Ngày 02-9-1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xóa bỏ ách thống trị gần 100 năm của thực dân và nền quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm. Đó là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam ta.
Mở đầu bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn chân lý sáng ngời từ bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Dân quyền 1791 của Pháp: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc... Suy rộng ra câu nói ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do, bình đẳng về quyền lợi".
Mỗi năm, kỷ niệm Quốc khánh, lời Hồ Chủ tịch dõng dạc, trang nghiêm đọc Tuyên ngôn Độc lập trong buổi sáng mùa thu cách mạng ấy đều được Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam phát lại, làm tất cả chúng ta bồi hồi xúc động. Đó là tiếng của dân tộc, tiếng của đất nước xuyên suốt 4.000 năm lịch sử. 77 năm qua, 77 mùa thu đã đi qua trong một tiến trình đấu tranh cam go để giữ nước và dựng nước. Cũng trong chừng ấy năm, lịch sử của dân tộc ta đã được tiếp tục viết bằng máu và nước mắt, để có được một quốc gia văn minh, tiến bộ cả về kinh tế lẫn chính trị, văn hóa, hòa nhập, hội nhập ngày càng sâu hơn cùng cộng đồng thế giới như ngày hôm nay.
Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc được các nhà nghiên cứu lịch sử thế giới đánh giá là văn kiện có tính chất lịch sử và tiến bộ, văn minh; một văn bản có tính pháp lý thuyết phục, đặc biệt đối với một quốc gia thuộc địa, mới vươn lên giành độc lập từ thực dân Pháp. Với dân tộc ta, đây có thể được xem là bản Tuyên ngôn Độc lập thứ 3 sau bài Thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi. Ba bản Tuyên ngôn Độc lập này xuyên suốt từ thế kỷ thứ X cho đến thế kỷ XX, khẳng định nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, một quốc gia có chủ quyền, có lịch sử oai hùng và yêu chuộng hòa bình.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 02-9-1945
Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tính bất khả xâm phạm của chủ quyền quốc gia, dân tộc và quyền con người. Tinh thần bất diệt ấy mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa trên thế giới, đóng góp cho sự nghiệp hòa bình toàn nhân loại. Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để giữ vững lý tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc là minh chứng, nguồn cảm hứng để theo đuổi công lý của tất cả dân tộc trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ của thời đại, mà sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng chính trị, văn hóa xuyên suốt lịch sử thế kỷ XX, cho đến tận hôm nay. Nhân dân ta kính trọng Hồ Chí Minh không chỉ vì tài năng, tính chất thiên tài mà còn là tình cảm hướng về người lãnh tụ gần gũi, suốt đời lo cho dân, tận tụy lo cho nước, tư tưởng tiến bộ, có đời sống trong sạch, bình dị và ngay thẳng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ cho chúng ta thấy con đường của chúng ta phải đi là lấy Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam, để đưa dân tộc ta vượt qua thách thức của thời đại khi mà tình hình thế giới ngày càng phân cực, phức tạp, khi mà chủ nghĩa dân tộc, cán cân quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm đang có sự phân hóa dữ dội.
77 năm nền dân chủ - cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết lập, đã đưa dân tộc ta phát triển bền vững không ngừng. Nhãn quan, tầm nhìn chiến lược, tư tưởng của Người còn sống mãi. Đó là lý do ngày hôm nay chúng ta phải ra sức học tập tư tưởng của Người. Đó là cuộc vận động có tính chiến lược về tư tưởng và cả trong hành động, với mục đích: "Yêu thương và chăm nuôi nhân dân, khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận, oán sầu" - Nguyễn Trãi.
Đó cũng là cái gốc của tư tưởng Hồ Chí Minh, cái gốc của nền dân chủ - cộng hòa.
Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu, phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam "trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Xác định chiến lược phát triển tổng thể của Việt Nam trong giai đoạn tới là phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Báo cáo chính trị trình ra Đại hội XIII cũng đề ra mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của Việt Nam, như sau:
Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chúng ta đang đi đúng hướng trên con đường chiến lược đó. Với mức tăng GDP hàng năm trung bình khoảng 7% trong 35 năm, đến nay Việt Nam đứng trong nhóm 40 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới; nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Hàng chục nghìn nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam, với 35.000 dự án và tổng vốn 430 tỷ USD. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt kỷ lục 670 tỷ USD. Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2022, khi dịch Covid-19 dã được kiểm soát, tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc với nhiều điểm sáng. Trong đó, lượng khách du lịch ngày càng tăng cao, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước, ước tính xuất siêu gần 4 tỷ USD.
Theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 8-8 tại Hà Nội, tăng trưởng GDP Việt Nam được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022 - nằm trong số những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới; lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8%.
Để hướng tới những mục tiêu nêu trên, Việt Nam luôn kiên định đường lối đổi mới, đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc. Ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng đang được tập trung triển khai. Đổi mới sáng tạo sẽ được thúc đẩy; khoa học công nghệ ứng dụng mạnh mẽ; chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh.
Việt Nam lớn mạnh không ngừng cả trên mặt trận ngoại giao, khi đến nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia, quan hệ ổn định lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện. Nhiều sự kiện quốc tế được tổ chức thành công như APEC 2017, thượng đỉnh Mỹ - Triều... Đặc biệt là một trong số các quốc gia đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 một cách khoa học và bền vững.
Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh, cũng là dịp để tất cả chúng ta tưởng nhớ đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Sáng 01-9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà 67 trong Khu di tích Phủ chủ tịch. Nhà 67 cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trút hơi thở cuối cùng.
"Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta", Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư phân tích, Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo rất cơ bản về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. Đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, phẩm chất cao quý của người cách mạng. Đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của dân.
Lực lượng CAND ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Với lực lượng Công an nhân dân nói chung và Công an TPHCM nói riêng, học tập tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là làm tốt nhiệm vụ "thanh kiếm và lá chắn" bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; là thực hiện tốt nhất huấn thị 6 điều tư cách người Công an cách mạng mà cho đến hôm nay và cả mai sau vẫn vẹn nguyên giá trị.
Công an TPHCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc", vinh dự được tặng Cờ thi đua của Chính phủ năm 2021. Với tinh thần đó, suốt dịp nghỉ lễ 02-9 năm nay, Công an TPHCM duy trì hoạt động cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân trên địa bàn. Công an TPHCM cũng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông thời điểm trước, trong và sau lễ Quốc khánh 02-9.
Làm tốt nhiệm vụ của mình, là cách tốt nhất cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM học tập tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, xứng đáng là "thanh kiếm và lá chắn" của cách mạng.