPHCM.

Kiến nghị phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin: Ngày 16/11/2020, Quốc hội đã biểu quyết thống nhất cao thông qua Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Đây là sự ghi nhận, tin tưởng và động viên rất lớn của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội dành cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP. Để Nghị quyết kịp thời đi vào cuộc sống, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định hướng dẫn. Ngày 16 và 17/12/2020, Bộ trưởng Bội Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ký ban hành 2 Quyết định về thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập dự thảo Nghị định.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: Để đảm bảo Nghị định khi ban hành có tính khả thi cao, phù hợp với đặc thù mô hình chính quyền đô thị của TP, Thành phố đã chủ động tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, UBND các quận trên địa bàn TP, từ đó, TP tổng hợp đề xuất Ban Soạn thảo đưa vào một số nội dung trong dự thảo Nghị định trình Chính phủ. Bên cạnh đó, để có thể lắng nghe những ý kiến trực quan, tiếp tục góp ý sâu hơn các nội dung liên quan đến thực tiễn quản lý Nhà nước ở địa phương, ngoài thành viên Ban Soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Nghị định, TP cũng mời thêm các đồng chí là đại diện lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo UBND 19 quận (nơi sẽ thực hiện chính quyền đô thị) để thảo luận, hoàn thiện dự thảo.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định do Bộ Nội vụ chuẩn bị, TP nhận thấy cần thiết đề xuất bổ sung 1 Chương trong dự thảo Nghị định, nhằm quy định cụ thể các vấn đề là cơ sở, nền tảng cho việc thành lập TP thuộc TPHCM (cụ thể là Thành phố Thủ Đức) như: Cơ cấu tổ chức bộ máy, vấn đề ngân sách của TP này,… phù hợp với Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP Thủ Đức. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 6 quy định Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức thuộc TPHCM để thực hiện từ năm 2021). Đây cũng là cơ sở để TP chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới. “Hiện nay, TP đang chuẩn bị các điều kiện, các chương trình cần thiết và dự kiến 31/12/2020, sẽ làm lễ công bố thành lập TP Thủ Đức” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cho rằng: Đối với TP Thủ Đức, được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận lớn của TPHCM (2, 9, Thủ Đức), TP đề xuất cơ quan Trung ương quan tâm, xem xét thêm về số lượng Phó Chủ tịch UBND TP thuộc TP, có không quá 4 Phó Chủ tịch; các cơ quan chuyên môn thuộc TP không quá 13 phòng, trong đó có 10 phòng theo Nghị định số 108/2020/NĐ-CP và 3 cơ quan khác; số lượng Phó Trưởng phòng bình quân mỗi phòng là 3 người. Trên cơ sở đó, TP Thủ Đức có thể trình HĐND cùng cấp thành lập cơ quan khác phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. TP Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ cao; do đó nên cần thiết thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ.

Đồng thời, TP kiến nghị Bộ Nội vụ, nghiên cứu bổ sung thêm các kiến nghị phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP vào dự thảo Nghị định lần này, để TP có cơ sở tốt nhất cho việc tổ chức chính quyền đô thị đảm bảo đủ năng lực, chủ động, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của TP, cũng là tạo điều kiện để TP đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của cả nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang