(CATP) Một loạt các hội nghị do Việt Nam chủ trì với tư cách là Chủ tịch ASEAN được tổ chức trong tuần qua theo hình thức trực tuyến, cho thấy Việt Nam đã và đang nỗ lực thể hiện vai trò tích cực, có trách nhiệm đối với việc đẩy mạnh hợp tác khu vực và toàn cầu, vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Cũng như phần còn lại của thế giới, ASEAN đang căng thẳng đối phó với đại dịch Covid-19. Các biện pháp phòng, chống dịch được chính quyền các nước thành viên triển khai phát huy tác dụng tốt. Đặc biệt, hệ thống y tế không phải chịu áp lực nặng nề của "làn sóng" nhiễm bệnh; nền kinh tế và đời sống xã hội được duy trì trong trạng thái bình thường với các biện pháp cảnh giác cao trước nguy cơ dịch bệnh chực chờ đe dọa. Việt Nam và ASEAN cần chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch cho các nước, nhất là những nước có quan hệ đối tác giao thương, để góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu.
Bên cạnh việc phòng, chống dịch, ASEAN tiếp tục đối mặt với những thách thức dai dẳng tầm khu vực và thế giới. Cần kiên trì trong việc tìm kiếm các giải pháp ứng phó bền vững.
Các vấn đề liên quan đến Biển Đông luôn làm nóng các bàn nghị sự. Thái độ ứng xử khó lường của các nước có lợi ích, khiến việc xây dựng đối sách chung của ASEAN và đối sách của Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn. Việt Nam vẫn nỗ lực không mệt mỏi với những cuộc đối thoại song phương và đa phương, nhằm tìm kiếm tiếng nói chung, đặt cơ sở cho việc xây dựng Biển Đông thành một không gian thân thiện, hòa bình.
Sự bất đồng giữa các nước lớn, các liên minh quốc gia về cách tiếp cận và giải quyết một số vấn đề chính trị, khiến bầu không khí bang giao quốc tế nhiều lúc căng thẳng. Đây đó, các điểm nóng xung đột vũ trang khiến nền hòa bình thế giới luôn bị đe dọa. Với vai trò trung lập, ASEAN (bao gồm Việt Nam) góp phần không nhỏ vào việc giảm căng thẳng, xoa dịu tình hình, thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa các thế lực đối địch. Vai trò này đặc biệt nổi bật thông qua quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Liên hiệp quốc (LHQ), kiểu quan hệ được cho là hình mẫu về hợp tác giữa LHQ và tổ chức khu vực. Riêng sự tham gia của Việt Nam và ASEAN vào các lực lượng gìn giữ hòa bình dưới danh nghĩa LHQ đã góp phần tích cực vào việc duy trì sự bình ổn và công cuộc tái thiết ở những nước bị chiến tranh tàn phá.
Cuộc đối đầu Mỹ - Trung trong lĩnh vực thương mại ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến hoạt động kinh tế của các quốc gia, trong đó có các nước ASEAN vốn là bạn hàng lớn của cả hai nền kinh tế. Việc rà soát chính sách kinh tế để có những biện pháp điều chỉnh cần thiết là việc phải làm không chỉ đối với một quốc gia, mà còn cả đối với các liên minh kinh tế khu vực và thế giới. ASEAN không ngừng đàm phán với các đối tác, nhằm kiến tạo không gian hợp tác thích ứng với tình hình, trong đó các bên đều có điều kiện thu được lợi ích mong muốn.
Một trong những điểm nhấn trong bức tranh hợp tác kinh tế là sự kiện vừa qua, dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) với các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây được cho là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới cho đến nay, mở ra cơ hội phát triển nhanh, mạnh và toàn diện cho các nước tham gia ký kết, đồng thời góp phần thúc đẩy giao thương toàn cầu, nhằm kiến tạo sự thịnh vượng chung.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen