Mất hàng chục ngàn tỷ đồng vì dịch Covid-19, ngành vận tải lao đao

Thứ Ba, 17/03/2020 23:31

|

(CAO) Ước tính sơ bộ, thiệt hại cho ngành vận tải cả nước có thể lên tới nhiều chục ngàn tỷ đồng.

Dừng bay, hàng không mất hơn 30.000 tỷ

Đó là con số ước tính sơ bộ của các hãng hàng không được Bộ GTVT nêu trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư ngày 17-3. Theo cơ quan này, từ cuối tháng 1-2020, do ảnh hưởng của COVID-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh và đến nay các hãng đã dừng, giảm tần suất hàng loạt chuyến bay, trong đó cắt toàn bộ chuyến bay đi Trung Quốc, Hàn Quốc.

Dịch bệnh Covid-19 khiến ngành vận tải trong nước lao đao

Đường bay Đài Loan cũng bị cắt giảm 25% số chuyến bay, còn 172 chuyến/tuần so với 231 chuyến/tuần, trong đó các hãng Việt Nam cắt giảm 34% chuyến bay (còn 99 chuyến/tuần so với 151 chuyến/tuần cuối năm 2019).

Tương tự, đường bay Hồng Kông cắt giảm 69% số chuyến bay, còn 36 chuyến/tuần so với 115 chuyến/tuần, trong đó các hãng Việt Nam gần như cắt hoàn toàn (92%), chỉ còn Vietnam Airlines bay 4 chuyến/tuần (cuối năm 2019 các hãng bay 47 chuyến/tuần).

Đường bay Nhật Bản hiện chưa cắt giảm chuyến bay (vẫn giữ 160 chuyến/tuần), nhưng khả năng cao sẽ phải cắt giảm trong giai đoạn tới.

Từ thực tế trên, Cục Hàng không VN dự báo, trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4-2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so 2019. Trong số này, các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%). Tổng vận chuyển đạt 48 triệu khách (giảm 9,2 % so cùng kỳ).

Nhiều đườg bay phải tạm dừng khai thác
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép Bộ ban hành chính sách hỗ trợ giá dịch vụ hàng không cho các hãng hàng không Việt Nam, cụ thể từ 1-3 đến 31-5-2020 áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa.
Chính sách này có thể điều chỉnh tuỳ theo diễn biến của dịch bệnh. 
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong khoảng thời gian trên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (ACV, VDO và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không khác) thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác…

Trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6-2020, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6 % so 2019, trong đó các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2 %) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17 % so cùng kỳ).

Nhiều chuyến tàu biển báo hoãn

Không chỉ hàng không, lĩnh vực hàng hải cũng chung số phận khi số lượng tàu thuyền vận chuyển hàng hóa vào, rời cảng biển Việt Nam của Quý I/2020 so với Quý I/2019 giảm khoảng 15%, chủ yếu các tuyến từ Trung Quốc - Việt Nam.

Các chuyến tàu biển chở hành khách từ các quốc gia trên thế giới đến Việt Nam cũng có số lượng hủy chuyến lớn, ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục hủy chuyến trong tháng 4/2020 do tác động của dịch COVID-19. Báo cáo của các công ty khai thác cảng hành khách cho thấy, các tàu du lịch lớn đang báo hoãn các chuyến tàu trong tháng 2 và các tháng tiếp theo do sự bùng phát của dịch virut Covid-19 trên toàn cầu, do đó chắc chắn có sự sụt giảm lượng hành khách trong tháng 2 và các tháng tiếp theo.

Nhiều chuyến tàu thuỷ phải huỷ, hoãn 

Môt báo cáo từ Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho hay, trong tháng 2/2020 chỉ tiếp nhận 6 lượt tàu khách quốc tế ra, vào (3 chuyến) bằng 38% so với cùng kỳ năm 2019 (tháng 2/2019 có 16 lượt).

Tại Huế, một số hãng tàu đã hủy chuyến đến cảng Chân Mây, dự kiến chỉ còn 33 chuyến tàu khách tới cảng với 71.491 hành khách (giảm 15 chuyến với 39.758 hành khách). Tính đến hết tháng 2 năm 2020 có 14 chuyến tàu khách đến cảng Chân Mây với 30.356 hành khách (giảm 3 chuyến và 9.455 khách so với dự kiến ban đầu).

Từ tháng 3 đến hết tháng 5-2020, nơi đây dự kiến có 16 chuyến tàu khách với 39.263 hành khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, đại lý hàng hải thông báo hủy 13 chuyến tàu khách đến cảng Chân Mây, chỉ còn 3 chuyến với 7.901 hành khách.

Tương tự, vận tải hàng hóa đường thuỷ nội địa cũng chỉ đạt đạt 24,11 triệu tấn, mức luân chuyển hàng hóa đạt 5.264,8 triệu tấn.km, giảm lần lượt là 10,7% và 8,8% so với tháng 1 (thời điểm trước khi có dịch bệnh).

Vận tải hành khách đạt 16,69 triệu hành khách giảm 2,0% so sánh với cùng thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện.

Còn trong lĩnh vực đường bộ, 4. Ảnh hưởng đến lĩnh vực đường bộ kể từ thời điểm xảy ra dịch, tình hình vận chuyển hành khách, hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều bị ảnh hưởng trực tiếp. Các tiêu chí về lượt xe (xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, du lịch), sản lượng khách, vận tải hàng hóa, doanh thu đều giảm mạnh từ 40% - 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Với đường sắt, tình hình cũng ảm đảm không kém khi có tới 152 chuyến tàu khách phải dừng. Tổng thiệt hại về doanh thu do tác động của dịch bệnh Covid - 19 (từ ngày 25-1 – 25-2-2020) đối với lĩnh vực này vào khoảng 90 tỷ đồng. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng và doanh thu vận tải hàng hóa sâu hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang