(CATP) Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến địa chỉ 219/2 Bạch Đằng, P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, Bình Định thăm ông Lê Quả - một cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán miền Nam Việt Nam tại Trung Quốc trước năm 1975.
Sinh năm 1926 tại xã Mỹ Đức (nay là xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, Bình Định), mới 21 tuổi, chàng thanh niên Lê Quả đã trở thành cán bộ chiến lược của một đơn vị cách mạng được “cài” lên Gia Lai và Kon Tum sống với đồng bào thiểu số bắc Tây nguyên hoạt động cách mạng.
Năm 1952, Lê Quả được biên chế sang Tiểu đoàn 108, Trung đoàn 120 (đơn vị chủ lực của Quân khu 5).
Ông Lê Quả (thứ năm, từ phải sang) cùng cán bộ Đại sứ quán miền Nam Việt Nam chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1973)
Ngày 28-10-1954, Lê Quả xuống tàu rời quê hương tại bãi biển Quy Nhơn để tập kết ra Bắc. Điểm đến của các cán bộ, chiến sĩ miền Nam là một đơn vị quân đội tại Nghệ An, rồi di chuyển tiếp ra Thanh Hóa, tiếp đó có lệnh của cấp trên di chuyển tới huyện Đông Triều (Quảng Ninh) để tăng gia làm nông nghiệp.
Sau đó, ông Lê Quả được cử đi học cấp 3 và được phân công về vụ 1A - Ban Thống Nhất, làm nhiệm vụ ngoại giao miền Nam trên đất Bắc.
Trong thời gian làm việc tại thủ đô Hà Nội, ông Lê Quả vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên khi mới về Ban Thống Nhất, ông tìm đường tới vườn Bách Thảo. Nhưng lạc lối vào cổng sau Phủ Chủ tịch. Thấy Bác đang đứng trong vườn, Lê Quả xúc động quá không nói nên lời.
Trông thấy ông, Bác hỏi cháu đi đâu đấy? Sau khi nghe Lê Quả trả lời, Bác nói: “Chỗ cháu làm có nhiệm vụ là thống nhất nước nhà, công việc đó rất quan trọng, cần sự nỗ lực của nhiều người, trong đó có cháu đấy nhé!”. Nói xong, Bác chỉ đường cho ông tới vườn Bách Thảo.
Lần thứ hai là vào năm 1960, Lê Quả đưa đoàn đại biểu miền Nam từ địa chỉ 56 Quốc Tử Giám đến nhà hát lớn Hà Nội bằng ôtô để dự bầu cử Chủ tịch nước. Tại đây, ông được nghe ông Hoàng Văn Quang - Trưởng ban bầu cử giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lê Quả được nhìn thấy vị cha già kính yêu của dân tộc ở khoảng cách rất gần.
Lần thứ ba là năm 1962, Lê Quả cùng đi với đoàn đại biểu miền Nam đến Phủ Chủ tịch để báo cáo tình hình chiến trường miền Nam. Ông xúc động được Bác Hồ bắt tay, dặn dò thân mật. Đó là những tình cảm tốt đẹp nhất của vị lãnh tụ dân tộc theo suốt cuộc đời ông. Người cán bộ này không bao giờ quên lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm cách mạng không được kể công, mà công đó thì phải để dân biết”.
Làm việc tại Ban Thống Nhất, ông được học cả tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc để phục vụ công tác sau này. Năm 1972, ông được phân công đi nhận nhiệm vụ làm tiếp tân cho Đại sứ quán miền Nam Việt Nam tại Trung Quốc.
Ít tháng sau, ông tháp tùng bà Nguyễn Thị Thanh Ngân (đại biểu miền Nam) đi quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Cuối năm này, ông tháp tùng bà Nguyễn Thị Bình, đại diện phụ nữ miền Nam (sau này là Phó chủ tịch nước) đi thăm Liên Xô và Angiêri.
Phóng viên hỏi chuyện ông Lê Quả (bìa trái) - Ảnh: Báo CATP
Năm 1973, tại sân bay Bắc Kinh (Trung Quốc), Lê Quả vinh dự đón chuyên cơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi công tác tại Angiêri trở về. Đại tướng nghỉ một đêm tại trụ sở Đại sứ quán miền Nam Việt Nam tại Trung Quốc trước khi về nước vào hôm sau bằng tàu hỏa.
Ấn tượng của ông là lời dạy của Đại tướng: “Làm cách mạng rất nhiều việc, làm rồi phải kiểm tra lại, chớ khinh suất sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt”.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại quê nhận nhiệm vụ mới ở Ty Xây dựng Nghĩa Bình (cũ) rồi về Ngân hàng Đầu tư và phát triển công tác cho đến năm 1983 thì nghỉ hưu.
Hiện nay ông là Bí thư Chi bộ KP1, P.Hải Cảng (đã ba nhiệm kỳ). Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng niềm tin của bà con khu phố dành cho vị cựu cán bộ ngoại giao vẫn vẹn nguyên. Trên tường nhà ông, chúng tôi thấy lấp lánh rất nhiều huân, huy chương, ảnh lưu niệm, trong đó có Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Năm 2013, sau khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ông làm bài thơ xúc động: “Anh đã đi rồi, anh Cả ơi/Giang sơn Tổ quốc nhớ ơn người/Dân tộc anh hùng luôn rạng rỡ/Đại tướng lừng danh khắp muôn nơi...”.
Đối với ông, hình ảnh và lời dạy của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn in sâu trong tâm khảm. Dù với cương vị nào, ông cũng luôn thấm thuần những lời dạy đó, tận lực cống hiến và phục vụ cho đất nước, nhân dân.