Giảm đáng kể chi phí
Thay thế quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý thông qua mã số định danh cá nhân (MSĐDCN), theo Bộ Công an, sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả.
Nêu thực tế công dân hiện nay khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ (Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận kết hôn…), Bộ Công an cho biết, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân (CSDLQGVDC) được hoàn thành và đi vào hoạt động, tất cả các giấy tờ này sẽ không còn ý nghĩa.
“Khi giao dịch, công dân chỉ cần mang theo thẻ căn Căn cước công dân hoặc cung cấp MSĐDCN cho cơ quan chức năng để thực hiện TTHC” - Bộ Công an thông tin trong báo cáo đánh giá tác động được trình cùng hồ sơ luật.
Một tính toán sơ bộ cho thấy, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân vào CSDLQGVDC) vào giải quyết TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành có yêu cầu cung cấp thông tin của công dân sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện TTHC khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Chi phí này bao gồm việc sao, chụp, chứng thực hoặc phải kê khai nhiều lần các thông tin cơ bản của cá nhân…
Sổ hộ khẩu giấy chính thức được bãi bỏ từ sau năm 2022
Như thế, Bộ Công an chỉ ra, các TTHC, giấy tờ sẽ được cắt giảm đáng kể kèm theo những chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện TTHC.
Chưa hết, sử dụng MSĐDCN vào quản lý dân cư còn là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử, mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ.
“Thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật từ CSDLQGVDC sẽ làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành” - Bộ Công an nhận định.
Lấy ví dụ trong công tác quản lý về bảo hiểm xã hội (BHXH) như hiện nay, Bộ Công an phân tích: BHXH Việt Nam đang quản lý thông tin của khoảng 72% dân số cả nước, nếu hoàn thiện việc triển khai xây dựng CSDLQGVDC và thực hiện quản lý dân cư bằng MSĐDCN thì sẽ giảm chi phí trong quản lý về BHXH.
“Mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra, cơ quan BHXH phải chi trả khoảng 10 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu có MSĐDCN thì BHXH lấy số đó làm căn cứ để cấp luôn. Hiện nay, việc nhập dữ liệu mới phải trả 10.000 đồng/tờ khai, nếu 30 triệu người phải cấp mới thì sẽ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đồng, gây lãng phí rất lớn”, theo Bộ Công an.
Sửa đổi, thay thế 178 văn bản quy phạm pháp luật
Về tác động xã hội, Bộ Công an nhìn nhận, quản lý dân cư thông qua MSĐDCN sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Nhiều thủ tục hành sẽ được "khai tử" khi sổ hộ khẩu giấy không còn. Ảnh minh họa
Theo đó, MSĐDCN được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong CSDLQGVDC phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao. Hiện cơ quan công an đã thu thập, cập nhật vào CSDLQG 15 trường thông tin cơ bản về công dân.
Vẫn theo Bộ Công an, việc thay thế hình thức quản lý dân cư như trên cũng góp phần từng bước hình thành hệ thống pháp luật theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật quy định về các vấn đề có liên quan đến thông tin, giấy tờ công dân khi giải quyết các TTHC thuộc các lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành theo hướng thông tin của công dân sẽ được cập nhật, khai thác trên CSDLQGVDC.
Tuy nhiên, để thực hiện, theo Bộ Công an, phải thực hiện rà soát để sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành 17 nghị quyết chuyên đề phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật.
Căn cứ vào các nghị quyết này, các bộ, ngành cần đề xuất cấp có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế khoảng 178 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm 10 Luật (Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Lý lịch tư pháp; Luật Nuôi con nuôi; Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Chứng khoán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán), 35 Nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 119 thông tư, thông tư liên tịch và 16 quyết định của Bộ trưởng.
Nhiều thủ tục hành chính sẽ bị bãi bỏ
Khi chuyển đổi hình thức quản lý dân cư, toàn bộ phần có liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong 13 nhóm TTHC sẽ bị bãi bỏ.
Cụ thể là các thủ tục: Tách Sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); Cấp đổi Sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); Cấp lại Sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); Điều chỉnh những thay đổi trong Sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); Xóa đăng ký thường trú; Xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; Hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; Cấp giấy chuyển hộ khẩu; Cấp đổi Sổ Tạm trú tại Công an cấp xã; Cấp lại Sổ tạm trú tại Công an cấp xã; Điều chỉnh những thay đổi trong Sổ tạm trú tại Công an cấp xã; Gia hạn tạm trú tại Công an cấp xã; Hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật tại Công an cấp xã.
Chi phí tuân thủ TTHC để thực hiện 13 thủ tục trên vào khoảng 292 tỷ đồng. Con số này là phần chi phí được cắt giảm khi 13 thủ tục này được thay thế/hủy bỏ.
Ngoài ra, sau khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, việc đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú được đổi sang đăng ký cư trú thông qua MSĐDCN sẽ cắt giảm được hơn 390 tỷ đồng.
Con số chi phí tuân thủ hiện tại ước tính hơn 522 tỷ đồng, còn con số sau khi thay thế/hủy bỏ ước khoảng hơn 132 tỷ đồng.