Hai Bộ trưởng giải trình về 80.000 tỉ đội vốn tại 5 dự án đường sắt đô thị

Thứ Năm, 15/08/2019 15:39

|

(CAO) Chất vấn Bộ trưởng Tài chính, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu câu hỏi về trách nhiệm khi để 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn tới trên 80.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu Phan Thái Bình, trong điều kiện nguồn vốn trong nước còn khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn thì việc sử dụng vốn vay ODA đầu tư cho 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều chậm tiến độ dẫn đến đội vốn trên 80.000 tỷ đồng để lại câu hỏi lớn.

“Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý, điều hành, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong thời gian qua và giải pháp nào để khắc phục trong thời gian tới” – đại biểu Bình chất vấn.

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm về 5 dự án đường sắt đội vốn

Đáp từ đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Nghị định của Chính phủ, trước 1-1-2018, chức năng quản lý nhà nước về ODA thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Ngay cả Nghị định 132/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16/2016/NĐ-CP cũng như vậy; chỉ có 01 điều được sửa là Bộ Tài chính đầu mối đàm phán, ký kết các hiệp định.

Còn trước khi Luật Quản lý nợ công có hiệu lực, những vấn đề về chủ trương đầu tư, ký kết hiệp định, điều chỉnh dự án, phân bổ dự toán… thuộc Bộ KHĐT quản lý theo sự phân công của Chính phủ. Bộ Tài chính, kể cả theo Luật mới và trong Nghị định 132, chỉ là đầu mối ký kết.

“Chúng tôi cho rằng điều đó chưa thực sự phù hợp với Luật Quản lý nợ công, đầu mối chỉ là đàm phán, ký kết, còn đầu tư bao gồm rất nhiều khâu, từ chủ trương đầu tư, giao dự toán…” – ông Dũng phàn nàn.

Theo người đứng đầu ngành tài chính, một trong những nguyên nhân chậm tiến độ là giao dự toán chậm, giao kế hoạch chậm, rồi trong quá trình thực hiện lại điều chỉnh dự án…

Ngoài ra, những vấn đề nội tại như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng... cũng làm ảnh hưởng đến dự án. “Chúng tôi cho rằng vấn đề này cần báo cáo thêm với Chính phủ để có phân công hợp lý hơn, nhất là tới đây khi triển khai Luật Đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua” – ông Dũng nêu quan điểm.

Đề cập đến trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, trước hết thuộc về chủ đầu tư, còn lại là các bộ, ngành có liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án. Ông Dũng cũng thừa nhận: “Chúng tôi có tham gia nên có trách nhiệm liên quan”.

Tham gia làm rõ nội dung này, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nói nguyên nhân chính là do đây là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên Việt Nam thực hiện, nên hiểu biết, kinh nghiệm, năng lực của chúng ta từ vốn đến cơ quan quản lý chưa theo kịp, chưa đáp ứng được.

“Đây là dự án rất lớn, rất phức tạp nên từ lúc phê duyệt cho đến khi triển khai thực hiện đã điều chỉnh tăng vốn rất lớn” – ông Dũng nói.

Dẫn chứng, Bộ trưởng KHĐT thông tin, tuyến đường sắt đô thị thứ nhất của TPHCM đã tăng từ 17.000 đến 47.000 tỉ đồng (số chẵn), tăng đến 30.000 tỉ. Dự án của Hà Nội tăng khoảng 40.000 - 50.000 tỷ đồng.

“Ở đây là chúng ta tính chưa hết, tính chưa đầy đủ nên đội vốn cũng ở chừng mực thôi” – Bộ trưởng Dũng chỉ ra. Tất nhiên, ông Dũng cũng cho rằng dự án càng kéo dài thì chi phí càng phát sinh.

Nêu 4 hệ luỵ từ việc trên (nguồn vốn ở đâu? thẩm quyền phê duyệt? đã tính vào kế hoạch trung hạn chưa? khả năng cấp phát và vay lại của địa phượng thì tỷ lệ như thế nào?), Bộ trưởng Dũng cho biết, hiện các dự án này về mặt thẩm quyền đã rõ. TP.HCM đang tiến hành thẩm định để quyết định phê duyệt điều chỉnh lại dự án trên cơ sở đó thống nhất với Bộ Tài chính về phương án vay và cấp phát giữa nhà nước và địa phương. Nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn cũng đã được cân đối, do vậy, theo Bộ trưởng Dũng, đã có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện.

“Duy nhất là chờ TP.HCM phê duyệt lại các quyết định điều chỉnh này” – ông Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, khi thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn (lĩnh vực tài chính - ngân sách), Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng đã đề cập đến những bất cập trong công tác quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Theo cơ quan thẩm tra, còn tồn tại những dự án sử dụng vốn vay ODA chưa hiệu quả từ khâu huy động (đàm phán hiệp định, điều kiện vay) dẫn đến việc thực hiện, sử dụng vốn kém hiệu quả, tạo ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế (dự án đường sắt Hà Nội - Hà Đông, việc đội vốn của các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tồn tại của một số dự án liên quan đến một số tuyền đường cao tốc).

Uỷ ban thẩm tra cho rằng, cần có phương án xử lý đối với những dự án cụ thể này nói riêng và rút kinh nghiệm chung về việc xây dựng tiêu chí, điều kiện vay thật sự hiệu quả, tránh việc lệ thuộc vào nhà tài trợ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang