Thuyết khách với chai Martell

Chủ Nhật, 10/05/2015 07:04  | Ngân Linh

|

​(CATP- Số đặc biệt 30-4) Những ngày cận kề kết thúc chiến tranh, để giảm tính ác liệt của cuộc chiến, đại tá Đỗ Thạnh (Ba Dũng) - Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Ủy viên Ban An ninh T4, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ chính trị - Công an TPHCM, đã thực hiện một cuộc thuyết khách với thiếu tướng Tư lệnh Biệt động quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH).

Cuộc đàm phán chỉ diễn ra nửa tiếng đồng hồ nhưng đầy táo bạo, gay cấn. Cuối cùng đã đi đến một giao kết: án binh bất động.

Sáng sớm 21-4-1975, quân giải phóng tấn công phòng tuyến Xuân Lộc. Ngụy quân, ngụy quyền tháo chạy và tan rã hoàn toàn, tuyến phòng thủ cuối cùng cũng bị đập tan, cửa ngõ tiến về Sài Gòn được mở toang. Người chết nằm đầy đường, nhất là hình ảnh một phụ nữ đứt cánh tay nằm bên lề đường khóc thét luôn ám ảnh ông Ba Dũng.

Anh hùng LLVT Đỗ Thạnh tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn minh mẫn sáng suốt - Ảnh: Báo CATP

Nhận định tình hình sẽ ác liệt, nếu quân địch tử thủ chiến đấu đến cùng thì sẽ tái diễn lại cảnh thương vong của Tết Mậu Thân 1968, ông Ba Dũng đã đi đến một quyết định hết sức táo bạo, nguy hiểm là thuyết phục viên tướng tư lệnh biệt động quân ra lệnh cho binh lính án binh bất động, chờ quân giải phóng đến bàn giao.

Trong thâm tâm, ông Ba Dũng chỉ nghĩ thuyết phục đến đâu hay đến đó, làm sao tránh đổ máu cho đồng bào là điều hạnh phúc nhất.

Qua cơ sở của mình là một đại tá Biệt động quân, ông Ba Dũng bắn tin cho viên thiếu tướng: “Cán bộ Mặt trận Giải phóng muốn gặp anh”. Trước khi làm động tác này, ông Ba Dũng theo dõi sát tình hình chiến sự và rà soát các mối quan hệ của viên tướng.

Ông nhận thấy viên tướng này với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không thân với nhau. Ông ta đang bị “đì” nên có sự bất mãn, chống đối, đây là một lợi thế để ông Ba Dũng khai thác.

Sau đó, đại tá này báo lại là viên tướng đồng ý gặp ông Ba Dũng. Lúc này, ông Ba Dũng mới nhờ cơ sở của mình, một đại gia, cha của viên đại tá, cơ sở sắp xếp một cuộc gặp. Ông này là nhà tư sản rất uy tín với chế độ VNCH, chủ hãng ôtô buýt vàng.

Vào dịp cuối tuần, các tướng tá thường hay tụ tập tại căn biệt thự rất lớn của ông trên đường Hồ Biểu Chánh để nhậu nhẹt, bình luận tình hình chiến sự, kể cả Phó thủ tướng Trần Thiện Khiêm cũng có lần đáp trực thăng đến đây. Những lần như vậy, ông còn có biệt danh “ông già Martell” hay đưa ra nhận định với các tướng tá: “Tụi bây thua quân cách mạng là chắc chắn”.

Những lời chê bai làm cho các tướng lĩnh tức giận nhưng chẳng làm gì được ông. “Ông già Martell” rất có cảm tình với cách mạng, nhờ việc gì ông cũng hết lòng giúp đỡ. Ông Ba Dũng yên tâm khi có sự giúp đỡ của “ông già Martell”.

Điều mà ông Ba Dũng không bằng lòng với “ông già Martell” là có hơn chục bà vợ và rất nhiều con, cháu chắt. Ở tuổi trên 70, nhưng “ông già Martell” đang sống với người vợ sau cùng chỉ hai mươi mấy tuổi và có một đứa con nhỏ.

Chiều 24-4-1975, căn biệt thự của “ông già Martell” được sửa sang, dọn dẹp ngăn nắp, gọn gàng. Không như mọi ngày ồn ã, nay căn biệt thự bỗng vắng lặng lạ thường. Ông Ba Dũng nhẹ nhàng đẩy cánh cổng bước vào, “ông già Martell” đứng đợi sẵn ở sân.

Mọi ngày ông đều mặc xà-rông ở nhà, hôm nay ông vận bộ vest đen rất lịch sự. Ông Ba Dũng vui vẻ chào: “Chà, hôm nay anh Hai bảnh bao quá ta!”. Ông già đáp lễ: “Có khách đặc biệt mà”. Vài phút sau, năm chiếc xe quân sự ầm ập đỗ trước cổng biệt thự.

Ông Ba Dũng đang lo lắng và suy nghĩ mông lung, cơ sở báo với mình là viên tướng này thường đi một mình sao bây giờ có cả xe lính bảo vệ và xe thông tin điện đàm, hay là chúng đến bắt mình đây, điều này cũng có thể xảy ra. Đột nhiên, từ trên xe viên tướng nhảy xuống, phất tay đuổi hết đám lính đi nơi khác rồi đẩy cổng bước vào. Ông Ba Dũng thở phào nhẹ nhõm.

“Ông già Martell” dẫn hai vị khách ra dãy nhà dài ở giữa rất rộng, chỉ có một bàn tiệc vài đồ nhấm và trên đó có một chai Martell để sẵn. Đây là nơi ông dùng để làm tiệc chiêu đãi khách, mọi khi thì rất ồn ào nhưng hôm nay không một bóng người, ông ta cho vợ con di tản đi nơi khác hết.

Ông Ba Dũng bắt tay chào viên thiếu tướng rồi mời ngồi. Khi hai bên đã an tọa, Ông Ba Dũng bắt đầu: “Chúng ta gặp nhau đường đột như thế này chắc là rất khó nói chuyện”. Viên thiếu tướng vẫn im lặng không nói gì. Ông Ba Dũng bắt đầu phân tích tình hình chiến sự.

Quân giải phóng đã siết chặt vòng vây, năm cánh quân đã áp sát cửa ngõ Sài Gòn. Phòng tuyến Xuân Lộc mà các anh thiết lập cuối cùng để bảo vệ Sài Gòn đã bị Quân giải phóng đập tan cách đây ba ngày. Các anh không còn gì để chống cự nữa, chắc chắn sẽ thua”. Viên tướng vẫn ngồi im lặng lắng nghe.

Ông Ba Dũng đánh đòn quyết định: “Đại diện Mặt trận thành phố, tôi khuyên anh nên đầu hàng, ra lệnh cho binh lính án binh bất động, không được nổ súng chống lại, bàn giao Bộ Tư lệnh khi Quân giải phóng đến”. Viên tướng đáp: “Dạ!”.

Ông Ba Dũng tiếp tục phân tích, nếu chiến sự đánh nhau ác liệt sẽ dẫn đến cảnh đổ máu chết chóc, thiệt hại cũng của đồng bào mình chứ không phải của ai đâu. Viên thiếu tướng vẫn im lặng, ánh mắt không còn dữ dằn theo kiểu nhà binh khi có điều gì đó không bằng lòng, bây giờ dịu hẳn và có vẻ hơi buồn.

Một khoảng lặng kéo dài, không ai nói một lời. Ông Ba Dũng nghĩ im lặng có nghĩa là đồng ý. Ông Ba Dũng đứng lên cầm chai Martell khui ra, rót vào hai ly. Tiếng cụng ly vang lên: “Chúng ta uống với nhau ly rượu này là giao kết thực hiện những điều đã nói ra”, Ông Ba Dũng nhấn mạnh một lần cuối khi kết thúc cuộc đàm phán. Viên tướng vẫn im lặng.

Ông Ba Dũng không biết sau cuộc gặp đó, viên thiếu tướng đã làm gì, chỉ biết rằng lúc đó lực lượng Biệt động quân là lực lượng dữ dằn khét tiếng nhưng thực tế ngày 30-4-1975 đã không có sự chống trả nào đáng kể.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang