Từ 1/9/2019: Trốn đóng bảo hiểm sẽ bị xử lý hình sự

Thứ Sáu, 16/08/2019 15:12

|

(CAO) Ngày 16/8, TAND tối cao tổ chức công bố Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều trong xử lý tội phạm về bảo hiểm.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh: Thực hiện pháp luật về bảo hiểm, trong 5 năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. T

uy nhiên, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại buổi lễ

Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh là: Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; Tội gian lận bảo hiểm y tế; Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Việc bổ sung này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong TAND, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về Tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

Nghị quyết đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 25/6/2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2019.

Quang cảnh buổi lễ công bố Nghị quyết

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cho biết, trước đây cần phải có uỷ quyền của người lao động tại doanh nghiệp thì công đoàn cơ sở mới khởi kiện chủ sử dụng lao động với hành vi trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vì đó là cơ chế uỷ quyền khởi kiện dân sự.

Tuy nhiên, từ 1/1/2018, những hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là tội phạm hình sự. Do đó, trong Nghị quyết nêu rõ: Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215, 216 Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan bảo hiểm xã hội gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Còn đối với tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang