Thảo luận về dự Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

Lực lượng rất quan trọng để thực hiện "4 tại chỗ"

Thứ Ba, 17/11/2020 16:40  | T.Nam

|

(CAO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 17/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Sự cần thiết ban hành luật

Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 34 điều với những nội dung cơ bản về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật quy định thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xác định rõ đây là lực lượng tham gia hỗ trợ công an cấp xã trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường

Thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến cho rằng quy định tại dự thảo Luật sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở hiện nay, khi sắp xếp 3 lực lượng gồm công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ, dân phòng và bảo vệ dân phố thành một lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở.

Lực lượng này đặt dưới sự quản lý của chính quyền địa phương, được lực lượng công an nhân dân hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ. Đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn, tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn; làm nòng cốt trong lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...

Đại biểu Trần Kim Yến (TPHCM) nêu ý kiến

Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM), bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới và kiện toàn sắp xếp bố trí lực lượng tinh gọn đầu mới gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và mối quan hệ công tác của từng tổ chức.

Theo đó thực hiện việc sắp xếp bố trí thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ thành một lực lượng chung để tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng công an xã chính quy trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn.

Việc thống nhất 3 lực lượng ở cơ sở sẽ xác định chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, khắc phục được thực trạng hiện nay có nhiều lực lượng cùng tham gia nhưng không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm chính...

Nhiều nước tiên tiến có lực lượng này

Giải trình rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về cơ bản, có nhiều ý kiến phát biểu nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành luật và đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện hơn nữa dự án lần này.

Trong đó, có ý kiến phát biểu về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn tuyển chọn, xây dựng, bố trí, sử dụng lực lượng, phạm vi, giới hạn, phương thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, việc đảm bảo các điều kiện hoạt động của lực lượng này, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tiễn... Những vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm

Về một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ ra rằng, thực tế ở Việt Nam, lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự như là trong khái niệm của dự thảo Luật đưa ra cũng đã tồn tại ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công. Cho đến nay, lực lượng này ngày càng phát huy.

Đối với kinh nghiệm của một số nước có lực lượng này, ví dụ như ở Singapore thì gọi là lực lượng phòng vệ dân sự, tham gia rất nhiều các công việc như tự nguyện cấp cứu người bị thương, người bị nạn ở trên đường phố. Còn ở Nga hiện nay, có khoảng 7 cơ quan như cơ quan an ninh, cơ quan tình báo, Bộ Tình trạng khẩn cấp, Bộ Nội vụ... Ở Mỹ cũng có hàng chục các cơ quan như vậy. Ở Việt Nam, từ trước Cách mạng, chế độ cũ cũng đã tổ chức lực lượng này, ví dụ ở từng thôn, từng xã có những điếm canh để cho các lực lượng này hoạt động...

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, chủ trương của chúng ta hiện nay là giao rất nhiều các công việc và thực hiện nhiệm vụ "4 tại chỗ", thì đây chính là một trong lực lượng rất quan trọng để thực hiện "4 tại chỗ" theo các quy định và phân cấp. Bên cạnh đó, dự thảo Luật này điều chỉnh chính đối với 3 lực lượng mà trên thực tế hiện nay đã đang tồn tại, ở phạm vi toàn quốc và có lịch sử được thành lập và tồn tại từ rất lâu.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, đối với lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác được thành lập, tổ chức hoạt động dưới nhiều các mô hình khác nhau và mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến trong toàn quốc và cũng có nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức hoạt động của các lực lượng này, Chính phủ cũng thấy rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng, toàn diện cả về quy định cũng như về thực tiễn, để có đủ cơ sở để quy định trong luật.

Do đó, những tổ chức khác, những hoạt động khác cũng chưa được đưa vào trong luật này, mà chỉ tính lực lượng trên thực tế đã tồn tại và vẫn đang hoạt động để xác định địa vị pháp lý cũng như quy định bằng luật. Hơn nữa, nhiều hoạt động của lực lượng này cũng đụng chạm đến quyền công dân, con người, theo quy định của Hiến pháp, do đó phải quy định bằng luật chứ không thể là văn bản khác được. Nếu luật này được ra đời thì sẽ không hạn chế trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác tham gia trong phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội tiếp tục tiếp thu để giải trình những nội dung mà đại biểu Quốc hội đã có ý kiến góp ý về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để trình Quốc hội xem xét...

Bảo đảm an ninh trật tự cơ sở có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận các đại Quốc hội cho rằng việc bảo đảm an ninh trật tự cơ sở có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng góp phần xây dựng xã hội bình yên, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, vấn đề này cũng liên quan đến hệ thống chính trị ở cơ sở, quyền con người quyền công dân tác động đến đời sống của nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, khi quyết định đưa dự án Luật này vào chương trình xây dựng luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu nghiên cứu xác định vị trí của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vừa phát huy được vai trò của lực lượng này, vừa huy động được sự tham gia của các cơ quan tổ chức cá nhân trong hoạt động đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, bảo đảm nguyên tắc đây là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia để hỗ trợ lực lượng công an, không phát sinh tổ chức, lực lượng mới, không làm thay hoặc đảm nhận chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an chính quy và của chính quyền cơ sở. Trên cơ sở đó quy định nhiệm vụ quyền hạn, bố trí lực lượng phù hợp với vị trí, tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình, địa bàn nông thôn, miền núi, đô thị và hải đảo...

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ và báo cáo xin ý kiến Quốc hội quyết định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang