(CAO) Về tình hình phòng chống dịch, TPHCM vẫn kiên định với những phương án Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đã đề ra. Phương châm của TP vẫn là “thần tốc”, “truy vết”, “khoanh vùng rộng” và “cách ly hẹp”.
Chiều 28/6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM.
Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Y tế TP, Sở Giáo dục và Đào tạo TP, Sở Thông tin và Truyền thông TP, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.
Thông tin với báo chí về công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 tại TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, trong tuần vừa qua, TP đã hoàn thành tốt đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 800.000 liều tiêm cho người dân TP và các lực lượng ưu tiên.
Thống kê cho thấy, đợt tiêm chủng đã đạt được mục tiêu đã đề ra, toàn bộ người đến tiêm đều được đảm bảo an toàn. Dự kiến ngày 29/6, TP sẽ tổ chức sơ kết đợt tiêm vaccine vừa rồi để rút kinh nghiệm cho những lần tiêm chủng sắp tới.
Về tình hình phòng, chống dịch, TP vẫn kiên định với những phương án Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 đã đề ra. Phương châm của TP vẫn là “thần tốc”, “truy vết”, “khoanh vùng rộng” và “cách ly hẹp”.
Với đặc thù là TP rộng, đông dân, địa bàn phức tạp, TPHCM luôn áp dụng những biện pháp linh hoạt để vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo duy trì cuộc sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại họp báo. Ảnh: Huyền Mai
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, trong thời gian tới, TP sẽ phân loại các địa phương theo các mức độ nguy cơ khác nhau, chia làm 3 nhóm: nhóm nguy cơ rất cao, nhóm nguy cơ cao và nhóm có nguy cơ.
Sau khi phân loại, các địa phương sẽ căn cứ hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của quốc gia và thành phố để xây dựng các biện pháp sao cho phù hợp.
Liên quan đến việc các ca bệnh vẫn tăng cao dù TP đã áp dụng hàng loạt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Phan Thanh Tâm chia sẻ, biến chủng virus Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng. Do đó, với việc tăng cường áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, TP hy vọng sẽ từng bước khống chế và giảm tỉ lệ lây lan.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cũng cho biết thêm, về kế hoạch lấy mẫu diện rộng và áp dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, hiện tại tổng năng lực xét nghiệm riêng của TP là 20.000 mẫu/ngày. Sắp tới, ngành Y tế TP sẽ mở thêm cơ sở xét nghiệm tại bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 với năng lực xét nghiệm 30.000 mẫu/ngày để đủ tiêu chí 50.000 mẫu/ngày mà TP đặt ra.
Trao đổi với báo chí xoay quanh phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết, dự kiến TP sẽ tổ chức hai đợt thi, đợt 1 vào ngày 7/7 và 8/7 theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đợt 2 sẽ ấn định tuỳ theo diễn biến dịch bệnh.
Tại đợt thi 1, biện pháp 5K sẽ luôn được đảm bảo, hầu hết các cán bộ, giáo viên coi thi đã được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Trước ngày thi, các cán bộ tham gia và thí sinh sẽ được xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo an toàn.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP cũng đã tiến hành khảo sát ý kiến của thí sinh và phụ huynh về thời gian tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Đến 19h tối ngày 28/6, các trường sẽ gửi báo cáo khảo sát. Từ đó, ngành Giáo dục sẽ tham mưu với UBND TP để đưa ra các phương án, thời gian tổ chức thi cụ thể.
Tại họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết thêm, đối với việc tổ chức kỳ thi lớp 10, dự kiến TP sẽ tổ chức thi vào cuối tháng 7 nhằm đảm bảo hoàn tất công tác thi tốt nghiệp THPT.