Những chiêu trò chống phá của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân

Thứ Tư, 09/10/2024 12:43  | Nguyên Ngọc

|

(CATP) Với âm mưu lâu dài là xóa bỏ chế độ XHCN, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức phản động lưu vong Việt Tân tiếp tục thay đổi phương thức hoạt động. Các đối tượng triệt để sử dụng không gian mạng để thực hiện "Chiến lược diễn biến hòa bình", "đấu tranh bất bạo động"; lợi dụng tình hình, vụ việc "nóng" để tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại, kích động, bạo loạn, biểu tình chống Đảng, Nhà nước.

Gia tăng các hoạt động chống phá trên mạng xã hội

Để thực hiện âm mưu cơ bản và lâu dài là thực hiện "chiến lược diễn biến hòa bình", "đấu tranh bất bạo động" nhằm xóa bỏ chế độ XHCN, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức phản động, đối tượng chống đối trong và ngoài nước triệt để sử dụng không gian mạng gia tăng hoạt động chống phá. Trong số đó, phải kể đến trang Fanpage Việt Tân của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân.

Để thực hiện mục tiêu thu hút hơn 1 triệu người dùng mỗi ngày, Việt Tân gia tăng hoạt động tán phát các thông tin có nội dung tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động chống phá. Trong đó, tập trung vào một số sự kiện nổi bật như các kỳ họp Quốc hội, Hội nghị Trung ương, kiện toàn các vị trí nhân sự chủ chốt của Đảng và Nhà nước để công kích công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta; tung tin, đồn đoán vấn đề nhân sự cấp cao; xuyên tạc về việc người dân "mất niềm tin" vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; kêu gọi đảng viên ra khỏi Đảng... để gây chia rẽ nội bộ, hạ uy tín lãnh đạo cấp cao, làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; tác động "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ, tạo dư luận bi quan, tiêu cực về tình hình đất nước. Có thể kể đến các bài viết như: Nội bộ Đảng "đấu đá, tranh giành quyền lực, phe nhóm triệt hạ lẫn nhau"; "Việt Nam đang bước vào giai đoạn "bất ổn" về chính trị”; "Cuộc đua chạy ghế Đại hội 14 đang vào hồi khốc liệt"; "Chính sách cán bộ lãnh đạo từ tỉnh khác về là "kẽ hở" cho những cán bộ cấp cao "hình thành thế lực vùng miền"; chỉ trích công tác phòng, chống tham nhũng là phục vụ "lợi ích nhóm".

Liên quan chuyến thăm nước ngoài của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, truyền thông quốc tế nhận định chuyến thăm góp phần tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam với các quốc gia... Thế nhưng trên trang Fanpage của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân lại đưa ra những nhận định thiếu căn cứ như việc thiếu ổn định tình hình chính trị thời gian qua khiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung "tranh giành quyền lực", gây "sao nhãng" giải quyết các vấn đề hệ trọng của đất nước.

Gần đây, liên quan các sự kiện của ngành Công an, tổ chức phản động lưu vong Việt Tân công kích cơ cấu, mô hình bộ máy của Bộ Công an hoạt động thiếu hiệu quả; xuyên tạc Bộ Công an phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng phần mềm quản lý tăng ni, phật tử để "kìm hãm", "can thiệp" các sinh hoạt tôn giáo, gia tăng "đàn áp" những người "bất đồng chính kiến", "đàn áp xuyên quốc gia" số chống đối đang định cư nước ngoài.

Trần Quyết Thắng, thành viên Việt Tân

Tổ chức phản động lưu vong Việt Tân đã chỉ đạo thành lập một số tổ chức ngoại vi, trá hình hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực, địa bàn. Các tổ chức này triệt để lợi dụng danh nghĩa các câu lạc bộ xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo; sử dụng chiêu bài đấu tranh cho "dân chủ", "nhân quyền", "yêu nước", "bảo vệ Tổ quốc"..., để kích động tụ tập, biểu tình, gây mất an ninh, trật tự (ANTT). Điển hình trong số đó là tổ chức ngoại vi Vietnamrise (Rise) và Voice.

Những thủ đoạn mới của "Rise"

Sau khi Bộ Công an công bố Việt Tân là tổ chức khủng bố, các đối tượng trong tổ chức phản động này đã chỉ đạo Huỳnh Phạm Phương Trang, thành viên cốt cán của Việt Tân tại Mỹ công khai tuyên bố rút ra khỏi Việt Tân nhằm tránh cáo buộc liên quan khủng bố.

Các đối tượng sau đó thành lập "Rise" - cánh tay nối dài của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân. "Rise" sử dụng vỏ bọc là tổ chức phi chính phủ (NGO) núp bóng dưới danh nghĩa trợ cấp học bổng, hứa hẹn tài trợ kinh phí nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, kỹ năng mềm, đưa ra nước ngoài để học tập..., phát tán nhiều thông báo tuyển sinh trá hình đào tạo về "xã hội dân sự", nhằm móc nối, lôi kéo các trường hợp quan tâm đến các vấn đề về xã hội, chính trị, dân chủ, nhân quyền, nhất là sinh viên các trường đại học, thanh niên, nhân sĩ, trí thức trong nước tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện của chúng.

Có thể thấy, chúng đã lợi dụng lòng tin của các trường hợp có nhu cầu nâng cao kiến thức về xã hội để móc nối, lôi kéo tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện về "dân chủ", "nhân quyền". Mục đích của "Rise" là tập trung móc nối, lôi kéo số thanh niên, sinh viên có tiềm năng phát triển trong tương lai tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện về "xã hội dân sự" nhằm từng bước chuyển hóa tư tưởng, quan điểm chính trị, xây dựng thành "hạt nhân" để tuyên truyền, kích động người dân phản kháng lại chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phục vụ mưu đồ thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.

Những thông tin đăng trên trang Fanpage của Việt Tân sau đó đã bị bạn đọc bình luận

Để thực hiện ý đồ này, "Rise" đẩy mạnh triển khai các khoá đào tạo, huấn luyện về "phong trào xã hội" trên không gian mạng nhằm móc nối, lôi kéo các trường hợp quan tâm đến các vấn đề xã hội, chính trị, dân chủ, nhân quyền... Các đối tượng lợi dụng lòng tin của những trường hợp có nhu cầu nâng cao nhận thức về xã hội để móc nối, lôi kéo tham gia các khóa đào tạo.

Từ khi thành lập đến nay, "Rise" đã triển khai nhiều kế hoạch hoạt động chống phá. Trong đó, có việc sử dụng kênh truyền thông để tán phát các bài viết, hình ảnh có nội dung tiêu cực về tình hình chính trị, xã hội trong nước; tương tác với một số nhóm cộng đồng và các tổ chức xã hội, tổ chức một số khoá đào tạo, huấn luyện trực tuyến, sự kiện, chương trình, cuộc thi sử dụng vỏ bọc "xã hội dân sự" để tuyên truyền, quảng bá, thu hút người đăng ký tham gia, nhất là giới trẻ, thanh niên, sinh viên, nhằm gia tăng ảnh hưởng của tổ chức như: khóa huấn luyện "Tìm hiểu về xây dựng phong trào xã hội", "Kỹ năng giao tiếp", "Trường nghề xã hội dân sự"; hội thảo trực tuyến "Quyền người lao động", "Lãnh đạo phong trào trong bối cảnh thách thức"; sự kiện "Ngày hội phong trào xã hội - SMF"; cuộc thi có thưởng "Tranh biện xã hội Việt Nam"; chương trình hỗ trợ tài chính triển khai các dự án, sáng kiến "xã hội dân sự" trong nước...

"Rise" còn được bộc lộ qua hoạt động hỗ trợ tài chính cho số đối tượng trong nước tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước theo sự chỉ đạo, định hướng của chúng. Điển hình như trường hợp của Lê Quốc Anh (SN 1991, ngụ Phường 9, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Liên quan đến sự việc trên, ngày 28/11/2023, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định truy nã đặc biệt đối với Lê Quốc Anh về hành vi "Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" theo Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015. Trước đó, Lê Quốc Anh đã bị các đối tượng cầm đầu "Rise" móc nối tham gia các khóa huấn luyện trực tuyến về "xã hội dân sự", từng bước lôi kéo Lê Quốc Anh tham gia tổ chức. Sau đó, Lê Quốc Anh thường xuyên liên lạc, nhận tiền tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước theo chỉ đạo của số đối tượng cầm đầu "Rise".

Tại các buổi học đào tạo, "Rise" khéo léo lồng ghép các thông tin, tài liệu, xuyên tạc vấn đề liên quan đến vấn đề dân chủ, nhân quyền trong nước; sử dụng các phương thức, thủ đoạn thổi phồng, cắt ghép về tình hình chính trị, xã hội trong, ngoài nước nhằm tác động, hướng lái số học viên có cách nhìn tiêu cực, suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam "am hiểu" về "xã hội dân sự", dám đứng lên phản kháng lại các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây là âm mưu chống phá hết sức thâm độc của các thế lực thù địch.

Tiếp đó, sau các khóa đào tạo cơ bản, các đối tượng tiếp tục tuyển chọn những trường hợp có tiềm năng phát triển, hoạt động tích cực để tham gia các khóa đào tạo nâng cao nhằm bồi dưỡng số này thành các "ngòi nổ" tiến hành các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Đây là một nguy cơ lớn đe dọa đến an ninh quốc gia. Trải qua các khóa đào tạo, huấn luyện, hoạt động chống phá của các đối tượng trở nên tinh vi hơn, khó phát hiện hơn. Trường hợp Phạm Thị Đoan Trang là một điển hình.

Phạm Thị Đoan Trang vốn xuất thân trong một gia đình trí thức, được đào tạo bài bản, nhất là kiến thức về pháp luật, từng có thời gian làm việc tại một số tờ báo lớn trong nước. Song từ năm 2009, sau khi tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện của Việt Tân, Phạm Thị Đoan Trang đã chuyển hóa tư tưởng cực đoan, chống đối rất quyết liệt, không thể cảm hóa. Phạm Thị Đoan Trang thường xuyên câu kết với các phần tử chống đối, phản động trong, ngoài nước, các hội, nhóm chống đối sử dụng chiêu trò "phản biện xã hội" để thể hiện chính kiến trước những sự kiện chính trị - xã hội của đất nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhưng thực chất là lợi dụng xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kích động, cổ súy các hành vi chống đối, biểu tình, vi phạm pháp luật...

Bình luận (0)

Lên đầu trang