Bức điện tín làm "mồi nhử"
Đêm 10/02/1983, hai tàu chở gián điệp và vũ khí của địch xâm nhập vào Vàm Kinh Mới, Minh Hải. Ta tổ chức tiếp nhận 14 tên gián điệp biệt kích do Huỳnh Văn Phước (K94) làm toán trưởng và hơn 9 tấn vũ khí. Qua nghiên cứu các chỉ thị của địch và khai thác số bị bắt, ta nắm được địch dự kiến đưa căn cứ huấn luyện vào nội địa, xây dựng thêm căn cứ ven biển, huấn luyện và mở rộng tầm hoạt động, mua chuộc cán bộ ta, khi có điều kiện tổ chức đánh chiếm, cướp chính quyền ở các tỉnh miền Tây; mở thêm quân khu C gồm các tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên, Long Xuyên, Châu Đốc và Sa Đéc. Kế hoạch nói trên của địch đã nằm trong dự kiến của ta và đã có kế hoạch đối phó.
Liên tiếp trong các ngày 01 và 23/3/1983, ta tiếp tục đón thêm 4 chuyến tàu của địch cùng xâm nhập vào vùng biển Vàm Đồng Cùng, Minh Hải. Qua khai thác nhóm 10 tên gián điệp do Lê Văn Tư (HK214) làm toán trưởng, ta được biết sau khi toán này về nước, mật cứ 37 Ngô Văn Viên đóng cửa, HK214 đốt hết giấy tờ có chữ viết Việt Nam và xóa hết dấu vết liên quan đến việc ăn, ở sinh hoạt tại mật cứ. Việc đóng cửa mật cứ này phù hợp với ý đồ chuyển mật cứ về nội địa. Đặc biệt, trên chuyến tàu xâm nhập đêm 23/3, Lê Quốc Túy có gửi cho K64 lệnh tử hình K14 và yêu cầu K64 thủ tiêu bí mật. Khi hỏi cung K14 ta đã đưa lệnh này cho đối tượng xem để thuyết phục, cảm hóa.
Triển lãm vũ khí, đạn dược thu được của tổ chức Mặt trận
Từ tháng 5/1983 - 5/1984, những chuyến tàu xâm nhập của tổ chức Mặt trận thưa dần. Mặc dù vậy, tất cả vũ khí, đạn dược... đều được ta tiếp nhận an toàn. Những tên gián điệp biệt kích trên những chuyến tàu này cũng được ta bí mật khống chế và cảm hóa thành công.
Ngày 20/5/1984, 2 tàu địch xâm nhập vào Hòn Đá Bạc, Minh Hải, ta tổ chức tiếp nhận 681 kg vũ khí, tiền giả, đồng thời chuyển báo cáo của các "cơ sở" nội địa cho K09 trình C5 nhằm tác động để Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh tiếp tục vào "nội địa" trong chuyến sau.
Sau khi tổ chức đón bắt được nhiều chuyến tàu chuyên chở gián điệp biệt kích và vũ khí do Mặt trận triển khai, thông qua Tổ Đặc biệt, Ban Chỉ huy KH.CM12 đã gửi một bức điện tín với nội dung chủ động đề đạt với Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh về kế hoạch thực hiện chiến dịch "Khởi động toàn quốc vào tháng 6/1983". Đây là một bức điện được Ban Chỉ huy dốc nhiều tâm huyết để soạn thảo khi nó mang nhiều ý nghĩa, vừa nhằm mục tiêu ngăn chặn ý đồ chuyển giai đoạn 2 của Mặt trận, vừa gợi ý cho Lê Quốc Túy bộc lộ thêm các đầu mối quan trọng của chúng ở trong nước và ở nước ngoài mà lực lượng ta chưa biết. Đúng như phán đoán của Ban Chỉ huy, bức điện đã khơi gợi được các vấn đề mà Túy đang cân nhắc thực hiện. Trong điện tín trả lời, Lê Quốc Túy thông báo cho Tổ Đặc biệt những tin tức quan trọng, mang tính chiến lược mà ta đang cần tìm hiểu về âm mưu chống phá mà các thế lực thù địch đang lên kế hoạch, chuẩn bị thực hiện để chống phá cách mạng nhằm hạ thấp uy tín của Đảng ta.
Trên cơ sở các nguồn tin và tài liệu cũng như diễn biến tình hình, Ban Chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12 đã phán đoán và dự kiến được gần như toàn bộ hành động của địch trong năm 1983 - 1984. Quán triệt chủ trương và phương hướng lãnh đạo Bộ Nội vụ đã chỉ thị, Ban Chỉ huy nhanh chóng triển khai công tác chuẩn bị để đối phó với chiến dịch xâm nhập mới của địch. Đồng thời, Tổ An ninh K4/2 và Công an các tỉnh phía Nam cũng tích cực hoạt động, thực hiện hàng loạt kế hoạch trinh sát và đấu tranh với các cơ sở, mối liên kết trong nội địa của Mặt trận.
Mai Văn Hạnh tại phiên xét xử
Hạ màn chiến dịch lẫy lừng
Ngày 01/9/1984, Lê Quốc Túy gửi điện tín thông báo cho Tổ Đặc biệt biết về kế hoạch về Việt Nam theo hướng Cà Mau trong thời gian khoảng tối ngày 07 hoặc 08/9. Đây là chuyến đi chỉ có Mai Văn Hạnh, do lúc này Lê Quốc Túy đang bị bệnh nặng phải trở về Pháp để lọc thận điều trị. Theo đề nghị của đồng chí Hai Tân, Ban Chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12 đã quyết định dùng nhiều lý do để hoãn binh, buộc chuyến tàu chở Mai Văn Hạnh phải cập bến đúng vào đêm 09/9/1984, vì đúng ba năm trước, chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên của địch thực hiện theo kế hoạch của ta đã cập bến.
Sáng 08/9/1984, các đồng chí trong Ban Chỉ huy trung tâm của Tổ Đặc biệt di chuyển tới Công an huyện Trần Văn Thời. Tổ An ninh K4/2 gồm các đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Trần Tôn Thất, Nguyễn Đông Phương, Phan Trung Tiến và một đại đội vũ trang triển khai kế hoạch đón bắt Mai Văn Hạnh tại khu vực ngã ba Tân Thành. Tổ An ninh K4/2 cũng nhận chỉ thị của Ban Chỉ huy với yêu cầu rất cao của kế hoạch là tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế tối đa thương vong cho lực lượng của ta và cả nhóm gián điệp biệt kích xâm nhập. Ban Chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12 cho rằng những tên gián điệp biệt kích cũng là con em của nhân dân, chẳng may bị lôi kéo làm tay sai cho bọn đầu sỏ gián điệp, nên chỉ trong trường hợp bất khả kháng mới phải ra tay tiêu diệt.
Chiều 09/9/1984, các đồng chí trong Ban Chỉ huy tiến ra khu vực Hòn Đá Bạc, tất cả đều vào vị trí sẵn sàng cho trận đánh hạ màn. Các đồng chí Bùi Thiện Ngộ và Lê Minh Học bám trụ ở khu vực chòi chỉ huy, trong khi Tổ trưởng K4/2 Nguyễn Phước Tân cùng Thi Văn Tám và đồng chí Huỳnh My (Chỉ huy trưởng Công an vũ trang Minh Hải) xuống gần hơn khu vực bãi đậu của tàu thuyền để dễ bề quan sát.
Gần 8 giờ tối 09/9/1984, theo đúng kế hoạch, 2 tàu địch từ ngoài khơi lầm lũi tiến lại gần bờ. Sau khi tàu địch đã ở khoảng cách đủ gần, Tổ Đặc biệt do Tám Thậm chỉ huy đã dùng 2 tàu để trực tiếp ra đón Mai Văn Hạnh. Được đặc phái viên tiếp đón nồng nhiệt bằng xuồng máy, Hạnh không chút nghi ngờ, nhanh chóng lên tàu và được đưa vào đất liền. Sau khi Mai Văn Hạnh đã vào đến đất liền, Tổ Đặc biệt tiếp tục dẫn dụ Trần Văn Bá và một người khác làm nhiệm vụ trực điện đài lần lượt lên bờ. Theo đúng kế hoạch, từ bên trong đất liền, các đồng chí trong Đại đội cảnh sát vũ trang đã nhanh chóng quật ngã, lần lượt bắt giữ các tên đầu sỏ của Mặt trận gồm Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá và tên điện báo viên.
Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc - nơi ghi dấu chiến thắng lẫy lừng
Trong lúc này, những tên gián điệp biệt kích khác vẫn nghiêm túc ở trên tàu làm nhiệm vụ, ôm chặt những khẩu AK-47 ngang ngực cực kỳ cảnh giác, sẵn sàng hành động. Trước tình hình đó, chúng ta buộc phải nổ súng trước để đánh phủ đầu, bảo đảm kế hoạch được thực hiện thành công. Thời điểm này, K64 Phạm Công Danh đã khai hỏa bằng một loạt đạn AK-47, sau đó lực lượng vũ trang của ta cũng nhất loạt nổ súng, áp đảo hoàn toàn nhóm gián điệp biệt kích. Bị bất ngờ, nhóm biệt kích không kịp chống cự khi nhiều tên bị tiêu diệt, nhiều tên nhảy xuống biển thoát thân. Kết quả, lực lượng Công an bắt sống 10 tên, tiêu diệt 13 tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện, điện đài và tàu vận tải... trong một trận đánh chỉ kéo dài hơn 2 phút. Trận đánh quyết định này chính thức kết thúc thắng lợi giai đoạn một thành công vang dội của Kế hoạch phản gián CM12 (1981 - 1984).
Kết thúc KH.CM12, lực lượng Công an đã bắt gọn 18 chuyến xâm nhập, bắt 146 tên gián điệp biệt kích, thu 2 tàu vận tải, hơn 143 tấn vũ khí các loại, 12 bộ điện đài, 9.300USD, gần 300 triệu tiền Ngân hàng Việt Nam giả. Song song với chiến thuật dụ địch ở nước ngoài về nước để bắt, lực lượng Công an còn thúc đẩy làm cho các đối tượng phản động ở trong nước đang hoạt động bí mật phải bộc lộ để trấn áp. Từ năm 1982 - 1984, lực lượng Công an các tỉnh phía Nam lần lượt trấn áp 10 tổ chức phản động trong nội địa liên quan đến KH.CM12, bắt toàn bộ số cầm đầu cốt cán, giáo dục tại chỗ những người vì cả tin hoặc bị lừa gạt mà theo chúng. Nhờ đó, lực lượng Công an đã chủ động ngăn chặn các cuộc vũ trang bạo loạn manh động chống chính quyền vào các năm 1982, 1983, 1984, bẻ gãy hướng tấn công chủ yếu của phản động quốc tế.
Tháng 12/1984, Tòa án tối cao tại TPHCM công khai xét xử các đối tượng, tuyên 4 án tử hình và gần 100 bản án khác, với sự chứng kiến của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế, cùng với cuộc triển lãm phương tiện đấu tranh, hoạt động gián điệp cho hàng chục vạn người tham gia, nhưng các đối tượng cầm đầu ở nước ngoài vẫn không biết sự thật. Đến năm 1987, chúng tiếp tục tổ chức xâm nhập bằng đường bộ, đường biển về nước và đều bị ta bắt gọn. Sau thất bại này, Lê Quốc Túy, kẻ cầm đầu tổ chức gián điệp bị đột tử ở nước ngoài, những tên gián điệp biệt kích còn sót lại ở trong nước và Tổng hành dinh đều phải tự giải tán. Tổ chức phản động Mặt trận do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu chính thức bị xóa sổ.
Một chiến dịch phản gián với 7 năm đấu mưu, đọ trí và thắng lợi to lớn là những đòn đánh mạnh, đánh trúng, đánh hiểm của lực lượng Công an nhân dân đối với các đối tượng phản cách mạng ở trong nước và nước ngoài. Ghi nhận chiến công đặc biệt xuất sắc, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 tập thể, 3 cá nhân và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các đơn vị, cá nhân đã tham gia KH.CM12. Để ghi lại dấu ấn lịch sử Hòn Đá Bạc - địa danh trong thắng lợi KH.CM12, ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Hòn Đá Bạc - Trung tâm Kế hoạch phản gián CM12 (09/9/1981 - 09/9/1984) là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
(CATP) Nhận được điện tín về việc C5 - Mai Văn Hạnh sẽ vào kiểm tra tình hình "quốc nội" và có lịch trình đi khắp các cơ sở, mật cứ, kế hoạch đón tiếp "đồng chủ tịch" Mặt trận nhanh chóng được ta triển khai với mục tiêu tuyệt đối không được để sơ suất nào khiến Mai Văn Hạnh nghi ngờ Tổ Đặc biệt. Một số tên gián điệp biệt kích bị bắt trước đó đã được ta cảm hóa cũng được huấn luyện, chuẩn bị kỹ tất cả các nội dung mà Mai Văn Hạnh có thể hỏi đến, đồng thời chuẩn bị câu trả lời sao cho hợp tình, hợp lý. Đối với những cơ sở nội địa của địch gồm Huỳnh Vĩnh Sanh, Lê Quốc Quân, lực lượng ta cũng bố trí kế hoạch đưa đón phù hợp với điều kiện tự nhiên, đảm bảo giám sát chặt chẽ và làm cho Mai Văn Hạnh tin tưởng các kế hoạch đang được thực hiện một cách thuận lợi.