Không thể ai cũng chỉ đạo kiểm toán được!

Thứ Hai, 12/08/2019 12:29

|

(CAO) “Nếu quá nhiều chỉ đạo ngoài kế hoạch của kiểm toán thì nghị quyết của QH thế nào”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề trong phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội sáng nay (12-8) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự luật kiểm toán sửa đổi, bổ sung.

Một điểm mới trong dự luật này là bổ sung quy định để thực hiện Luật phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, nội dung này còn đang gây tranh cãi, có ý kiến đề nghị rà soát kỹ để tránh dẫn chiếu quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; có ý kiến đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) không quy định các biện pháp xác minh mà phải thực hiện theo quy định của pháp luật về điều tra, tố tụng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Cũng có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về quyền xác minh, khi nào được xác minh, thủ tục xác minh; có ý kiến lại yêu cầu bám sát các nội dung quy định tại chương II, chương III Luật phòng chống tham nhũng để quy định vào Dự thảo luật việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng ngay chính trong cơ quan KTNN…

Đề cập đến vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải thông tin, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng cần rà soát loại bỏ những nội dung dẫn chiếu lại Luật phòng chống tham nhũng; quy định vào dự thảo Luật việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng ngay chính trong cơ quan KTNN.

Cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu cụ thể hóa các nội dung Luật Phòng chống tham nhũng dẫn chiếu là thực hiện theo pháp luật về kiểm toán.

Đồng tình với quan điểm của Uỷ ban TCNS, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, việc cụ thể hoá là đúng nhưng quy định như thế nào để phù hợp với bản chất, yêu cầu của hoạt động kiểm toán.

“Ví dụ đề nghị xác minh hồ sơ, tài liệu, giải trình rõ những người có liên quan để làm rõ và xử lý trong quá trình kiểm toán có dấu hiệu tham nhũng thì xem có đúng không, KTNN có thẩm quyền điều tra hay không…?” – Chủ tịch Quốc hôi đặt vấn đề.

Theo Chủ tịch Quốc hội nên xem lại ý kiến của Uỷ ban tài chính ngân sách chứ đừng quy định cái gì quá thẩm quyền. “Chúng ta cũng không làm được với bộ máy của chúng ta như thế này” – bà Ngân nhấn mạnh.

Liên quan đến việc xử lý chồng chéo chức năng giữa KTNN và Thanh tra Chính phủ (TTCP), bà Ngân nói, hàng năm kế hoạch kiểm toán được QH thảo luận thông qua. Trước khi trình kế hoạch Tổng KTNN đã trao đổi với các cơ quan liên quan, nhất là bên TTCP.

“Trong quá trình làm nếu phát sinh vấn đề gì thì 2 bên phải có cơ chế, tôi đề nghị yêu cầu trong luật này, thẩm quyền, trách nhiệm, ai phối hợp ai cho rõ” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bà Ngân phản ánh, kế hoạch Kiểm toán đã được phê duyệt nhưng trong thực tế, Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu KTNN phải vào làm cái này, cái kia thì kiểm toán không thể từ chối, nhưng phải xem lại thẩm quyền vì các chỉ đạo này không thể ngang với nghị quyết của QH.

Nhấn mạnh nhu cầu yêu cầu kiểm toán làm là nhu cầu chính đáng, yêu cầu đúng song bà Ngân lưu ý phải có cơ chế thế nào để đưa vào luật, còn nếu không, ai cũng có thể chỉ đạo kiểm toán.

“Nếu quá nhiều chỉ đạo ngoài kế hoạch của kiểm toán thì nghị quyết của QH thế nào? KTNN trước hết phải thực hiện nghị quyết QH. QH giao UBTVQH xem xét việc này, chứ không phải ai cũng có thể chỉ đạo Kiểm toán làm cái này, làm cái kia. Kiêm toán không thể đáp ứng được yêu cầu này mà trước hết là phải bám sát Nghị quyết của Quốc hội” – lãnh đạo Quốc hội tái khẳng định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu giải pháp, để giải quyết việc chồng chéo giữa kiểm toán và thanh tra thì cần minh định cái gì của kiểm toán thì kiểm toán phải làm. Trong hoạt động có chồng chéo thì có cơ chế giải quyết cái đó, còn trước hết Tổng kiểm toán và Tổng thanh tra CP phải ngồi lại với nhau. Trường hợp không giải quyết được thì báo cáo lên cấp cao hơn là UBTVQH và Chính phủ.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phân vân: “Chúng ta đã bàn rất nhiều đến trách nhiệm của đoàn thanh tra, kiểm toán khi đã vào thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện ra, sau này cơ quan điều tra vào lại phát hiện”.

Để làm rõ hơn, bà Nga cho biết, đã có nhiều thực tiễn về việc này, ví dụ cụ thể là 11 đoàn thanh, kiểm tra ở Vinashin nhưng có phát hiện gì, sau này cơ quan điều tra phát hiện ra và những người thanh tra, kiểm tra trước đó lại không chịu trách nhiệm gì.

“Tôi đề nghị, chúng ta đã bàn ở chỗ trong trường hợp nào, cùng hồ sơ, cùng tài liệu thì không khả thi vì cùng hồ sơ, cùng tài liệu còn nói làm gì? Tôi đồng ý như UBTCNS nói nếu sửa như vậy thì đã thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm của đoàn kiểm toán” – nữ Chủ nhiệm phân tích.

Bình luận (0)

Lên đầu trang