Trước việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá phi lý ở biển Đông

Biển đảo của ta, ta cứ ra khơi

Thứ Hai, 18/05/2015 11:44  | Xuân Hoài - Minh Phú

|

(CATP) Những ngày gần đây, Trung Quốc lại ra thông báo cấm đánh bắt cá trong phạm vi 2 triệu km2 (2/3 diện tích biển Đông) trong thời gian từ 16-5 đến ngày 1-8. Khu vực cấm này gồm cả quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Đây là yêu cầu phi lý, khiến dư luận, ngư dân Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế bức xúc, bất bình.

KHÔNG ĐÁNG QUAN TÂM

Trao đổi với báo CATP , ông Trần Văn Lĩnh- Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho rằng: “Năm nào Trung Quốc cũng “làm trò” (cấm đánh bắt trên biển Đông) nhưng ngư dân không mấy quan tâm, bởi việc cấm đó không có hiệu lực. Tuy nhiên, nhà nước ta cũng cần có chính sách, cách thức hợp lý để hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá xa khơi không bị tàu Trung Quốc quấy phá”.

Những ngày gần đây có hiện tượng tàu cá Việt Nam đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi. “Ngư dân mình nên đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, phát hiện có vấn đề gì bất thường thì báo cho cơ quan chức năng để kịp thời hướng dẫn, xử lý”- ông Lĩnh nhấn mạnh.

Vợ chồng anh Trần Văn Vốn (SN 1975) và chị Huỳnh Thị Như Hoa (SN 1977, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chủ tàu ĐNa-90657 (tàu thay thế tàu ĐNa-90152, bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào ngày 26-5-2014 tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam) cho rằng, những ngày gần đây anh em ngư dân báo về khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa đã bị tàu của Trung Quốc xua đuổi, khiến việc khai thác hải sản bị ảnh hưởng rất nhiều.

“Mình đánh bắt trong vùng biển của mình thì không sợ gì tàu Trung Quốc, nhưng họ làm khó mình khiến anh em ngư dân cực kỳ bức xúc. Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp can thiệp để ngư dân yên tâm bám biển ra khơi ”, chị Hoa nói.

Bất chấp yêu cầu phi lý của Trung Quốc, ngư dân Việt Nam vẫn kiên trì bám biển

Còn ngư dân Lê Văn Sang (SN 1985, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng), chủ tàu vỏ sắt SANGFISH 01 và hai tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung (người vừa được vinh danh 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu toàn quốc) chia sẻ, tàu vỏ thép của anh đã đi được mấy chuyến biển, hiện đang khai thác công năng rất tốt. Dịp này đang vào vụ cá nam nên hiệu quả khai thác rất cao.

“Việc Trung Quốc ra lệnh cấm như vậy hết sức phi lý. Anh em ngư dân chẳng thèm quan tâm, bởi lâu nay mình vẫn cứ đánh bắt ở ngư trường của mình, đánh bắt ở những vùng của nước mình và hợp pháp nên chẳng phải ngần ngại gì. Anh em chúng tôi ngoài khơi cũng đoàn kết lắm, mỗi lần có việc gì là liên hệ, hỗ trợ cho nhau”, anh Sang bày tỏ.

Tại Đà Nẵng, hiện có 1.174 tàu trên 90CV trở lên, trong đó có 300 chiếc trên 400CV. Hiện Đà Nẵng đã có gần 90 tổ đội sản xuất được thành lập có trang bị đầy đủ các phương tiện liên lạc để kịp thời nắm bắt thông tin thời tiết và hỗ trợ nhau trong quá trình bám biển đánh bắt. Mới đây, chính sách đóng mới tàu cá được nhiều ngư dân hưởng ứng. Đà Nẵng cũng đã có 24 hồ sơ đăng ký, hiện cơ quan chức năng đang lập thủ tục để sớm thực hiện chủ trương này.

“LỆNH CẤM” KHÔNG KHÔNG GIÁ TRỊ

Vẫn không ngơi tay cùng các ngư dân khác hối hả đưa đá lạnh, nguyên liệu và lương thực xuống tàu chuẩn bị cho chuyến ra khơi, chủ tàu Nguyễn Vi (47 tuổi, trú thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) phẩy tay: vùng biển mà chúng tôi đánh bắt là Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thì có liên quan gì đến lệnh cấm của Trung Quốc ?. Chiều nay (18-5), chúng tôi sẽ ra khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Đây là chuyến thứ ba của chúng tôi đến đây trong năm.

Chủ tàu Bùi Ngọc (46 tuổi, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) thẳng thắn: “Năm nào phía Trung Quốc chẳng đưa ra lệnh cấm phi lý đó. Vì vậy ngư dân Quảng Ngãi chẳng mấy ai quan tâm ”.

Còn ngư dân Lê Văn Nam (27 tuổi, ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa) bày tỏ: bây giờ ra khơi, ngư dân không còn đơn độc như trước nữa. Bởi lẽ bên cạnh chúng tôi còn có lực lượng cảnh sát biển, rồi lực lượng kiểm ngư... luôn hỗ trợ mà. Vì vậy không gì phải sợ lệnh cấm phi lý ấy.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, không ngần ngại chia sẻ: “Khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vùng biển đánh bắt truyền thống từ bao đời nay của ngư dân đảo Lý Sơn thuộc chủ quyền Việt Nam. Vì vậy lệnh cấm đánh bắt ở biển Đông bao gồm cả hai khu vực này mà phía Trung Quốc đưa ra, đối với chúng tôi là là không giá trị”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn xác nhận: toàn huyện hiện có khoảng 415 chiếc tàu đánh cá, với tổng công suất trên 56.750CV, tổng sản lượng đánh bắt hằng năm đạt trên 34.700 tấn hải sản các loại. Trong số 217 tàu thuyền đánh bắt xa bờ (từ 90CV trở lên), có khoảng 150 chiếc đánh bắt ở vùng biển truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa. Trong quá trình hoạt động tại hai vùng biển này, thời gian qua nhiều tàu thuyền của Lý Sơn bị phía Trung Quốc ngăn cản, tịch thu nhiều phương tiện, ngư cụ trái phép. Riêng từ năm 2014 đến nay có 22 chiếc, gây thiệt hại trên 3,1 tỉ đồng.

“Thế nhưng ngay trong thời điểm khó khăn nhất, ngư dân Lý Sơn vẫn luôn có mặt và hoạt động đánh bắt tại vùng biển truyền thống của mình là Hoàng Sa và Trường Sa”, bà Hương khẳng định.

 

Bình luận (2)

hoang sa - truong sa la cua chung ta - dat nuoc va con nguoi chung ta da qua khoan dung - do luong va khong the noi het bang loi - dhoang sa - ttruong sa cua viet nam thi tat ca cong nhan viet nam co quyen thua huong va khai thac !

dangthanhkhoa - Thứ Tư, 20/05/2015, 07:52 Trả lời | Thích

Rừng vàng, biển bạc của Việt Nam, chúng ta phải kiên quyết giữ gìn.

Anh Ba - Thứ Hai, 18/05/2015, 12:29 Trả lời | Thích
Lên đầu trang