Số tiền đưa, nhận hối lộ rất lớn
Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, có hai vụ án gây chấn động dư luận là vụ án Việt Á và vụ án tổ chức những "chuyến bay giải cứu" đồng bào đang mắc kẹt ở nước ngoài.
Đây là hai vụ án gây xôn xao dư luận không chỉ ở quy mô sai phạm, số tiền hối lộ rất lớn mà còn ở tính chất nhạy cảm ngay trong thời gian cả nước và cả thế giới căng mình phòng chống đại dịch Covid-19. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được đưa vào diện theo dõi và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận tại Phiên họp thứ 22 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Động thái mới nhất với vụ án "chuyến bay giải cứu", ngày 27-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật ông Tô Anh Dũng - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Quang Linh - trợ lý Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ và Ban Bí thư đã ra quyết định thi hành kỷ luật khai trừ Đảng đối với hai đương sự trên.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với ông Tô Anh Dũng và ông Nguyễn Quang Linh. Ông Nguyễn Quang Linh lập tức bị bắt tạm giam.
Trước đó, ngày 14-4-2022, Cơ quan An ninh điều tra (CQĐT) - Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về tội "nhận hối lộ". Cùng bị khởi tố, bắt giam về tội danh trên còn có ông Phạm Trung Kiên (SN 1981), chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế và ông Vũ Anh Tuấn (SN 1979), nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Hành vi sai phạm của các bị can xảy ra trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Liên quan đến vụ án này, trước đó, CQĐT đã khởi tố 4 bị can là lãnh đạo Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao về tội "nhận hối lộ" gồm: bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự; Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự; Lưu Tuấn Dũng, Phó phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự. Người bị điều tra về hành vi "đưa hối lộ" là bà Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình.
Hai ông Nguyễn Quang Linh (trái) và Tô Anh Dũng
Kể từ khi khởi tố vụ án "đưa, nhận hối lộ" liên quan đến "chuyến bay giải cứu", hơn 8 tháng qua, CQĐT đã khởi tố, bắt tạm giam 19 bị can, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo liên quan đến Bộ Ngoại giao (5 bị can), Bộ Công an (3 bị can), Bộ GTVT (1 bị can), Bộ Y tế (2 bị can), Văn phòng Chính phủ (4 bị can); lãnh đạo các công ty du lịch với tội "đưa hối lộ" (4 bị can).
Cùng với việc khởi tố các bị can liên quan, CQĐT Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị cung cấp danh sách "chuyến bay giải cứu" phục vụ công tác điều tra vụ án. CQĐT cũng đề nghị Bộ GTVT cung cấp danh sách chi tiết các hãng hàng không, chuyến bay và các công ty, doanh nghiệp đã được cấp phép triển khai các "chuyến bay giải cứu". Cung cấp danh sách cá nhân được phân công để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay "combo", "giải cứu".
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, đầu tháng 12-2021, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đã tổ chức hơn 2.000 chuyến bay, đưa gần 240.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.
Trong thời gian thực hiện các "chuyến bay giải cứu", có nhiều ý kiến cho rằng giá vé các chuyến bay nhân đạo đưa công dân về nước quá cao so với bình thường. Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 20-1-2022, báo chí cũng đặt câu hỏi vì sao là những chuyến bay "giải cứu" nhưng công dân Việt Nam phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn và đặt nghi vấn có hay không chuyện trục lợi từ các chuyến bay "giải cứu". Tuy nhiên khi đó các hãng bay khẳng định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận và cho rằng giá vé cao là do phát sinh nhiều chi phí khác.
Tại cuộc họp báo hồi cuối tháng 6-2022, Người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, với gần 2.000 chuyến bay giải cứu người Việt từ nước ngoài trong chiến dịch "giải cứu", sau khi trừ các chi phí, mỗi chuyến bay các bị can thu lợi bất chính hàng tỷ đồng, số tiền đưa, nhận hối lộ trong vụ án lên đến hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn USD.
4 bị can bị khởi tố trong vụ án "nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
"Đánh đâu trúng đấy, xử anh nào cũng tâm phục khẩu phục"
Không chỉ vụ án "chuyến bay giải cứu", vụ án Việt Á cũng được Ban Chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xử lý. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 95 bị can tại 25 địa phương, đơn vị, trong đó có 2 Ủy viên Trung ương Đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan vụ "thổi giá” kit test của Công ty Việt Á.
Cứ quan sát việc bắt nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh mới thấy rõ quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Tất cả các quy trình về tổ chức thực hiện rất nhanh chóng để có thể bắt tạm giam các bị can nhanh nhất.
Hay như mới đây, vụ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng liên quan đến vụ án Việt Á cũng được xử lý rất nhanh. Ngày 16-9-2022, Bộ Chính trị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ các chức vụ trong Đảng và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Phạm Xuân Thăng. Ngày 17-9-2022, CQĐT Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Phạm Xuân Thăng.
Quy trình, thời gian xử lý các đảng viên tham nhũng, tiêu cực được tổ chức rất nhanh và chính xác, chỉ trong thời gian 2 ngày sau kết luận của Bộ Chính trị, cho thấy quyết tâm chống tham những, tiêu cực của Đảng.
Kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (25-10-2021) nêu rõ quan điểm "kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực". Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần phải xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm đồng thời thúc đẩy tự phê bình, phê bình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Sáng 17-8-2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã họp Phiên thứ 22 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Tại cuộc họp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: Thời gian vừa qua đã tập trung không ít công sức cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày càng kiên trì, bài bản, có kinh nghiệm, hiệu quả cao hơn, theo đúng phương châm là phải làm kiên quyết nhưng rất nhân văn, nhân ái, mở đường để tiến, không vùi dập ai và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao, không chia rẽ, hiểu lầm lẫn nhau.
Tổng Bí thư cho biết, đã có những ý kiến xuyên tạc nói rằng đây là "đánh nội bộ" thì bị bác bỏ hoàn toàn, vì vừa qua "đánh đâu trúng đấy, xử anh nào cũng tâm phục khẩu phục" và điều này ngày càng thể hiện rõ. Sự phối hợp giữa các cơ quan bài bản, nhịp nhàng đã giúp khởi tố thêm nhiều vụ án, vụ việc. Điều này không những không làm nhụt chí mà còn củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cũng chính là động lực thúc đẩy tiến lên, nội bộ ngày càng đoàn kết hơn.
Chỉ cần nhìn qua hai vụ án nêu trên, cũng thấy rõ quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Đảng vững mạnh, trong sạch thì bộ máy chính quyền ngày càng vững mạnh, đất nước mới phát triển nhanh, bền vững.
Hà Nội: Kỷ luật nhiều đảng viên liên quan vụ Việt Á
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 26, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã xem xét việc xử lý những sai phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên tại Đảng bộ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo đó, Đảng ủy Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 có khuyết điểm, vi phạm trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra khuyết điểm, vi phạm trong phối hợp với Học viện Quân y thực hiện thử nghiệm, đánh giá bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.
Kết luận những khuyết điểm, vi phạm trên của Đảng ủy Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã gây dư luận xấu trong xã hội, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Đảng ủy Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đảng ủy viên nhiệm kỳ 2015 - 2020, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Đồng thời thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với nguyên Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y sinh học - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Đảng ủy Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và Sinh phẩm y tế nhiệm kỳ 2016 - 2020 và các đảng viên có liên quan nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và các đảng viên có liên quan, kịp thời khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. Vi phạm được xác định là chưa thực hiện đầy đủ một số nhiệm vụ theo quy chế làm việc của Đảng ủy; không lãnh đạo, chỉ đạo ban lãnh đạo Viện báo cáo Bộ Y tế về kết quả kiểm định trong công tác giám sát, đánh giá chất lượng 2 mẫu sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được cấp số đăng ký tạm thời để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; có khuyết điểm trong việc phân công lãnh đạo Viện tham gia Hội đồng tư vấn theo quy định của Bộ Y tế.
TRÀ MY