Tập trung giải ngân nhanh các dự án đầu tư công
Báo cáo về tình hình đầu tư xã hội của TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2024, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TPHCM ghi nhận mức đầu tư xã hội đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng vốn đầu tư xã hội đạt trung bình khoảng 22%, chỉ tiêu cả nhiệm kỳ đạt 35%. Để đạt chỉ tiêu trên, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TPHCM triển khai nhiều giải pháp để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng như đường Vành đai 3, Vành đai 4 và đường sắt đô thị. Đây là những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng giúp thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của TPHCM.
Đồng chí Lê Huỳnh Mai báo cáo tại
hội nghịĐồng thời, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, và du lịch. Các chương trình này nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm nguồn lực và tạo ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. TP đã đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất cho các nhà đầu tư, giúp giảm chi phí tài chính, từ đó kích thích hoạt động đầu tư.
Đối với việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và hạ tầng, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TPHCM phối hợp các bộ ngành Trung ương đưa ra nhiều đề xuất để tháo gỡ các khó khăn liên quan thể chế, đặc biệt các rào cản pháp lý ảnh hưởng đến đầu tư công và tư nhân.
Đồng thời, TP tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các dự án lớn như đường Vành đai 3, Vành đai 4, và hệ thống đường sắt đô thị đã được đưa vào quy hoạch để cải thiện năng lực vận tải và kết nối của TPHCM.
Với sự hỗ trợ của 44 cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 của Quốc hội, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TP đang tích cực giải quyết các vấn đề về nguồn vốn. Dự kiến, trong giai đoạn tới, tổng vốn đầu tư công sẽ tăng lên khoảng 100.000 tỷ đồng, với nhu cầu vốn đến năm 2025 ước tính khoảng 1,1 triệu tỷ đồng.
TP cam kết cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp và đơn vị đầu tư công. Mục tiêu giảm 30-50% thời gian xử lý hồ sơ để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án một cách hiệu quả hơn.
Đồng thời, TP đã ký kết hợp tác với nhiều tỉnh thành và vùng kinh tế khác, nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. TP cũng đang nỗ lực phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, TP đã lên kế hoạch tập trung giải ngân nhanh các dự án đầu tư công, với số lượng dự án lớn và tổng vốn dự phòng cao. Các giải pháp nhằm đảm bảo rằng các dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ, từ đó đạt được các mục tiêu đã đề ra cho nhiệm kỳ.
Quy trình 2 bước để tạo đột phá trong phát triển nhà ở xã hội
Báo cáo tại hội nghị về chương trình phát triển nhà ở của TP, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân cho biết, 9 tháng đầu năm, TP đã xây dựng 5,21 triệu m² sàn nhà ở, đạt hơn 70% kế hoạch năm, đạt 22,61m² sàn nhà ở/người, với tiến độ và tốc độ như vậy thì đến cuối 2025 cơ bản đạt được chỉ tiêu.
Đồng chí Trần Hoàng Quân báo cáo tại hội nghị
Về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM, đồng chí Trần Hoàng Quân cho biết, hiện TP đã có 6 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 2.740 căn hộ, đang thi công 4 dự án với 2.874 căn. Đồng thời, các đơn vị đang làm thủ tục 27 dự án có quy mô gần 40.000 căn.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 35.000 căn và mục tiêu đến năm 2030 đạt 93.000 căn nhà ở xã hội, Sở Xây dựng đề xuất giải pháp đột phá là quy trình 2 bước và được UBND TPHCM chấp thuận.
Theo đồng chí Trần Hoàng Quân, trước đây, muốn làm quy trình dự án, Sở Quy hoạch và Kiến trúc phải rà soát quy hoạch, sau đó Sở Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về chấp thuận chủ trương đầu tư, cuối cùng Sở Tài nguyên và Môi trường TP thực hiện các bước thu hồi giao đất.
Với quy trình mới, cả 3 sở cùng làm bước này, thời gian thực hiện là 51 ngày. Sau đó, Sở Xây dựng cùng các quận, huyện thực hiện các bước còn lại với thời gian 45 ngày. Quy trình này giúp rút ngắn được thời gian thực hiện dự án.
Đối với phát triển các dự án nhà ở xã hội, bố trí nhà trên và ven kênh rạch, đồng chí Trần Hoàng Quân cho biết, đầu nhiệm kỳ, rà soát toàn TP còn 21.000 căn nhà trên, ven kênh rạch và đưa ra mục tiêu giải tỏa 6.500 căn. Đến nay, đã thực hiện đạt được tỷ lệ 60%.
Theo chủ trương của TP, hiện các nơi đã khảo sát lại, thống kê toàn TP có 48.100 căn nhà trên và ven kênh rạch. Để đáp ứng nhu cầu bố trí nhà ở xã hội cho chương trình nhà trên và ven kênh rạch, TP cần khoảng 50.000 căn nhà. Sở Xây dựng đã khảo sát và đề xuất có 9 khu đất có thể xây dựng trên 20.000 căn nhà ở xã hội cho chương trình này và trong tháng 10 sẽ trình UBND TPHCM xem xét.
Đến cuối năm 2024 có 16 quận, huyện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo
Báo cáo về chương trình giảm nghèo bền vững, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM Lê Văn Thinh cho biết, tính đến tháng 9 năm 2024, TP tiếp tục duy trì không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia, TP còn lại 7.176 hộ nghèo, với 27.934 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 0,28%.
Đồng chí Lê Văn Thinh báo cáo tại hội nghị
Trong đó, có 11 quận, huyện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo. Dự kiến, đến cuối năm 2024 có 16 quận huyện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với nhà ở cho người nghèo, theo thống kê của TP, có 900 hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà. Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các địa phương đã hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 575/900 căn nhà tình thương cho hộ khó khăn, đạt tỷ lệ 63,8%, với hơn 28,2 tỷ đồng; hiện còn 325 hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà, gồm 129 hộ nghèo và 196 hộ cận nghèo. Kinh phí cần huy động bổ sung với 15,8 tỷ đồng, trong đó, năm 2024, với 9,1 tỷ đồng và năm 2025, với 6,7 tỷ đồng.
Đối với việc chỉnh trang các Nghĩa trang liệt sĩ và các đài tưởng niệm, đền thờ, nhà bia ghi tên liệt sĩ trên địa bàn TP, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và Ban Quản trang TP đang triển khai đến các đơn vị, phòng ban chuyên môn có liên quan để thực hiện sửa chữa 89 công trình; đã hoàn thành 42/89 công trình gồm 3/89 công trình sử dụng vốn đầu tư công và nguồn kinh phí xã hội hóa, 39/89 công trình sử dụng ngân sách TP, với 41,3 tỷ đồng…
Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đồng chí Lê Văn Thinh đề xuất các sở, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm phối hợp Sở tích cực nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng; Chính sách cho giảng viên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội; Chính sách cho đối tượng cai nghiện ma túy…