Biến thể Delta và Omicron là mối đe dọa kép

Thứ Ba, 04/01/2022 21:29

|

(CAO) Dù tất cả trường hợp nhiễm biến thể Omicron đã phát hiện đều được quản lý, theo dõi y tế chặt chẽ, song theo Chính phủ, nguy cơ lây lan diện rộng vẫn rất cao. 

Chính phủ nêu nhận định này trong báo cáo phòng, chồng dịch bệnh COVID-19, nhất là việc ứng phó với biến thể mới Omicron; việc lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch.

Báo cáo được gửi tới Quốc hội hôm nay (4/1).

Chính phủ lưu ý vẫn tiềm ẩn nguy cơ lâu lan dịch bệnh trong cộng đồng

Thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, trải qua 4 đợt bùng phát, đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NỌ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới khoảng 15.000 ca/ngày tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đáng chú ý, Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến thể Omicron và nguy cơ Omicron lây lan trên diện rộng là rất cao.

“Thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicron và thậm chỉ sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron” - Bộ trưởng Y tế nhận định.

Dẫn lại lưu ý của WHO, ông Long cho biết, biến thể Delta và Omicron là mối đe dọa kép làm gia tăng các ca mắc từ đó dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng lên đột biến, tiếp tục gây áp lực lớn lên các nhân viên và hệ thống y tế.

Trước nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể Omicron, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp, các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát hiện sớm, ứng phó kịp thời, hiệu quả, trong đó tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận biến thể mới.

“Đến nay, tất cả trường hợp nhiễm biến thể Omicron đã phát hiện đều được quản lý, theo dõi y tế chặt chẽ, phù hợp” – ông Long khẳng định.

Tuy nhiên, do biến thể Omicron đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan, tăng gánh nặng hệ thống y tế và tử vong, vì thế trong nhiệm vụ trước mắt, Chính xác định tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai sớm các chỉ đạo của Bộ Chính trị tại kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021, trong đó thực hiện xã hội hóa nguồn lực phòng chống dịch (vắc xin, thuốc điều trị COVID-19, xét nghiệm với biện pháp thích hợp vào từng thời điểm.

“Trước hết phải tập trung bao phủ vắc xin, từ nay đến hết Quý 1/2022 phải tiêm đủ 3 mũi cho người thuộc diện tiêm chủng”- ông Long nêu trong báo cáo.

Cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 được thu phí trong trường hợp người bệnh tự nguyện. Trường hợp các cơ sở y tế tư nhân được cấp có thẩm quyền huy động tham gia chăm sóc và điều trị người nhiễm COVID-19 thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Thực hiện tăng trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao và các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phù hợp với yêu cầu y tế.

Chính phủ cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn dịch diễn biến phức tạp; bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị, đồng thời tổ chức tốt việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe và điều trị tại nhà.

Chính phủ bảo đảm tất cả mọi người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, tất cả các bệnh nhân COVID-19 được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất ngay tại địa phương, xã, phường, thị trấn.

“Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe” – báo cáo khẳng định.

Vẫn theo Chính phủ, phải thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội xuân Nhâm Dần, trong đó quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người, tổ chức lễ hội.

Các địa phương không bắn pháo hoa nhân dịp năm mới; kiểm soát chặt chẽ người đến và đi từ vùng có dịch và tạo điêu kiện thuận lợi cho người dân di chuyển trong dịp Tết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang