Đó là những chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp, các luật sư và các nhà quản lý thông tin truyền thông tại chương trình tọa đàm với chủ đề "Doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội" diễn ra sáng ngày 14-12 tại TP.HCM.
Buổi tọa đàm giúp các nhà quản lý truyền thông, quản lý doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau để nhận diện, phê phán tệ nạn vu khống, trục lợi trên mạng xã hội. Từ đó tìm ra những giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này.
Buổi tọa đàm giúp các nhà quản lý truyền thông, quản lý doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau để nhận diện, phê phán tệ nạn vu khống, trục lợi trên mạng xã hội. Từ đó tìm ra những giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh ở châu Á. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 62 triệu người Việt dùng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Instagram…
Những cái lợi, những mặt tích cực của mạng xã hội đem lại trong việc kết nối cộng đồng là rất rõ ràng. Với doanh nghiệp, mạng xã hội cũng đã tạo những thuận lợi lớn để đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử, để có thể truyền thông, tiếp thị, PR cho thương hiệu và sản phẩm của mình.
Song, bên cạnh những điểm tích cực đó, có thể thấy, một trong những đặc trưng của mạng xã hội, là sự đan xen hai mặt tốt và xấu. Nạn vu khống trục lợi trên mạng xã hội đang lan tràn như một bệnh dịch, gây ra nhiều tổn thương, tổn thất cho các cá nhân và cộng đồng.
Đặc biệt là đối với doanh nghiệp, đối tượng mà khi bị vu khống, trục lợi trên mạng xã hội hậu quả sẽ rất lớn cả về thương hiệu cũng như công việc kinh doanh. Thực tế tình trạng nêu trên đã diễn ra ngày càng nhiều, không phải là cá biệt, mà đã trở thành vấn nạn lớn.
Dẫn chứng từ đơn vị, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op chia sẻ, Co.opmart có trang Facebook để tuyển dụng nhân sự cho các siêu thị, giúp công tác tuyển dụng nhanh và thuận lợi.
Tuy nhiên, hiện có nhiều trang Facebook giả mạo của Co.opmart cũng đưa thông tin tuyển dụng để lừa đảo, trục lợi. Nhiều người đọc nhận tin giả mạo này đã bị mất tiền khi xin việc, sau đó đã quay lại phản ứng với Co.opmart, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Ông Lê Quang Tự Do nhìn nhận, vấn đề nói xấu, vu khống trên mạng xã hội hiện đang gia tăng, xu hướng này buộc cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm, có giải pháp xử lý và đấu tranh mạnh mẽ để ngăn chặn, hạn chế việc phát tán, lan truyền thông tin bôi nhọ, vu khống doanh nghiệp sau khi xác minh được.
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông kiêm Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM cũng cho biết, thời gian gần đây, lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ, bất động sản… thường gửi đơn phản ánh vì bị nói xấu nhiều nhất.
Ông Từ Lương cho biết, Thành phố hiện có 350.000 doanh nghiệp, chiếm 50% cả nước. TP.HCM hiện có tới 14 triệu tài khoản mạng xã hội, xếp thứ 7 thế giới trong những thành phố đông người dùng mạng xã hội. Thế nên một thông tin liên quan đến doanh nghiệp được tung lên mạng sẽ có tốc độ lan truyền chóng mặt.
"Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chỉ đạo và quan điểm của chúng tôi xuyên suốt là không khoan nhượng, không thỏa hiệp khi nhận thông tin về việc bị nói xấu, bôi nhọ, vu khống trên mạng xã hội. Trên mạng xã hội, mọi người đều trở thành tổng biên tập, tổng giám đốc để phát tán thông tin.
Khi bị nói xấu, nói sai sự thật, chúng ta không nên im lặng thỏa hiệp, không bắt tay với những sai phạm liên quan đến mình mà phải gửi đơn đến cơ quan chức năng để nhờ can thiệp", ông Từ Lương khẳng định.
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, pháp luật chúng ta có quy định đầy đủ, từ phạt hành chính, đưa ra tòa án hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Trương Thị Hòa
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho rằng, vu khống doanh nghiệp trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp có thể khởi kiện cá nhân hay tổ chức cố tình nói xấu lên tòa án, đề nghị bên nói xấu cải chính thông tin, xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Tại buổi tọa đàm, nhiều nhiều doanh nghiệp cũng nhìn nhận, việc khiếu nại với chủ các trang mạng gần như không hiệu quả; mong muốn chính sách pháp luật tiếp tục hoàn thiện để bảo vệ doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp không thể ngăn chặn được tin giả, vu khống.
Cùng với đó, các chuyên gia cũng đặt ra vấn đề khó xử lý “tự vu khống” về mình (tự nói tốt, quảng cáo gian dối).
Các doanh nghiệp cho biết, cái khó khăn nhất của họ là kẻ tung tin đồn thất thiệt lên mạng thường không có nơi ở cố định, do đó việc khởi kiện không hiệu quả. Mặc khác là mức xử phạt còn rất thấp khiến kẻ tung tin đồn giả vẫn nhở nhơ vi phạm.
Giải đáp thắc mắc này, theo Luật sư Trương Thị Hòa, các doanh nghiệp sử dụng lao động đều có hợp đồng thể hiện địa chỉ cư trú là nơi thường xuyên sinh sống. Theo luật Tố tụng dân sự sửa đổi, nếu người dân bỏ đi khỏi nơi ở cũ mà không khai báo, thì có thể khởi kiện tại địa chỉ cũ. Lúc này, tòa gửi thông báo về địa chỉ theo hợp đồng, nếu người lao động đã bỏ đi thì hỏi công an.
Tuy nhiên, luật sư Trương Thị Hòa cho biết nếu tòa xử thắng thì việc thi hành án cũng cực kỳ khó khăn. Do đó, nữ luật sư này đồng tình với quy định yêu cầu các công ty cung cấp sản phẩm mạng xã hội phải định danh được người dùng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ không gian mạng.
Liên quan đến mức phạt hành chính, ông Từ Lương cho biết, hành vi vu khống nói xấu trên mạng chỉ bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng.
Các chuyên gia cho rằng, người dân, doanh nghiệp không thỏa hiệp, thỏa thuận với những thông tin sai sự thật mà nên phối hợp với cơ quan nhà nước để giải quyết theo quy định pháp luật. Các hình thức xử lý hiện nay là xử phạt hành chính; khi có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan công an; đưa ra tòa án giải quyết. Đây là xu hướng hợp lý để đấu tranh với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội.
Các chuyên gia cũng đưa ra giải pháp về việc nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp để nói không với vu khống trục lợi.
Các nhà quản lý cho biết, một số quy định mới về tin giả và ảnh hưởng đến doanh nghiệp cũng đang được nghiên cứu ban hành để hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trong cuộc chiến với tệ nạn này.