Để thông tư đi vào thực tế, giúp CBCS CA trong toàn lực lượng, nhất là lực lượng tiếp dân quán triệt thực hiện một cách hiệu quả, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Công đoàn Công an TPHCM (CATP) phối hợp tổ chức chuyên đề tập huấn "Nâng cao văn hóa ứng xử trong công tác tiếp dân góp phần xây dựng đơn vị kiểu mẫu, thân thiện, vì nhân dân phục vụ”, diễn ra sáng 10/7 tại Hội trường CATP.
Cán bộ tiếp dân - 'mặt tiền' của mỗi đơn vị
Hội nghị có sự tham dự của hơn 250 CBCS đại diện cho các đơn vị, đặc biệt là lực lượng phụ trách mảng công việc thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, những cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân tại phường, xã. Chỉ đạo tại hội nghị là Thượng tá Tô Quốc Hồng - Phó trưởng Phòng công tác Đảng và công tác chịnh trị CATP. Báo cáo viên là Đại tá Nguyễn Văn Anh - nguyên Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP.
Mở đầu hội nghị, Thượng tá Tô Quốc Hồng thay mặt lãnh đạo CATP quán triệt thực hiện thông tư 12/2023/TT-BCA của Bộ CA đến CBCS nhằm nâng cao cung cách phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CA ngày càng thân thiện, gắn bó mật thiết với nhân dân. Để CBCS tham gia tập huấn hiểu sâu, nắm vững được những mục tiêu cốt lõi của công tác nâng cao ứng xử trong tiếp công dân, xây dựng đơn vị kiểu mẫu, Thượng tá Hồng đã hệ thống cơ bản thông tư và đặc biệt lưu ý quán triệt những mục cần thực hiện để nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp dân, gần dân.
Thượng tá Tô Quốc Hồng - Phó trưởng Phòng công tác Đảng - công tác chính trị trao hoa cho báo cáo viên
Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Văn Anh - nguyên Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP - vị lãnh đạo đã có thâm niên làm công tác quản lý hành chính, cọ sát với nhân dân nhiều nhất đã rút tỉa các kinh nghiệm quý báu để chia sẻ đến với lớp tập huấn. Đại tá Văn Anh đánh giá, công tác tiếp dân, cán bộ tiếp dân là "mặt tiền" của mỗi đơn vị CA nên phải hết sức xem trọng, nâng cao văn hóa ứng xử liên tục và lâu dài. Khi đã là "mặt tiền" thì luôn phải ưu tiên những gì hay nhất, đẹp nhất, giỏi nhất để phục vụ nhân dân. Trong đó, vấn đề cốt lõi "vì nhân dân phục vụ” là luôn phải được xem trọng. Các CBCS CA phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép" và phải luôn xem đây là chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân.
Thực hiện lời dạy của Người, CBCS phải luôn có thái độ lịch sự, niềm nở, chân tình, giữ đúng lễ tiết, tác phong khi thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn, giải thích rõ ràng, đầy đủ các quy định liên quan đến giải quyết công việc của nhân dân. Các ý kiến đóng góp của nhân dân đều được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết thấu đáo; ý kiến nào đúng được tiếp thu, chấn chỉnh, sửa đổi ngay, ý kiến nào chưa đúng thì được giải thích cho nhân dân hiểu.
Cần chuyển đổi tư duy, thân thiện phục vụ
Theo Đại tá Văn Anh, để xây dựng được một đơn vị kiểu mẫu, thân thiện, "vì nhân dân phục vụ” thì bắt buộc mỗi đơn vị tùy theo đặc thù công việc của mình phải nhận diện được mục tiêu và tìm ra các giải pháp để đạt mục tiêu một cách hiệu quả nhất. Một cán bộ tiếp dân giỏi đòi hỏi nhiều yếu tố như nền tảng lý luận, kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, vốn sống, sự linh hoạt trong giải quyết các tình huống phát sinh, cùng với việc kiểm soát tốt cảm xúc. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, bắt buộc CBCS làm việc trong lĩnh vực tiếp dân không chỉ thạo các văn bản pháp quy trong lĩnh vực của mình, mà còn phải nghiên cứu, tìm hiểu thêm các lĩnh vực có liên quan để bổ trợ tốt nhất cho công việc khi có tình huống phát sinh mà người dân yêu cầu được giải thích.
Quang cảnh buổi tập huấn
Khả năng giao tiếp lại là một kỹ năng mềm rất quan trọng. Để phát hiện được người có kỹ năng giao tiếp tốt, đặt để vào đúng công việc đòi hỏi người lãnh đạo phải sáng suốt, có đánh giá chính xác về điểm mạnh và yếu của mỗi cán bộ. Vì thế, kiểm soát tốt cảm xúc cũng là một kỹ năng đòi hỏi cao ở cán bộ tiếp dân nên đối với lực lượng này chữ "nhẫn" luôn phải đặt lên hàng đầu. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc luôn được chấm điểm cao trong phong cách phục vụ, đồng thời cũng dẫn đến mất điểm nhất trong mắt người dân.
Như đã nói, cán bộ tiếp dân là "mặt tiền" của đơn vị nên sự thân thiện, gần gũi với nhân dân cần đặt thành mục tiêu mấu chốt. Cán bộ phục vụ dân ngoài làm tốt chuyên môn, phải luôn biết lắng nghe phản ánh trái chiều của dân, thấu hiểu cảm xúc của họ để giải quyết công việc một cách thấu đáo, đạt tình, vẹn lý mà vẫn bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Sự thân thiện ở đây đó là sự kết hợp hòa quyện của thái độ mền dẻo, ngôn ngữ nhẹ nhàng, nụ cười thân thiện, hành vi chuẩn mực và kiến thức chuyên môn đủ vững, đủ tự tin để giải quyết những tình huống khó. Mỗi CBCS CA "vì nhân dân phục vụ” là phải luôn thay đổi tư duy, sẵn sàng phục vụ tận tình, thân thiện, xem trọng cảm xúc, yêu cầu của người dân. Khi cán bộ tiếp dân giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác, lại có thái độ ôn hòa, vui vẻ sẽ nhận được sự tin yêu từ nhân dân, từ đó càng làm thắm thiết hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa CA với nhân dân.