Hy vọng một năm học đổi mới và trung thực!

Thứ Năm, 01/09/2022 11:46

|

(CATP) Ngày 05-9, cả nước sẽ đồng loạt khai giảng năm học mới nhưng trong những ngày qua, nhiều địa phương đã cho học sinh tựu trường để ổn định tổ chức. Đây cũng là năm học đầu tiên mà tất cả học sinh được đến trường học trực tiếp sau gần 3 năm dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn đang đối diện với nhiều thách thức để xây dựng một nền giáo dục trung thực, văn hóa...

Kỳ thi THPT hoàn toàn mới

Năm học mới 2022-2023, theo kế hoạch, học sinh (HS) lớp 10 sẽ học chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, sau lớp 3, 7 đã học từ năm trước. Điều đáng lo là chương trình lớp 10 mới có những thay đổi vào giờ chót, gây khó khăn cho HS khi bắt đầu bước vào giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Việc Quốc hội yêu cầu đưa môn lịch sử là môn học bắt buộc, Bộ GD-ĐT phải thay đổi chương trình cho phù hợp, kể cả phải tập huấn nhanh cho GV dạy môn này. Đây là việc không đơn giản khi chương trình ban đầu môn lịch sử là môn tự chọn.

Việc thay đổi này đưa số môn học bắt buộc thành 8 môn, số môn HS được tự chọn từ 10 còn 9 môn. Từ đó kéo theo việc HS không lựa chọn 5 môn từ ba nhóm như trước (phân ban) mà được chọn bốn môn bất kỳ. Xử lý vấn đề này, nhiều trường PTTH không để HS chọn tự do mà đưa ra một số tổ hợp nhất định để lựa chọn, gây khó khăn trong định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Hệ quả, sẽ xảy ra tình trạng thừa - thiếu GV cục bộ trong mỗi trường, ảnh hưởng đến cả kế hoạch đào tạo của các trường sư phạm.

Do HS được tự chọn môn học, lại thay đổi vào phút chót, việc cung ứng sách giáo khoa (SGK) năm nay theo chương trình mới bị chậm. Nhiều trường mới công bố danh mục sách cách đây vài hôm khiến phụ huynh bế tắc trong việc tìm mua cho con. Ở bậc THPT chương trình rất khác so với trước đây khi HS được lựa chọn môn, buộc việc thi cử phải thay đổi cho phù hợp, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT năm 2023 cơ bản ổn định, không có nhiều thay đổi, nhưng đến kỳ thi năm 2025 sẽ hoàn toàn mới khi lớp 11 và 12 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 hoàn toàn mới sẽ kéo theo phương cách tuyển sinh đại học (ĐH) thay đổi, không hẳn tuyển sinh theo tổ hợp môn truyền thống. Ngay cả kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức hay không và tổ chức như thế nào, vẫn là câu hỏi nhiều phụ huynh lo lắng.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên "ôm" việc tổ chức kỳ thi THPT mà giao cho địa phương, nhưng giao trách nhiệm như thế nào để tránh được việc chạy theo thành tích, cũng là một vấn đề lâu nay các chuyên gia giáo dục đã cảnh báo. Liệu các trường ĐH tuyển sinh có tin vào chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT do địa phương tổ chức? Ngay cả các môn thi cũng là một câu hỏi lớn, nên thi cả những môn học bắt buộc hay chỉ 3-4 môn gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử? Vậy các môn tự chọn như Lý, Hóa, Sinh, Ngoại ngữ chẳng hạn, HS có được "tự chọn" để thi, lấy điểm vào ĐH ở những ngành bắt buộc phải có điểm môn này?

Các em học sinh trong ngày khai giảng năm học mới

Còn nếu theo nguyên tắc "có học thì có thi", mười mấy môn học đều phải thi hết thì đó là một kỳ thi quá lớn, tốn kém và đôi khi vô ích với nhiều HS. Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu thay đổi, việc tuyển sinh ĐH cũng phải thay đổi cho phù hợp. Đây là điều nhiều trường ĐH lo âu, bởi nguồn tuyển đầu vào sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Thực trạng thiếu giáo viên

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 năm (2012-2022), cả nước tăng 4 triệu HS, từ 17,8 lên 21,8 triệu (22,51%), trong khi đó, số giáo viên (GV) tăng 8,7%. Nếu tính riêng bậc phổ thông, HS tăng hơn 21%, GV giảm 4,05% (từ 847.500 xuống 813.200).

Theo đó, tỉnh thành nào cũng thiếu GV và tình trạng thừa - thiếu cục bộ cũng có. Bộ GD-ĐT cho biết đến hết năm học 2020 - 2021, cả nước thiếu hơn 94.700 GV, chủ yếu ở các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình mới và GV mầm non khu vực khó khăn. Tuy nhiên, cả nước cũng thừa cục bộ hơn 10.300 GV ở từng cấp học, chủ yếu ở nông thôn, vì biến động dân cư, người dân tập trung về làm việc ở các đô thị, thành phố lớn.

Ngày 18-7, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026. Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế GV trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022 - 2023 bổ sung 27.850 biên chế GV mầm non, phổ thông công lập.

Tình trạng thiếu GV đã diễn ra nhiều năm nay trở nên trầm trọng hơn khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai, trong khi biên chế nhiều năm qua không tăng. Ví dụ, tỉnh Nghệ An đang thiếu 7.843 GV, từ năm 2020 đã đề nghị bổ sung biên chế nhưng không được đáp ứng. Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Từ khi tôi làm Giám đốc Sở GD-ĐT đến nay đã 3 năm nay, nhưng chưa được bổ sung thêm một chỉ tiêu biên chế GV nào".

Tương tự, Bình Dương trong năm học mới số HS dự kiến tăng 29.000 em, nên cần tuyển bổ sung hơn 3.000 GV. TP HCM, Hà Nội, Thanh Hóa và nhiều tỉnh khác cũng vậy. Đặc biệt các môn Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, tỉnh nào cũng thiếu, ngay cả TPHCM, Hà Nội, thử hỏi ở các tỉnh miền núi, vùng xa lấy đâu ra GV các môn này để dạy?

Có biên chế rồi, vấn đề tuyển GV cũng rất phức tạp. Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND về chất lượng giáo dục nhưng không được giao quyền tự chủ về quản lý nhân lực (bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, giáo viên cấp dưới) và tài chính trong phạm vi quản lý của mình.

Một trường trung học cơ sở (THCS) muốn tuyển được một GV không phải muốn là được, mà quyền quyết định thuộc về Phòng Nội vụ, UBND quận, huyện. Việc tổ chức thi tuyển GV cũng đặt ra những vấn đề về chất lượng và cách tổ chức thi viên chức. Có nên bắt buộc một giáo sinh đã tốt nghiệp ngành sư phạm loại giỏi trải qua một kỳ thi như vậy?

Ngoài GV, những đô thị, thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội còn đối mặt với tình trạng thiếu trường, lớp, khiến các trường công lập khó đáp ứng các tiêu chí về diện tích tối thiểu trên một HS để đạt chuẩn quốc gia, dù trường mới hàng năm đều được xây dựng nhưng không đáp ứng được nhu cầu do dân số tăng cơ học rất nhanh. Năm học vừa qua, toàn TP.Hà Nội vẫn có gần 1.000 lớp ở tiểu học có 55 HS/lớp trở lên, hơn 2.000 lớp có sĩ số từ 50 HS/lớp trở lên.

Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT ban hành năm 2018 nêu rõ: "Cấp tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần". Sau khi ban hành chương trình, Bộ GD-ĐT từng đặt mục tiêu có 100% số HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày vào năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, ở TPHCM, tại những quận đông dân như Q12, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp... nhiều trường không thể đáp ứng được tiêu chí học 2 buổi/ngày của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nỗi lo học phí

Nghị định 81/2021 của Chính phủ về khung học phí mới sẽ được áp dụng trong năm học này. Học phí phổ thông tăng 40.000 - 350.000 đồng một tháng, tùy cấp và khu vực, so với hiện hành. Dù mức tăng không quá lớn, học phí mới vẫn tạo ra gánh nặng với những phụ huynh có thu nhập thấp, nhất là khi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị Chính phủ cho phép duy trì học phí năm ngoái với bậc mầm non, trung học phổ thông (THPT) trong năm học mới, đồng thời đề xuất miễn học phí với cấp THCS nhưng đề xuất này còn phải được Quốc hội thông qua.

Theo số liệu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Tính theo tỷ lệ GDP, mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP, chỉ kém Malaysia 5%, còn cao hơn các nước khác trong ASEAN gồm Campuchia 1,9%, Singapore 2,9%, Lào 3,3%. Dù vậy mức chi cho giáo dục chưa đạt 20% tổng chi ngân sách mà Luật Giáo dục 2019 đã đề ra. Mức chi cho giáo dục như vậy là khá cao nhưng hiện giáo dục Việt Nam chỉ mới không thu học phí ở cấp 1.

Phần đóng góp của người dân cho giáo dục cũng khá cao, tính trung bình, gia đình đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho HS (mầm non, tiểu học, phổ thông) đi học và mức đóng góp có xu hướng tăng dần theo cấp học. Trong đó, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình HS phổ thông. Đối với tiểu học là 32%; THCS là 42% và THPT là 43%.

Việc miễn học phí đến cấp THCS trước sau gì cũng được Quốc hội thông qua nhưng trước mắt, vấn đề học phí ở nhiều tỉnh thành vẫn đang được cân nhắc. Sở GD-ĐT Hà Nội, TPHCM, Cà Mau yêu cầu các trường tạm thời chưa thu học phí năm học 2022 - 2023 do chưa có quy định, hướng dẫn mới của địa phương.

Người dân đang mong chờ Quốc hội thông qua chính sách miễn học phí ít nhất đến bậc THCS trong thời gian tới.

Một số tỉnh, thành đã miễn học phí cho học sinh

- Hải Phòng: Mỗi năm TP.Hải Phòng trích hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho giáo dục. Năm học 2021 - 2022, Hải Phòng đã miễn học phí cho bậc mầm non và THCS, giảm học phí cho bậc THPT. Năm học 2022 - 2023, 100% HS các cấp ở Hải Phòng đều được miễn học phí.

- Bà Rịa - Vũng Tàu: UBND tỉnh quyết định miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi, HS tiểu học và THCS công lập, tư thục giai đoạn 2022 - 2025. Dự kiến ngân sách của tỉnh này sẽ chi hơn 568 tỷ đồng cho việc miễn học phí trong giai đoạn 2022 - 2025.

- Đà Nẵng: Hỗ trợ 100% học phí trong 9 tháng của năm học 2022 - 2023 cho trẻ mầm non, HS phổ thông công lập và ngoài công lập. Đà Nẵng còn trích hơn 4.685 tỷ đồng để mua SGK cho 8.438 HS thuộc hộ nghèo, HS mồ côi do Covid-19 và 4.400 HS thuộc hộ cận nghèo.

- Cần Thơ: HĐND TP.Cần Thơ đã thông qua Nghị quyết miễn toàn bộ học phí cho HS các cấp trên địa bàn. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là 308,943 tỷ đồng.

- Quảng Ninh: Năm học trước, Quảng Ninh đã giảm 100% học phí cho trẻ mầm non và HS tiểu học, THCS, THPT công lập và tư thục do ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Hiện Quảng Ninh đang nghiên cứu ngân sách để quyết định có miễn giảm học phí từ năm học 2022 - 2023 hay không.

Bình luận (0)

Lên đầu trang