Cá lại chết ồ ạt
Ngày 6-5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước ở bờ biển, bãi tắm; các điểm nuôi trồng thủy sản… thì vẫn đảm bảo. Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh quan trắc 12 mẫu nước biển ven bờ tại các bãi tắm, 3 cửa biển và 2 điểm lấy nước nuôi trồng thủy hải sản; 14 mẫu tại cửa biển Thuận An và nước đầm phá Tam Giang cho thấy vẫn đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy hải sản, bảo tồn thủy sinh, bãi tắm và thể thao dưới nước.
Ở thời điểm quan trắc, tất cả các thông số (pH, DO, TSS, NH4+-N, PO43- - P, Cyanua, As, Mn, Fe, Cu, Zn, phenol) đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Tất cả các mẫu nước.
Sau một thời gian lắng lại, hiện tượng cá chết hàng loạt lại xuất hiện ở Thừa Thiên – Huế. Cá chết xuất hiện thành 3 đợt: đợt 1 từ ngày 15 đến 24-4 ở bờ biển, vùng ven bờ biển của huyện Phong Điền và huyện Phú Lộc; đợt 2 từ ngày 26 đến 29-4 ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) và đợt 3 từ ngày 2-5 đến nay tại vùng biển Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) và xã Phú Thuận, xã Phú Hải, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang).
Tiêu hủy cá chết ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế
Hàng tấn cá biển chết dạt vào bờ được chính quyền, các lực lượng chức năng và người dân tiến hành thu gom để đem đi tiêu hủy. Trong ngày 3 và 4-5, phóng viên có mặt tại biển xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) ghi nhận tình trạng cá biển chết hàng loạt.
Chính quyền, các lực lượng chức năng cùng người dân tích cực ra bờ biển thu gom cá chết, có nhiều con cua, con cá nặng từ 1 – 1,5kg đang trong quá trình phân hủy. Đi trên bờ kè biển, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến ai cũng khó chịu.
Ông Lê Xuân Hướng – phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, từ ngày 16-4 đến chiều 4-5, thu gom được gần 1,6 tấn cá biển chết dạt vào bờ, riêng chỉ trong ngày 3 và 4-5 thu gom được hơn 1,4 tấn.
Thu gom cá chết
Cá nuôi của các hộ dân trên phá Tam Giang, gần cửa biển Thuận An cũng chết hàng loạt. Đến ngày 6-5, có gần 60 lồng cá của 20 hộ bị chết với khoảng hơn 1 tấn. Ngoài ra vẫn còn lượng lớn cá chết nằm trong lồng chưa thu gom kịp. Cá chết đa số là cá mú, chẽm, hồng mỹ, hồng đỏ, vẩu,…
Cá biển và cá nuôi cũng chết hàng loạt ở biển Thuận An (huyện Phú Vang). Khoảng hơn 2 tấn cá nuôi và gần 5 tạ cá biển được thu gom để tiến hành tiêu hủy. Các bãi tắm ở Thuận An mấy ngày trước xuất hiện khách tắm biển thì 2 ngày nay vắng lặng do thông tin cá chết lan nhanh, người dân, du khách cho rằng môi trường biển vẫn bị nhiễm độc.
Ngư dân tiếp tục hoang mang, điêu đứng
Ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Đây là sự cố môi trường nghiêm trọng lần đầu xuất hiện ở Việt Nam nói chung và Huế nói riêng. UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc xử lý trên cơ sở những chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của bộ ngành.
Anh Nguyễn Châm vớt cá chết ở lồng cá nuôi
Tỉnh phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục lấy mẫu để kiểm nghiệm, phân tích xác định nguyên nhân, đồng thời tiến hành thực hiện quan trắc 2 lần/ngày tại các bờ biển, điểm nuôi trồng thủy sản để báo cáo cho bộ ngành trung ương. Lãnh đạo tỉnh đã về các địa phương chỉ đạo công tác thống kê và xem xét hỗ trợ thiệt hại cho người dân”.
Ông Khanh cho biết thêm, về hiện tượng cá nuôi lần này chết có một phần nguyên nhân do xuất hiện mưa giông, thủy triều vào và kỹ thuật nuôi của người dân chưa đảm bảo, lồng nuôi dày và sát đáy nên cá thiếu oxy.
Hiện tỉnh đã chỉ đạo Chi cục thủy sản khuyến cáo người dân nâng lồng nuôi lên cách đáy 1m để đảm bảo nước lưu thông và tạo thêm oxy. Tỉnh đã chỉ đạo cho tháo nước sông Hương qua đập ngăn mặn Thảo Long để xả về phá Tam Giang nhằm giảm độ mặn trong môi trường nuôi cá lồng trên đầm phá thì thấy cá chết đã giảm hẳn.
Gom cá chết ở bờ biển
Trong ngày 6-5, người dân cung cấp cho cơ quan chức năng một mẫu rong màu trắng lấy được ở ven bờ biển xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) mà theo các ngư dân đây là lần đầu tiên thấy xuất hiện mẫu rong lạ tại bãi biển này. Hiện Sở TN-MT Thừa Thiên – Huế đã gửi mẫu này ra Bộ TN-MT nhờ phân tích.
Sở NN%PTNT đã hướng dẫn người nuôi trồng thường xuyên theo dõi thủy sản để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất lợi của môi trường; tạm thời chưa thả giống, không lấy nước vào bè nuôi, ao nuôi ven biển vùng bị thiệt hại trong khi chờ xác định nguyên nhân; chuẩn bị tốt con giống, vệ sinh lồng bè, ao đầm nuôi,...
Người dân buồn rầu trước những đống cá chết
Các ngành chức năng của tỉnh đã thu hồi mẫu cá, mẫu nước trong vùng nuôi để xét nghiệm. Chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân giao nộp cá biển thu gom được, hỗ trợ mức 10.000 đồng/kg để tiêu hủy, tránh tình trạng mang đi bán; cử lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ tại cửa biển, khu nuôi cá để thu gom cá chết, tạm thời không cho người dân ra đánh bắt cá ven bờ biển, trên phá Tam Giang.
Ngày 6-5, đoàn công tác của Bộ TN-MT, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến vùng biển ở Huế thu thập các mẫu nước, mẫu cá chết, những thông tin liên quan để tiến hành phân tích, xác định nguyên nhân cá chết.
Vệt đỏ xuất hiện trên bờ biển
Trong đoàn có các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Đức. Từ 5 – 9 giờ ngày 6-5, đoàn làm việc tại bờ biển trải dài từ xã Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền) đến Thuận An (huyện Phú Vang). Trước đó, đoàn làm việc tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.