Nghiên cứu, bổ sung tội trốn đóng BHXH và chiếm dụng tiền BHXH

Thứ Ba, 19/05/2015 03:12  | Hải Triều

|

(CATP) Chính phủ cho biết, cơ quan này đang chờ xin ý kiến chuyển kinh phí từ ngân sách vào quỹ BHXH bắt buộc để đóng BHXH cho thời gian làm việc trước năm 1995 đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1-1-1995.

Trong báo cáo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 gửi tới Quốc hội mới đây, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội sớm có hướng dẫn trong việc thực thi pháp luật về lao động đối với những nội dung liên quan đến đóng và hưởng BHXH. Đặc biệt, theo đề nghị của Chính phủ, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung vào Bộ luật Hình sự hai tội danh là trốn đóng BHXH và chiếm dụng tiền BHXH của người lao động, trong trường hợp trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.

Theo Chính phủ, tính đến cuối năm 2014, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 11.451.530 người, tăng 5,16% so với cùng kỳ năm 2013 (tăng khoảng 562.197 người). Số nợ BHXH năm 2014 là 5.578 tỷ đồng, bằng 4,93% tổng số phải thu, giảm 10,8% so với năm 2013, tương ứng với số nợ giảm là 678 tỷ đồng. Doanh nghiệp có vốn nước ngoài và tổ chức nước ngoài có số nợ nhiều nhất.

Theo văn bản số 159/BC-BTC trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội được gửi từ cuối tháng 4-2015, để giảm bớt khó khăn, áp lực cho ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã đề nghị thực hiện theo phương án Nhà nước xác nhận số tiền phải chuyển vào quỹ BHXH bắt buộc là 22.090 tỷ đồng (tiền gốc) và thực hiện tính lãi đối với số tiền gốc chưa chuyển kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ có quyết định về xác nhận số tiền gốc nêu trên (tiền lãi tính theo lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng thời điểm), còn việc chuyển tiền gốc vào quỹ BHXH được thực hiện vào thời điểm thích hợp, tùy thuộc khả năng ngân sách nhà Nước.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang