(CATP) "Ngày 2/7/1976, Quốc hội đã quyết định đổi tên TP.Sài Gòn thành TP.Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là mong muốn của người Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ, mà còn là khát vọng của toàn thể đồng bào miền Nam, dân tộc Việt Nam nói chung khi tưởng nhớ về Bác, ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Người”, ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM - nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thành Tài, Sài Gòn là nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Từ bến Nhà Rồng, người con ưu tú của dân tộc mang tên Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu đi khắp năm châu, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc thoát khỏi đêm trường nô lệ. Tình cảm của Bác Hồ đối với miền Nam vô cùng sâu đậm. Bác từng nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Những năm cuối đời, một trong những ước nguyện của Bác là vào Nam thăm lại đồng bào, chiến sĩ và Người đã rèn luyện sức khỏe để thực hiện ý định này.
ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM
Nhà thơ Tố Hữu có những câu thơ rất xúc động về tấm lòng của Bác đối với miền Nam: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà. Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”; hay “Như lòng Bác mỗi khi Bác đọc. Đồng bào miền Nam... mắt kính bỗng nhòa”. Có lẽ đó là một trong những lý do chiến dịch giải phóng miền Nam, giải phóng Sài Gòn được vinh dự mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bởi thế, việc đổi tên từ Sài Gòn thành TP.Hồ Chí Minh là nguyện vọng chung, là sự tri ân sâu sắc của nhân dân miền Nam đối với Bác.
Kỷ niệm 40 năm ngày Sài Gòn mang tên TP.Hồ Chí Minh không chỉ là nhớ lại ý nghĩa của việc đổi tên, mà quan trọng hơn là dịp để chúng ta soi rọi những bài học sống còn, theo đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là những điều đã được cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP tổng kết sâu sắc từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, cũng như trong xây dựng hòa bình. Theo ông Nguyễn Thành Tài, một số bài học lớn là:
1. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trường hợp nào, gian khó, ác liệt, hiểm nguy hay trong hoàn cảnh yên ổn, bình thường, thì điều quan trọng nhất là phải tin dân và dựa vào dân. Trước đây, trong thời đấu tranh chống thực dân, đế quốc, Đảng bộ cũng như các cơ sở cách mạng ở TP.Sài Gòn sở dĩ tồn tại, lớn mạnh được là nhờ được sự che chở, đùm bọc của dân; người dân làm tai mắt, làm cơ sở cho mình. Những thành công thời bình cũng là từ sức mạnh, đóng góp của dân bởi tinh thần chung lưng đấu cật, thông cảm, sẻ chia khi đất nước, TP gặp khó khăn trong quá trình phát triển.
2. Những nhiệm vụ, chủ trương của Đảng và Nhà nước, dù khó đến đâu mà cả hệ thống chính trị có sự thống nhất, đồng lòng quyết tâm vào cuộc, cùng đông đảo người dân tham gia dưới sự chỉ đạo chung, thì tất cả đều có thể vượt qua và giành thắng lợi. Ví dụ như trong trận địa phòng chống tội phạm, nếu chỉ có duy nhất lực lượng công an thì dẫu có đặt hàng ngàn camera cũng không thể theo dõi, quan sát hết được.
3. TP.Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nhưng nếu chúng ta chỉ chú trọng đến kinh tế mà không quan tâm đúng mức đến phát triển văn hóa, vun bồi đạo đức, nhân cách con người; giải quyết phân hóa giàu nghèo, thực hành tiến bộ công bằng xã hội; xây dựng mối quan hệ nghĩa tình, thương yêu chăm sóc lẫn nhau trong xã hội, thì sự phát triển sẽ không thể bền vững.
4. Không được lấy ý chí chủ quan, xem thường quy luật khách quan để đề ra chủ trương, chính sách. Trái lại, phải luôn bám sát thực tiễn, nắm bắt được hơi thở của cuộc sống, tâm nguyện của đông đảo tầng lớp nhân dân, để đề ra các quyết sách đúng đắn.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ - công trình điểm nhấn của TPHCM hôm nay. Ảnh: Vũ Phước
Dịp kỷ niệm 40 năm ngày TP.Sài Gòn được vinh dự mang tên TP.Hồ Chí Minh, nhìn vào những cột mốc vĩ đại của toàn dân tộc kể từ ngày Bác ra đi từ bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước, những thành quả to lớn của Đảng bộ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh thu được, chúng ta càng thấm sâu công ơn trời bể của vị lãnh tụ kính yêu, của đồng bào, cán bộ chiến sĩ đã hy sinh để đất nước và thành phố có được như hôm nay.
Vấn đề còn lại là mỗi chúng ta cần sống và hành động ra sao, để mãi xứng đáng là người kế tục sự nghiệp vĩ đại của Bác, thực hiện trọn vẹn ước nguyện của Người: Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành; xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; sánh vai với các cường quốc năm châu.
| Đại tá Lê Văn Thiện, nguyên Phó giám đốc Công an TPHCM: Sức mạnh lòng dân làm nên thành công “Phải nói ngay rằng thành phố Hồ Chí Minh có bước phát triển như ngày hôm nay, căn bản là nhờ người dân thành phố cương trực và nhiệt huyết” - đây là nhận định của đại tá Lê Văn Thiện, người từng có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, sau đó kinh qua nhiều chức vụ như Trưởng Phòng Cảnh sát trật tự trị an, Trưởng Công an quận Gò Vấp rồi Phó giám đốc CATP cho đến ngày nghỉ hưu. Theo ông, sau ngày giải phóng, thành phố Sài Gòn đứng trước nhiều thách thức, trật tự trị an chưa được thiết lập, các đối tượng phản động không ngừng gia tăng hoạt động chống phá, nạn trộm cắp, cướp giật xảy ra như cơm bữa do các đối tượng tù, trại tràn về. Trong khi đó, chính quyền thành phố còn non trẻ, lực lượng công an còn mỏng, thiếu thốn nhiều phương tiện hỗ trợ tác nghiệp, nên gặp không ít khó khăn trong việc ổn định tình hình, thiết lập trật tự trị an. Đại tá Lê Văn Thiện Rất may, ngay trong giai đoạn nước sôi, lửa bỏng đó, chính quyền, đặc biệt là lực lượng Công an thành phố (CATP) đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của người dân TP.Sài Gòn. Từ nguồn tin, tai mắt của quần chúng, hàng chục băng đảng phản động, hàng trăm băng nhóm tội phạm hình sự đã bị triệt phá, truy tố trước pháp luật. Đúng lúc chính quyền và người dân đang nỗ lực xây dựng lại thành phố, Quốc hội đã quyết định đổi tên Sài Gòn thành “Thành phố Hồ Chí Minh” để tăng cường thêm sức mạnh tinh thần và ý chí cho người dân thành phố non trẻ này. Được vinh dự mang tên vị lãnh tụ kính yêu, niềm tự hào của cả dân tộc, quân và nhân TPHCM đã một lòng dốc sức, nêu cao quyết tâm cùng dựng xây thành phố. Trải qua từng giai đoạn, TP.Hồ Chí Minh không ngừng khẳng định vị trí là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước. |
| Đại tá Mai Văn Tấn - nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM: Vinh dự đi đôi với trách nhiệm Đứng trong hàng ngũ của lực lượng CATP ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng, nên khi hồi tưởng lại thời khắc thành phố thân yêu của mình được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tá Mai Văn Tấn - nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - chia sẻ: Hồi đó, phần lớn nhân dân đều vui mừng, xúc động và cảm thấy thật thiêng liêng khi thành phố được mang tên Người, vị danh nhân văn hóa thế giới. Vinh dự đi liền với trách nhiệm, nên mọi người dân đều nêu cao nỗ lực, quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Là đơn vị chuyên trách của CATP, lực lượng CSHS càng gánh trên vai trách nhiệm nặng nề hơn... Đại tá Mai Văn Tấn Sau ngày giải phóng, lực lượng CATP nói chung và quân số Phòng CSHS nói riêng khá mỏng và khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Trước tình hình ANTT vô cùng phức tạp, để trấn áp tội phạm, Ban giám đốc CATP quyết định thành lập Đội săn bắt cướp (thường gọi là SBC) vào tháng 4-1978. Được tuyển chọn và đào tạo khá khắt khe, cộng với nhiệt huyết dám dấn thân vì nghề nghiệp, nên ngay khi ra đời Đội SBC đã trở thành quả đấm thép của CATP trong trấn áp tội phạm cướp giật trên đường. Hoạt động của Đội SBC mang lại hiệu quả rõ rệt nên từng bước các tổ SBC tại quận, huyện cũng được ra đời. Qua thời gian dài dốc công, góp sức, SBC đã góp phần cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ khác mang lại bình yên cho thành phố. Khi sứ mạng lịch sử không còn phù hợp, đơn vị đã được giải tán, sát nhập vào các phòng ban, nhưng đến nay những cánh chim đầu đàn của lực lượng SBC ngày ấy như Phan Thanh, Lý Đại Bàng, Nguyễn Văn Thành, Mai Văn Tấn, Nguyễn Văn Sự... đã trở thành những huyền thoại trên đường phố. |
| Trung tá Cao Thị Hồng Tươi - Chủ tịch Hội Phụ nữ CATP: Nguyện tiếp bước cha ông Là thế hệ trẻ lớn lên cùng thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, trung tá Cao Thị Hồng Tươi - Chủ tịch Hội Phụ nữ CATP - tự hào chia sẻ: TP.Hồ Chí Minh tròn 40 năm cũng là lúc mình bước sang tuổi 40, lại trùng thời điểm Hội Phụ nữ CATP tổ chức Đại hội Hội Phụ nữ CATP nhiệm kỳ 2016 - 2021, nên xét về góc độ cá nhân hay công việc tập thể, mình đều thấy sự trùng hợp này thật ý nghĩa. Mặc dù chưa có được một bề dày lịch sử đáng tự hào như 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, nhưng TP. Sài Gòn với tính năng động, không ngừng phát triển hơn 300 năm qua, đặc biệt là trong 40 năm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng đáng để người dân đô thị này ngưỡng mộ. Được sống và làm việc trong môi trường hòa bình, hiện đại như thành phố hiện nay, tôi cảm thấy rất may mắn và hãnh diện, nguyện sẽ phấn đấu tiếp bước cha ông để xây dựng quê hương ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình hơn. Trung tá Cao Thị Hồng Tươi Qua tìm hiểu, được biết với tư cách người đứng đầu tổ chức Hội Phụ nữ CATP, chị Tươi cùng Ban chấp hành Hội đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch phải quán triệt thực hiện trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, điển hình như lấy khâu đột phá là xây dựng hình ảnh người phụ nữ CAND thanh lịch, thân thiện, văn minh và vì nhân dân phục vụ. Mục tiêu của khâu đột phá này là giúp chị em nhận thức đúng, đủ nghĩa vụ phục vụ nhân dân là thiêng liêng, là cao cả. Thông qua sự thân thiện, thanh lịch và cầu thị, các chị em CAND sẽ góp phần kéo ngắn khoảng cách giữa người thực thi công vụ với nhân dân, để quần chúng thêm tin cậy, dốc sức cùng công an bảo vệ bình yên cuộc sống. |