Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 5 tỉnh Tây nguyên

Thứ Hai, 16/11/2020 16:32

|

(CAO) Sáng 16-11-2020, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Nội dung buổi làm việc để tổng hợp tình hình, kết quả, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của 5 tỉnh về thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) do Thủ tướng chỉ đạo.

Đánh giá kết quả ban đầu cho thấy, tình hình triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các tỉnh, dựa trên các Quyết định, Nghị định của Thủ tướng Chính phủ tại 4 cấp hành chính trên Trục quốc gia tại 5 tỉnh cơ bản đã đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo xây dựng của Thủ tướng Chính phủ.

Một số tỉnh đạt tỷ lệ cao về gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật); đảm bảo việc nhanh chóng, kịp thời triển khai giữa các cấp chính quyền cở sở, địa phương với Chính phủ; tinh giản việc làm cho đội ngũ văn thư, lưu trữ.

Lâm Đồng, Đắk Lắk là 2 tỉnh được đánh giá cao về công tác triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia với số lượng hồ sơ giải quyết vụ việc cho người dân tương và doanh nghiệp tương đối lớn.

Đến nay, 4/5 tỉnh đã tích hợp với nền tảng thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Một số địa phương cập nhật TTHC còn chưa kịp thời, đầy đủ hoặc chưa đồng bộ, chuẩn hóa danh mục TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Tổ công tác đánh giá, với tiến độ triển khai như hiện nay sẽ khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ đặt ra trong năm 2020 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP.

Đối với dịch vụ công, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương phải lưu ý, quán triệt đến các bộ 1 cửa, tránh bắt người dân nộp nhiều hồ sơ, giấy tờ mà nhiều cái không dùng đến, đảm bảo thủ tục pháp lý, hợp lệ là thực hiện cho người dân, doanh nghiệp.

Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã được các tỉnh quan tâm, xử lý kịp thời. Hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đều có 3 phản ánh, kiến nghị đã quá hạn giải quyết.

Một số tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai và tổ chức quán triệt Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Trong đó, Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số hoá kết quả giải quyết TTHC và dự kiến tháng 12-2020 sẽ triển khai thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại TP.Đà Lạt và nhân rộng từ năm 2021, Gia Lai, Đắk Lắk cũng đang tích cực triển khai dịch vụ này.

Tỉnh Lâm Đồng cũng được đánh giá cao về việc đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh của TP.Đà Lạt, giúp mọi thành phần nhân dân có thể phản ánh những bất cập về xây dựng, rác thải, du lịch...; lãnh đạo địa phương, cơ sở và cán bộ phụ trách kịp thời nắm bắt, theo dõi, xử lý.

Trong khi đó, các tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã triển khai xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm chỉ đạo điều hành của tỉnh, Đắk Lắk, Đắk Nông đang triển khai thí điểm. Hiện chưa có tỉnh nào kết nối hệ thống camera ở Trung tâm phuc vụ hành chính công với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Par Index 2019 (công cụ đánh giá về hoạt động cải cách TTHC), chỉ số thành phần về cải cách TTHC của khu vực Tây Nguyên đứng thứ 5/6 khu vực. Gia Lai đứng vị trí 63/63 tỉnh, thành do không kịp thời cập nhật, công khai các quy định TTHC, một số TTHC công khai vẫn còn dẫn chiếu đến các quy trình, quy định đã hết hiệu lực thi hành.

Đến nay, các tỉnh cũng đã triển khai khắc phục tồn tại, hạn chế và thực hiện tốt hơn việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Cả 5/5 tỉnh tổ chức theo hình thức Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn cao như Lâm Đồng (99,49%), Gia Lai (99,1%), Kon Tum (98,8%), Đắk Nông (98,7%), Đắk Lắk (95,91%).

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc

Theo ông Mai Tiến Dũng, thời đại số hoá, 4.0, mọi hoạt động liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; các thao tác điều hành, quản lý cấp nhà nước, các ngành phải đảm bảo tiến độ thời gian, cùng đó nâng cao chất lượng dịch vụ để làm hài lòng người dân; giảm việc tay chân, đi lại với cán bộ quản lý nhà nước; đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, yếu tố con người rất quan trọng; phải tuyển người có năng lực trình độ, biết việc.

Lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông chung kiến nghị, cần ban hành các chính sách ưu đãi về thu hút, sử dụng nhân lực CNTT trong hệ thống chính trị; tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng về CNTT cho công chức, viên chức các địa phương để đáp ứng chuẩn CNTT theo quy định; hướng dẫn việc triển khai xây dựng Đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ và ông Trần Ngọc Liêm lưu ý thêm những vấn đề về việc tuyển nhân sự thực chất, được việc; tránh các thủ tục rườm rà; triệt tiêu tình trạng tham những trong một bộ phận cán bộ trực tiếp giải quyết các hồ sơ vụ việc liên quan.

Về thực hiện Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nên quy định rõ lộ trình thực hiện, trong đó ưu tiên các địa phương có nền kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao, đối với các địa phương còn khó khăn, trình độ dân trí thấp căn cứ vào tình hình, đặc thù của từng địa phương để triển khai, nhằm giảm lãng phí do không phát sinh hồ sơ (như tỉnh Đắk Nông)...

Bình luận (0)

Lên đầu trang