Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thứ Ba, 30/03/2021 13:30

|

(CAO) Dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 11.

Theo đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định), dự thảo Luật lần này được chuẩn bị, chỉnh sửa kỹ lưỡng, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng của các đại biểu Quốc hội, cơ bản đã bao quát hết các nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 chương, 55 điều, quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Dự thảo Luật lần này được chuẩn bị, chỉnh sửa công phu, kỹ lưỡng. Dự thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng của các đại biểu Quốc hội, hầu hết các ý kiến đại biểu góp ý tại kỳ họp thứ 10 đã được nghiên cứu tối đa và có giải trình thấu đáo. Qua đó đã hoàn chỉnh các quy định trong dự thảo luật, cơ bản đã bao quát hết các nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; nhiều quy định được bổ sung đã đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành.

Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

"Việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy",  Đại biểu Lê Công Nhường nói.

Cũng theo đại biểu Nhường, dự thảo Luật được xây dựng đã đảm bảo sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật sửa đổi có nhiều điểm mới đáng chú ý được kỳ vọng sẽ nâng cao và tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống ma túy:

Thứ nhất, bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, nguyên tắc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cần phải được kiểm soát.

Thứ hai, đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy.

Thứ ba, bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy: Người sử dụng trái phép chất ma túy được quản lý bởi Ủy ban nhân dân cấp xã. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính; Người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp; Trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc;…

Thứ tư, đã quy định rõ các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy. Nhà nước bảo đảm kinh phí xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và kinh phí xác định tình trạng nghiện.

Thứ năm, đã bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy như: Xác định rõ các giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy; Chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện;…

"Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy hiện hành là hết sức cần thiết. Sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật. Vì vậy, tôi kỳ vọng sau khi luật được thông qua và có hiệu lực sẽ sớm đi vào, phát huy hiệu quả trong cuộc sống", Đại biểu Lê Công Nhường cho biết thêm.

Với nhiều quy định mới tại dự thảo, ông Nhường tin tưởng rằng những bất cập, hạn chế của luật hiện hành sẽ được khắc phục triệt để. Dự án Luật sửa đổi sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, trong phòng, chống ma túy. Nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy. Quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Đồng thời, mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm am túy. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế. Trước thực tiễn và sự phát triển mạnh mẽ của thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc là căn cứ để ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Dự Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tháo gỡ những bất cập trong phòng chống ma tuý hiện nay
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang