Bức điện tín vén màn kế hoạch
Từ sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Kế hoạch CM12, các đối tượng gián điệp biệt kích được ta cảm hóa, đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an. Dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, lực lượng phối hợp đã bắt liên lạc đầu tiên với trung tâm địch tại Thái Lan vào lúc 21 giờ ngày 25/5/1981. Trong thông điệp đầu tiên này, ta chỉ gửi một bức điện tín ngắn có nội dung: "Tất cả đều an toàn và công tác đang xúc tiến. Vũ khí đã chôn giấu xong. Cần thêm cán bộ và tiền bạc để hoạt động. Hẹn 20 giờ ngày 28 tháng 5 năm 1981 lên máy".
Vài giờ sau khi nhận được điện tín, trung tâm Tổng hành dinh của địch gửi một bức điện trả lời: "Tàu đã về tới B. vô sự. Ngày giờ khởi hành chuyến thứ nhì sẽ cho biết sau. Tổng đài sẽ trực máy theo giờ quy định".
Nhận thấy đây là bước ngoặt có thể quyết định sự thành bại của chiến dịch, đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm không giấu được sự vui mừng, khen ngợi các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Đêm hôm đó, tất cả anh em chiến sĩ được dịp ăn uống linh đình với bữa tiệc là một nồi cháo gà do mọi người tự nấu.
Liên lạc qua điện đài với Trung tâm chỉ huy của Mặt trận
Sau khi mọi người đã về chỗ nghỉ ngơi, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm và đồng chí Nguyễn Phước Tân vẫn tiếp tục ở lại bàn bạc về những công việc sắp tới. Đó là lên ý tưởng về một kế hoạch phản gián cực kỳ táo bạo, quyết định cho lực lượng ta trà trộn vào sâu trong lòng địch, tạo các căn cứ giả, xây dựng lòng tin để khai thác hết các cơ sở, mối liên hệ của Mặt trận với các nhóm phản động trong nước, đồng thời dẫn dụ lực lượng địch và các đối tượng cầm đầu Mặt trận sa lưới.
Sau thắng lợi ban đầu là thực hiện thành công việc liên lạc giữa Tổ Đặc biệt và trung tâm của địch, lãnh đạo Bộ Nội vụ và các cơ quan Công an tiếp tục họp bàn kế hoạch đón các chuyến xâm nhập mới của Mặt trận. Kế hoạch được vạch ra rất khẩn trương và được báo cáo lên đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng. Ngày 29/5/1981, Bộ trưởng Phạm Hùng có ý kiến chỉ đạo và nêu rõ 4 điểm cần chú ý nghiên cứu kỹ và bố trí kế hoạch thực hiện cho chu đáo. Đồng chí Bộ trưởng còn chỉ đạo cụ thể về cách tổ chức đón bắt địch xâm nhập. Do phạm vi, đối tượng đấu tranh với tổ chức phản động Mặt trận đã vượt tầm cỡ một chuyên án thông thường, mặt khác, xét thấy các đối tượng cầm đầu Mặt trận không đơn thuần là gián điệp biệt kích mà còn có các mối quan hệ sâu xa, các liên kết chính trị hết sức nhạy cảm, có sự tham gia của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, đến đầu tháng 6/1981, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hùng chính thức gọi tên chiến dịch phản gián bằng tên gọi "Kế hoạch CM12".
Theo chỉ đạo của tướng Phạm Hùng, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã nêu rõ các yêu cầu cần đạt được của của Kế hoạch phản gián CM12 bao gồm: Thu hút, đánh bắt hết các lực lượng xâm nhập theo kế hoạch của ta; Thông qua bọn Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh để bóc gỡ các lực lượng bí mật của chúng ở trong nội địa; Từ công tác đấu tranh phản gián trong Kế hoạch CM12, ta cần nắm cho được toàn bộ âm mưu của các thế lực thù địch với cách mạng nước ta; Bảo đảm an toàn tuyệt đối an ninh của đất nước, kiên quyết không để cho địch phá hoại; Nâng cao trình độ năng lực chiến đấu của lực lượng Công an Nhân dân, từng bước rút kinh nghiệm về tổ chức công tác an ninh trong quá trình đấu tranh.
Trong thời gian này, một mặt ta vẫn tiếp tục chuẩn bị đón nhận các chuyến xâm nhập tiếp theo của nhóm gián điệp biệt kích do Mặt trận điều động. Mặt khác, Công an tiến hành các biện pháp điều tra đối với các lực lượng phản động khác trong nội địa có liên quan đến CM12 như nhóm của Lê Quốc Quân (em ruột Lê Quốc Túy), nhóm Lê Chơn Tình và nhóm Hồ Tấn Khoa (đạo Cao Đài). Tổ An ninh K4/2 được giao nhiệm vụ chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị, Công an các địa phương liên quan như TPHCM, Tây Ninh, An Giang... để mở rộng đấu tranh trên khắp các mặt trận, trải dài ở nhiều tỉnh thành. Yêu cầu bảo đảm bí mật đối với Kế hoạch phản gián CM12 rất cao, nhưng quân và dân ta vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi triệt phá thành công nhiều chuyên án có liên quan với phạm vi khá rộng trong thời gian Kế hoạch phản gián CM12 diễn ra.
Các đối tượng biệt kích bị bắt giữ
Trà trộn vào sâu trong lòng địch
Song song với diễn biến ở các mặt trận khác, Tổ Đặc biệt với nhiệm vụ thâm nhập sâu vào lòng địch đã rất "nghiêm chỉnh" thực hiện các chỉ đạo từ Mặt trận. Các yêu cầu của Lê Quốc Túy đều được lực lượng này thi hành một cách triệt để, dù gặp phải không ít khó khăn và trở ngại. Đây là thời điểm mà chúng ta đã bắt đầu cử đồng chí Trần Phương Thế (Tám Thậm, thời điểm này là Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Công an Minh Hải) và đồng chí Hồ Việt Lắm (Phó trưởng Công an huyện Trần Văn Thời) tiến hành thâm nhập sâu vào mặt trận, trở thành "đặc phái viên" cho Mặt trận tại Việt Nam với bí danh NK-A1 (Hai Râu) và NK-A2 (Mười Lắm).
Thời điểm được giao thực hiện trọng trách vô cùng quan trọng này, NK-A1 Trần Phương Thế mới ngoài 30 tuổi nhưng tính điềm đạm, cẩn thận, bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tám Thậm làm hiệu thính viên nổi tiếng vì chữ viết rất đẹp. Nhiều năm hoạt động, Tám Thậm cực kỳ thông thuộc địa bàn tỉnh Minh Hải. Để thực hiện trọn vẹn vai diễn này và bước đầu xây dựng niềm tin của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh, đồng chí Tám Thậm đã để râu quai nón, nuôi tóc dài, tự biến mình thành một con người khác, khiến ngay cả người mẹ già cũng lo lắng vì tưởng con mình bỗng trở thành một người ăn chơi hư hỏng. Đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng và Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm cũng tỏ ra rất hài lòng về sự lựa chọn này.
Đồng chí Hồ Việt Lắm (sau là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ) được lựa chọn vì là người địa phương này, am hiểu ngọn nguồn sông rạch và là một cán bộ được đào tạo bài bản về nghiệp vụ trinh sát. Một số cán bộ của của Tổ An ninh K4/2 như Nguyễn Khánh Toàn, Vũ Thành Hà, Trần Tôn Thất, Trần Lương Tư, Nguyễn Văn Xíu... cũng được điều động thực hiện các vai trò đã phân công khi cần như vào vai phụ tá điện đài, lo cơm nước, bảo vệ... Tất cả đều phải làm việc trong điều kiện giữ bí mật tuyệt đối, kể cả với người thân trong gia đình cũng không được hé lộ nửa lời. Lực lượng Công an đã phải hành động trong bí mật để triển khai kế hoạch phản gián. Các cán bộ được chọn vào vai gián điệp cũng phải chịu nhiều thử thách trong quá trình tiếp cận và xâm nhập vào hàng ngũ của địch.
Với kinh nghiệm và bản lĩnh cách mạng của sĩ quan an ninh, sau khi được K64 Phạm Công Danh với thiệu là lực lượng "cơ sở", NK-A1 nhanh chóng được Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy tin dùng. Với sự hỗ trợ của Hai Râu, Mười Lắm và Sáu Danh, Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy đã nhiều lần lên tàu từ Thái Lan đến các căn cứ bí mật giả do lực lượng ta tạo nên tại Cà Mau và các tỉnh miền Tây để kiểm tra khí tài, gặp gỡ số gián điệp biệt kích đã xâm nhập từ trước, tổ chức nhiều cuộc họp mặt với những tên cầm đầu các nhóm phản động trong nước, các cơ sở trong nội địa để vạch kế hoạch chống phá cách mạng. Sau các chuyến thăm "cơ sở" này, nhận thấy thời cơ vẫn chưa chín muồi, chúng lại được lực lượng ta "thả đi" ra biển an toàn.
Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của lãnh đạo Bộ Nội vụ và các chiến thuật tài tình, Tổ Đặc biệt được chúng ta cài vào rất được Mặt trận tin tưởng, coi như "đặc phái viên" hay lực lượng tại "cơ sở". Liên tục suốt nhiều năm, Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy đã giao cho Tổ Đặc biệt nhiệm vụ tổ chức đón hàng chục chuyến tàu chở theo người, tiền giả, điện đài và vũ khí từ Thái Lan về Việt Nam mà không hề hay biết tất cả đều nằm trong sự kiểm soát của lực lượng Công an Nhân dân. Cũng từ kế hoạch phản gián này, từ đây, chúng ta đã thu thập được hàng loạt những thông tin tình báo quan trọng, giúp lực lượng Công an xác định được các tổ chức, các ổ nhóm phản động đang âm thầm hoạt động bí mật trong nước, các kế hoạch tấn công, các tuyến đường được sử dụng để vận chuyển vũ khí và các điểm yếu trong cấu trúc tổ chức của Mặt trận. Điều này cho phép lực lượng Công an lên kế hoạch và thực hiện các cuộc đột kích thành công.
Sau thắng lợi ban đầu là thực hiện thành công việc liên lạc giữa Tổ Đặc biệt và trung tâm của địch, lãnh đạo Bộ Nội vụ và các cơ quan Công an tiếp tục họp bàn kế hoạch. Qua tổ chức liên lạc bằng điện đài với Trung tâm địch thành công, ta đã nắm được ý đồ xâm nhập của địch, từ đó chủ động triển khai kế hoạch, bố trí đón bắt các chuyến xâm nhập mới của Mặt trận.
(CATP) Sau khi nhóm gián điệp biệt kích tiên phong mang tên gọi Minh Vương 1 xâm nhập bất thành, Lê Quốc Túy quyết định tung toán Minh Vương 2 tiếp tục lập kế hoạch vào Việt Nam để chống phá. Lần này, chúng quyết định xâm nhập bằng đường biển. Nhóm Minh Vương 2 có nhiệm vụ tiếp tục kế hoạch tung quân vào khu vực rừng U Minh rậm rạp, xây dựng căn cứ bí mật để làm cơ sở.