Đồng chí Nguyễn Hồ Hải cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại
hội thảoPGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh thành, Ban dân vận các Tỉnh ủy, Thành ủy, các nhà khoa học, các đại biểu đã có nhiều ý kiến, bài viết gửi về Ban chủ nhiệm đề tài khoa học thực hiện bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân trong tình hình mới; qua đó góp phần vận dụng hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”…
Vận dụng hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”
PGS.TS Hoàng Phúc Lâm cho rằng, qua hội thảo, có thể nhận thấy từ thực tế, các đại biểu đã đưa ra những quan điểm, giải pháp căn cơ, có tính khả thi cao đối với đối với việc vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”; phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong hoạt động thực tiễn địa phương, đơn vị đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
“Với 32 bài tham luận gửi về Ban chủ nhiệm và nhất là những ý kiến tham luận tại hội thảo đã bổ sung, tiếp tục khẳng định, làm rõ những giá trị tư tưởng, lý luận cũng như kết quả thực tiễn của việc vận dụng bài học lấy “Dân làm gốc”, “Dân là trung tâm” và hệ thống quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy sức mạnh của Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc qua các thời kỳ, nhất là qua gần 40 năm đổi mới đất nước đến nay” - PGS.TS Hoàng Phúc Lâm khẳng định.
PGS.TS Hoàng Phúc Lâm phát biểu tại hội thảo
Đáng chú ý, nhiều bài tham luận và các tham luận trao đổi, chia sẻ nhiều mô hình “Dân vận khéo”, những cách làm hay, kinh nghiệm từ thực tiễn, nổi bật là công tác tham mưu cho Ban thường vụ cấp ủy, Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận trong vận dụng bài học “Dân là gốc”, Dân là trung tâm”; phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng lĩnh vực, địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: nhận thức không ít cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và một bộ phận nhân dân chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, triệt để về vị trí, tầm quan trọng của quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và tầm quan trọng của vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển đất nước.
Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến, quán triệt ở một số địa phương, đơn vị chưa tốt; có nơi làm hình thức, đối phó, thiếu công khai, minh bạch. Nhân dân thiếu thông tin hoặc tiếp nhận thông tin không đầy đủ, nên việc Nhân dân bàn, giám sát và quyết định những vấn đề của địa phương chưa thật sự phát huy quyền làm chủ trong góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Bên cạnh đó, phương thức, cách làm của một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa sâu sát cơ sở, chưa nắm chắc tình hình Nhân dân; hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng ở một số địa phương, đơn vị còn yếu, lúng túng, nhất là công tác phản biện xã hội…
Ngoài ra, vai trò của người dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có mặt chưa được quan tâm, phát huy đầy đủ. Cơ chế để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình còn có những bất cập. Niềm tin của một bộ phận Nhân dân với với Đảng và Nhà nước có lúc, có nơi, có thời điểm bị giảm sút, nguy cơ rạn nứt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng - Nhà nước với Nhân dân và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
Trên cơ sở thực trạng hội thảo đặt ra, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm cho rằng, các tham luận đã đưa ra các quan điểm, giải pháp để vận dụng sáng tạo, hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trong đó, công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, quan tâm xây dựng và hoạch định chính sách phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân...
Đồng thời, cần tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; gắn công tác dân vận với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực; kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn liền với phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Ngoài ra, cần phát huy tính ưu việt của thể chế chính trị một Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền; phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong tiến trình đổi mới đất nước.
Cũng theo PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” cần phát huy có hiệu quả sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; dựa trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với các giải pháp được đề xuất, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm cho rằng, các tham luận đều nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền về bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, trọng tâm là cải cách hành chính trong dân vận chính quyền, ban hành các cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội hướng đến người dân, người dân là trung tâm, chăm lo cho đời sống của nhân dân.
Đồng thời, từ thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cần bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách phù hợp giai đoạn mới nhằm phát huy mạnh mẽ các giai tầng xã hội, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển của cả dân tộc; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáng tạo, thiết thực vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, đổi mới nâng cao hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc thực hiện Quy chế dân chủ, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế dân chủ, nâng cao năng lực làm chủ của Nhân dân trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
“Với các quan điểm, giải pháp đề xuất và các kiến nghị qua các ý kiến trao đổi, thảo luận đã thể hiện sự tâm huyết, trăn trở đối với một chủ đề lớn, quan trọng, đã phân tích đa chiều, trên nhiều phương diện, song đều hướng trọng tâm vào đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” - PGS.TS Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo khẳng định của PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, những quan điểm, giải pháp và kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và vận dụng hiệu quả bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh của Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới là nội dung quan trọng giúp Ban Chủ nhiệm có được những luận chứng, luận cứ khoa học sát thực tiễn đóng góp nội dung này vào việc xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng, tổng kết 40 năm đổi mới đất nước.