TPHCM bàn việc xử lý bãi rác Gò Cát, Đông Thạnh thành khu đô thị

Chủ Nhật, 11/08/2019 09:48

|

(CAO) Ngày 10-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo TP đã có buổi tiếp và làm việc với doanh nghiệp (DN) nghe đề xuất giải pháp xử lý các bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị.

Đề xuất xử lý bãi rác Gò Cát thành khu đô thị

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn TP có 2 bãi rác chôn lấp lớn, đã đóng cửa trên 10 năm là bãi rác Gò Cát (Bình Tân) với diện tích 25ha và Đông Thạnh (Hóc Môn) với diện tích 40ha. Với hai bãi rác này, về quy định tiêu chuẩn môi trường đủ điều kiện để xử lý các chất thải đã chôn lấp và sử dụng quỹ đất phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận buổi làm việc.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng, khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TP về xử lý các bãi rác chôn lấp lâu năm, Sở đã phân tích một số thành phần về rác để khi các nhà đầu tư tiếp cận, TP có hướng đề xuất đầu tư cho đúng.

Theo đó, rác ở bãi rác Gò Cát có 5 thành phần chính gồm: Chất hữu cơ dễ phân hủy trên 800.000 tấn, chất hữu cơ khó phân hủy 700.000 tấn, những sản phẩm nhựa 300.000 - 400.000 tấn, các kim loại khác 60.000 - 70.000 tấn, phần còn lại có đất kèm theo vật liệu bùn chôn.

Vì vậy, dựa vào đề xuất của nhà đầu tư, nguyên tắc xử lý về môi trường, đó là trách nhiệm về môi trường khi xử lý đúng mực thì sẽ tạo ra quỹ đất xử lý cho các mục đích mà theo quy hoạch TP tính toán. Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã làm việc với các nhà đầu tư về xử lý các thành phần chôn lấp nhằm tạo nguồn thu cho việc xử lý bãi rác này.

Cụ thể, bùn đất sẽ được chế biến thành phân hữu cơ, phân vi sinh. Đối với nhựa còn lại sau quá trình chôn lấp, quá trình phân hủy khi đào lên sấy làm khô sạch và theo đề xuất của các nhà đầu tư ép lại thành than đốt phục vụ cho ngành xây dựng và các ngành khác hoặc tái chế nhựa. Về kim loại, các nhà đầu tư trước đây đề nghị làm sạch ép thành bánh phục vụ các công đoạn của ngành khác.

Dưới góc độ nhà đầu tư, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland Nguyễn Công Hồng cho biết: Sau khi khảo sát bãi rác Gò Cát và Đông Thạnh, DN mong muốn TP giao cho DN tiếp cận khảo sát lập phương án thiết kế, tính toán giải pháp công nghệ và đề xuất đầu tư xử lý phần bãi rác.

Đồng thời, TP cho phép DN nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 1/500 để phát triển một khu đô thị ở khu vực này. Bởi vì, nếu chỉ dừng lại ở xử lý rác thì phải huy động nguồn lực tài chính, nếu phát triển công viên hoặc công trình thương mại chậm thu hồi vốn, không có nguồn lực.

Do đó, theo tính toán của DN nếu phát triển đô thị sẽ tạo ra nguồn lực để vừa xử lý vấn đề rác ở khu vực này và cung cấp cho xã hội một khu đô thị mới. Về cơ chế thực hiện, TP thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xử lý bãi rác và phát triển đô thị.

“Nếu được chấp thuận, DN có thể tự tin trong khoảng 2 năm xử lý xong bãi rác Gò Cát và trong khoảng 3 năm sẽ phát triển thành khu đô thị, nếu đấu thầu thành công và được chọn” - ông Nguyễn Công Hồng cam kết.

Liên quan đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho hay: Với đề xuất của nhà đầu, Sở sẽ cung cấp thông số để viết đề án theo yêu cầu đề bài của TP đặt ra. Đối với đề xuất điều chỉnh quy hoạch, đây là chức năng của nhà nước và TP sẽ có chỉ đạo về mặt quy hoạch cụ thể hơn để tính toán giá trị khu đất sau khi làm sạch. Với bài toán về hình thức đầu tư, hiện nay hình thức đầu tư công tư có rất nhiều hình thức và nhà đầu tư cần đề xuất cụ thể để khi TP cho ý kiến về một dự án cụ thể sẽ chính xác và có tính khả thi.

Quang cảnh buổi tiếp và làm việc với DN nghe đề xuất giải pháp xử lý các bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị.

Đảm bảo kỹ thuật môi trường, khả thi cho nhà đầu tư, nhà nước ít tốn tiền

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết: Nhận thức của chính quyền TP trong mấy chục năm qua có chuyển biến tích cực. Trước đây là làm bãi rác, sau đó chôn lấp và cuối cùng là làm công cộng. Tuy nhiên, gần đây TP nhận thức kỹ hơn là có thể xử lý bãi chôn lấp rác được và sử dụng khu vực này trở nên có hiệu quả kinh tế hơn. Chẳng hạn, không chỉ chuyển hóa bãi rác làm công viên cây xanh mà có các hình thức khác như các nhà đầu tư đề xuất làm sân golf, làm nhà ở và một số loại công trình khác có hiệu quả hơn.

“Từ nhận thức này, TP đã có chủ trương rất rõ. Bên cạnh công viên cây xanh, TP đề nghị các quận, huyện, sở, ngành cho ý kiến bổ sung nên có hình thức nào khác mang tính hiệu quả cao hơn và khi có nhu cầu rồi TP sẽ có điều chỉnh quy hoạch để phục vụ cho bài toán kinh tế, TP không tốn tiền thêm mà còn có sản phẩm tốt hơn” - Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Việc triển khai dự án phải theo từng bước và theo hình thức hợp tác công tư, từ quy hoạch chung, ngay cả quy hoạch của TP phải tham khảo ý kiến của người dân, DN, nhà chuyên môn và khi ban hành chính sách phải bàn với DN để phù hợp cho việc triển khai. Cụ thể, quyền quyết định quy hoạch, quyền chọn DN thực hiện là của nhà nước, nhưng phải thu hút sự tham gia của giới khoa học, DN trong quá trình quy hoạch định hướng phát triển, xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện.

Theo Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân, đề xuất xử lý bãi rác chôn lấp lâu năm đã có nhiều người đề xuất nhưng không phải ai cũng làm được nên với đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland dựa trên cơ sở đã làm ở Hải Dương và trong quá trình làm có các cơ quan về môi trường, khoa học - công nghệ tham gia nên có cơ sở khả thi. Đồng thời, khu rác này chẳng những là nơi lưu trữ rác mà còn là tài nguyên phát triển cho TP.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy TP đề nghị DN cùng Sở Tài nguyên và Môi trường TP bàn đưa ra đầu bài đấu thầu xử lý bãi rác, cùng với đó TP nên gặp gỡ các DN đã từng xử lý về rác thải để nhận ý kiến góp ý để đầu bài đưa ra phải đảm bảo về kỹ thuật môi trường, khả thi cho nhà đầu tư, nhà nước ít tốn tiền.

Mặt khác, TP phải quy hoạch lại khu xử lý rác gắn với nhu cầu của quận trở thành một khu đô thị; trong đó khâu quy hoạch phải đảm bảo yêu cầu chung nhưng khi thực thi nhà đầu tư có hiệu quả và nhà nước có lợi. Bên cạnh đó, TP tổ chức thực hiện quy hoạch. Cụ thể, TP sẽ đưa ra các phương án kêu gọi đấu thầu thực hiện dự án xử lý các bãi chôn rác lâu năm.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cũng mong muốn nhà đầu tư tham gia công đoạn đầu là đấu thầu, góp phần hình thành quy hoạch và tham gia đấu thầu triển khai thực hiện dự án khi quy hoạch được duyệt. Nhà đầu tư trình bày với TP về các tiêu chí môi trường xây dựng và TP sẽ tiếp thu trên cơ sở thực tế của TP.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP bàn bạc đưa ra đầu bài đấu thầu xử lý rác và để làm được việc này phải có Tổ công tác làm quy hoạch khu xử lý rác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang