(CATP) Năm 1910, Bác Hồ khi đó mang tên là Nguyễn Tất Thành từ trường Dục Thanh (Phan Thiết) vào Sài Gòn. Người được bố trí ở tại cơ sở Liên Thành thương quán số 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn nay là nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, P5Q5.
Căn nhà đã trở thành Di tích lưu niệm Hồ Chí Minh. Tuy đã trải qua bao thăng trầm nhưng vẻ bề ngoài căn nhà không khác nhiều so với những năm đầu thế kỷ 20.
Trong thời gian ở Sài Gòn (1910 - 1911), Nguyễn Tất Thành có gặp gỡ một số nhà nho yêu nước, vừa dạy học, vừa đi làm ở trường thợ máy, đi bán báo ở khu vực thương cảng để tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động và lịch trình các chuyến tàu ra vào cảng Sài Gòn. 9 tháng sống ở Sài Gòn là thời gian quan trọng để Nguyễn Tất Thành tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị tinh thần lẫn vật chất cho việc ra đi tìm đường cứu nước.
Ngôi nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, P5Q5 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở trước khi tới Bến cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước (5-6-1911)
Thời gian ở Liên Thành phân cuộc, Bác đã tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của anh chị em công nhân và tình hình đấu tranh của mọi tầng lớp nhân dân lao động ở Nam Kỳ. Và cũng chính tại Liên Thành phân cuộc, Nguyễn Tất Thành - tức Nguyễn Văn Ba - đã bước vào “vô sản hóa” và sớm giác ngộ về ý thức giai cấp công nhân cho chính bản thân mình. Đầu năm 1911, cụ Nguyễn Quý Anh vào Sài Gòn để điều hành Liên Thành phân cuộc, đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Ba quen biết thêm một số sĩ phu yêu nước ở Nam Kỳ. Nguyễn Văn Ba vui mừng nhận được những tin tức cho thấy từ Bắc vào Nam đều một lòng mong muốn đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho nước nhà.
Qua tìm hiểu về con đường cứu nước và ý chí cứu nước từ nhiều người, anh Ba khi đó càng thêm trăn trở và muốn tìm đến những nơi có thể tiếp thu được đường lối đấu tranh hoàn hảo nhất để giải phóng quê hương. Năm 1911, Nguyễn Văn Ba đã thuyết phục được thuyền trưởng con tàu Latouche Tréville chấp nhận cho một chân phụ bếp trên tàu. Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành với tên giấy tờ là Văn Ba đã theo con tàu Latouche Tréville rời bến cảng, thực hiện được ước vọng bấy lâu là ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Hình ảnh những sĩ phu yêu nước cùng thời và quê nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhà số 5 Châu Văn Liêm hiện nay là căn nhà hai tầng mặt tiền, diện tích gần 33m2, có một trệt, một tầng lầu, cầu thang lên lầu bằng gỗ, mái lợp bằng ngói âm dương. Tầng trệt hiện có bàn thờ Hồ Chủ tịch và những bức hình nhóm sĩ phu yêu nước, những người sáng lập Liên Thành thương quán và hình ảnh Sài Gòn những năm 1910 - 1911, hình con tàu Đô đốc Latouche Tréville và danh sách nhân viên tàu, trong đó có ghi rõ tên Văn Ba (tên Nguyễn Tất Thành khi xuống tàu). Tầng 2 là nơi trưng bày những bức ảnh về Bác Hồ với một số mốc lịch sử nhất định, cũng như giới thiệu về lịch sử phát triển TP.Hồ Chí Minh.
Chị Trần Thị Quyên, cán bộ phụ trách tại đây cho biết: “Liên Thành phân cuộc là nơi đã ghi dấu những ngày lưu lại của Nguyễn Tất Thành khi đặt chân lên đất Sài Gòn, là nơi mà Bác đã sống và làm việc như một người phu khuân vác thực thụ, để tìm hiểu đời sống người dân lao động và tìm phương cứu nước. Chính tại khu nhà số 1-2-3 Quai Testard, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã khởi đầu sự nghiệp vĩ đại: Giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân đế quốc, giành độc lập, tự do cho đất nước”.
Bộ Văn hóa thông tin đã xếp hạng ngôi nhà số 5, Châu Văn Liêm là Di tích lịch sử quốc gia, tại Quyết định số 1288-VH/ QĐ ngày 16-1-1988. Với ý thức bảo tồn di tích lịch sử, Đảng bộ, chính quyền quận 5 và ngành Văn hóa thông tin đã nhiều lần trùng tu căn nhà này, sưu tầm và trưng bày những tài liệu, hiện vật có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là quãng đời thanh niên của Người.