Cùng dự buổi Lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang; cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương và TP Hà Nội...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số”
"Bình dân học vụ số" đã sẵn sàng đưa vào khai thác, vận hành trên toàn quốc từ ngày 1/4/2025
Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Văn Long cho biết: Suốt tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác. Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc. Phong trào Bình dân học vụ với chính sách “cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền” sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tương ứng sau 13 năm và 20 năm, đã căn bản xóa xong nạn mù chữ ở vùng đồng bằng và trung du, miền núi miền Bắc - hậu quả do chính sách ngu dân của thực dân Pháp xâm lược. Thành tựu xoá nạn mù chữ là nền tảng đầu tiên, căn bản nhất để cách mạng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đạt được thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.
Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước được xác định là cốt lõi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hình thành nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức; yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao… đã thúc đẩy đổi mới giáo dục trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó.
Chính vì vậy, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và tại Thông báo số 03/TB-BCĐ ngày 06/3/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương thông báo Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban chỉ đạo tại phiên họp lần thứ hai, trong đó giao: “Bộ Công an phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai phong trào bình dân học vụ số để phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân trên Nền tảng số”. Với vai trò là cơ quan thường trực của Đề án 06, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành Nền tảng “Bình dân học vụ số” - nền tảng đào tạo tập huấn quốc gia do Bộ Công an và Đại học Bách khoa triển khai quản lý và vận hành...
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn kỹ thuật kết nối với các nền tảng số khác nhằm phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Với các tính năng ưu việt, nền tảng "Bình dân học vụ số" đã sẵn sàng đưa vào khai thác, vận hành trên toàn quốc từ ngày 1/4/2025.
Phương châm "Triển khai nhanh chóng - Kết nối rộng khắp - Ứng dụng thông minh"
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng phạm Minh Chính nêu rõ, đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hưởng ứng và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào "Bình dân học vụ số".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểuThủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp hiệu quả của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan đã tích cực chuẩn bị tốt cho việc triển khai phong trào này, cũng như công tác thông tin, tuyên truyền để phong trào được triển khai sâu rộng, đều khắp ngay sau Lễ Phát động với tinh thần lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không có ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nếu chúng ta nhận thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số và công dân số toàn diện, toàn trình; từ đó, không thể không có phong trào "Bình dân học vụ số".
Theo Thủ tướng, phong trào "Bình dân học vụ số" có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển đất nước, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Thủ tướng nhắc lại, 80 năm trước, khi đất nước vừa giành được độc lập, hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết, "giặc dốt" trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm (cùng với "giặc đói" và "giặc ngoại xâm"), phong trào "Bình dân học vụ" ra đời với mục tiêu cấp bách là xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"; do đó, việc nâng cao dân trí là nền tảng vững chắc để xây dựng một quốc gia độc lập, hùng cường, thịnh vượng. Và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tại buổi lễ
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các Bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, các doanh nghiệp, trường đại học đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, góp phần vào những thành quả bước đầu hết sức quan trọng. Đây là tiền đề, cơ sở để thực hiện thành công mục tiêu của phong trào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; chuyển đổi quá trình học tập, rèn luyện và ứng dụng tri thức, kỹ năng số trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người; đẩy mạnh cắt giảm chi phí đào tạo, tập huấn; hướng tới miễn phí toàn bộ cho người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tinh thần là "đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người" và với phương châm "Triển khai nhanh chóng - Kết nối rộng khắp - Ứng dụng thông minh".
Thủ tướng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ sở giáo dục, các nhà khoa học, các tổ chức, cộng đồng, tất cả mọi người cùng chung tay tích cực hưởng ứng phong trào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Với quyết tâm chính trị cao, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và khát vọng phát triển mạnh mẽ của dân tộc, phong trào "Bình dân học vụ số" sẽ lan tỏa sâu rộng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, mang lại lợi ích cho mọi người dân và cho quốc gia, dân tộc, tất cả vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu đã thực hiện nghi thức phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" tại địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn.

Hưởng ứng phong trào "Bình dân học vụ số"