TPHCM: Vẫn tổ chức HĐND ở “thành phố trong thành phố”

Thứ Hai, 16/11/2020 14:54

|

(CAO) Với Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, HĐND cấp quận, phường sẽ được bỏ, song vẫn tổ chức HĐND tại “thành phố thuộc thành phố”.

Không tổ chức HĐND quận, phường

Theo Nghị quyết được thông qua sáng nay (16/11), chính quyền địa phương ở TPHCM (gọi là Thành phố) là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND TP và UBND TP.

Chính quyền địa phương ở quận tại TP là UBND quận. Đây là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

Chính quyền địa phương ở phường tại TP là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này, theo phân cấp của UBND TP, UBND quận, UBND TP thuộc Thành phố và theo ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, TP thuộc TP.

Nếu sáp nhập ba quận 2, 9, Thủ Đức thành TP Thủ Đức, sẽ vẫn tổ chức Hội đồng nhân dân

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TP được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, Nghị quyết cho phép TPHCM tổ chức HĐND TP thuộc TP. Theo đó, HĐND TP thuộc TP được quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của phường trực thuộc; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương cũng thuộc thẩm quyền của HĐND.

HĐND TP thuộc TP cũng được quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của UBND phường trực thuộc.

Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình trên địa bàn phường trực thuộc; giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường trực thuộc.

Liên quan đến Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Do đó, dự thảo nghị quyết đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, tức là thành phố trực thuộc thành phố.
“Chúng ta làm luôn chứ không thí điểm thành phố Thủ Đức, vì trong luật đã quy định cho phép” – ông Tân khẳng định, đồng thời thông tin thêm, việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố hay thành phố thuộc tỉnh thuộc thẩm quyền của UBTVQH, không xin ý kiến của Quốc hội.

Còn theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, để tạo cơ chế phát triển vượt trội cho Thủ Đức, tới đây TP sẽ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, từ đó sẽ kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về cơ chế cho Thủ Đức.
 

Tổ chức HĐND tại "thành phố thuộc thành phố" trong tương lai

Vẫn theo Nghị quyết được thông qua, UBND thành phố thuộc Thành phố thực hiện được xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định các nội dung theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết này và tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Căn cứ vào nghị quyết của HĐND TP thuộc TP về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của thành phố, quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho UBND phường trực thuộc.

Quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn các phường trực thuộc.

Với Chủ tịch UBND TP thuộc TP, Nghị quyết cho phép bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường trực thuộc.

Chủ tịch UBND TP thuộc TP được phép tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức phường trực thuộc; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND phường trực thuộc.

Trước khi được thông qua, có ý kiến lưu ý dự thảo Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP thuộc TP là không hợp lý vì trên thực tế chưa có đơn vị hành chính này. Quy định như vậy sẽ không thống nhất với quy định tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết.

Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở quy định về “đơn vị hành chính tương đương” với quận, huyện, thị xã tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã cụ thể hóa tên gọi của đơn vị này là “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương” (khoản 2 Điều 2).

Để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức chính quyền địa phương ở loại đơn vị hành chính này, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND TP thuộc TP trực thuộc trung ương (Mục 3 Chương III). Với TPHCM, theo ông Tùng, hiện Đề án đề nghị thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM đã được Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định.

Vì lẽ đó, ông Tùng nhấn mạnh, để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền TP Thủ Đức sau khi được thành lập thì việc dự thảo Nghị quyết này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc Thành phố là cần thiết.

Ông Tùng cũng nhận định, quy định như vậy không mâu thuẫn với khoản 4 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết vì tại thành phố thuộc Thành phố vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND, nhưng do ở các phường thuộc TP này không tổ chức HĐND nên trong Nghị quyết của Quốc hội phải bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND, UBND TP thuộc TP tương tự như đối với HĐND, UBND TPHCM.

Vì lẽ trên, UBTVQH xin phép Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như dự thảo Nghị quyết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang