Kế hoạch phản gián CM12 phá tan âm mưu hoạt động xâm nhập của gián điệp biệt kích:

Kỳ 3: Rã đám toán biệt kích Minh Vương 1

Thứ Hai, 30/09/2024 12:31

|

(CATP) Mục tiêu chính của kế hoạch được xác định là bằng mọi cách phải tiêu diệt những tên cầm đầu, chủ chốt của Mặt trận, bao gồm Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cùng những "cán bộ thành" và các toán trưởng gián điệp biệt kích. Việc loại bỏ, khống chế những nhân vật này là bước đầu tiên và quan trọng nhất để vô hiệu hóa khả năng chỉ huy và điều hành của tổ chức, đồng thời ngăn chặn kịp thời các kế hoạch tấn công của chúng vào Việt Nam.

Lần theo dấu chân tên toán trưởng K34

Tổ trưởng An ninh K4/2 Nguyễn Phước Tân và Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm hiểu rõ tính chất đặc biệt của vụ xâm nhập và thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Hùng. Sau chuyến thăm bệnh bất ngờ của Thứ trưởng, Hai Tân lập tức thu xếp hành trang cùng ông Cao Đăng Chiếm trực tiếp đi miền Tây để nắm tình hình thực tế và chỉ đạo tại hiện trường. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Nội vụ cũng tham gia, phối hợp với công an các địa phương điều tra và truy bắt bọn xâm nhập. Các biện pháp trinh sát và điều tra đều được lực lượng ta vận dụng triệt để. Chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo thống nhất, thường xuyên và liên tục của lãnh đạo Bộ, các Cục nghiệp vụ và công an địa phương đã nhanh chóng phối hợp truy bắt gần hết và khai thác nhiều thông tin quý giá từ bọn gián điệp biệt kích xâm nhập để phục vụ cho trận đánh lớn về sau.

Trong khi các lực lượng Công an đang khẩn trương triển khai công tác truy bắt bọn gián điệp biệt kích xâm nhập, thì lãnh đạo bộ nhận được báo cáo tiếp theo của Công an Kiên Giang cho biết, đã bắt giữ thêm được một tên trong toán xâm nhập, tên bị bắt là Trần Minh Hiếu. Qua khai thác, Trần Minh Hiếu cho biết, ngày 18/01/1981, sau khi được lệnh của toán trưởng cho phân tán, Hiếu về quê ở An Biên (Kiên Giang). Sau một thời gian biệt tích không được tin gì kể từ ngày Hiếu vượt biên, nay thấy con trở về, mẹ của Hiếu vừa mừng lại vừa lo. Hiếu nói thật cho mẹ biết về việc tại sao y lại trở về Việt Nam. Ông cậu ruột của Hiếu làm việc ở Tỉnh đội Kiên Giang, khi biết chuyện đã động viên anh ta ra đầu thú. Trong khi Hiếu đang lưng chừng suy nghĩ thì người cậu của Hiếu đã báo cho công an địa phương biết. Công an Kiên Giang ngay lập tức bắt giữ Trần Minh Hiếu.

Đồng chí Phạm Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ - trực tiếp chỉ đạo phá án

Đại tá Hồ Khiết, Phó Cục trưởng Cục Chống gián điệp đồng thời là Tổ phó K4/2 cử đồng chí Trần Tôn Thất đi Kiên Giang để phối hợp với Công an tỉnh khai thác Trần Minh Hiếu. Trần Tôn Thất (Bảy Thất) là cán bộ an ninh quê ở Hoài Nhơn, Bình Định, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, sau đó được tuyển vào lực lượng Công an, đã kinh qua công tác ở Công an Hà Tây, được cử đi học tiếng Thái Lan ở Trường Đại học Ngoại thương và là một cán bộ giàu lòng nhiệt tình, hăng hái, tận tụy với nghề nghiệp. Phối hợp với Công an Kiên Giang, Tần Tôn Thất tham gia khai thác tên Hiếu. Được công an động viên, giáo dục và thuyết phục, Trần Minh Hiếu đã khai nhận là một trong số 23 tên gián điệp biệt kích trong nhóm Minh Vương 1 của tổ chức Mặt trận của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh.

Trần Minh Hiếu đã khai quá trình xâm nhập của toán Minh Vương 1 như thế nào, ngày và nơi hẹn định kỳ, nơi ẩn náu của toán trưởng Lê Hồng Dự tại nhà tên Tư Hải, người Hoa... Từ lời khai của Hiếu, Trưởng ty Công an Kiên Giang ngay sau đó đã lệnh cho ông Ngô Quang Hùng (Hải Hùng) chỉ đạo cho lực lượng Công an Nhân dân tỉnh lập tức triển khai bắt tên Tư Hải và khám nhà của y. Tại nhà của Tư Hải, lực lượng Công an Kiên Giang thu được một ba lô, một khẩu súng ngắn K54 và một tấm bản đồ của tên Dự gửi lại. Tư Hải khai rằng, Lê Hồng Dự có đến nhà y gửi đồ, nhưng lại sang nhà của Trần Phước Hải và Huỳnh Thanh Cần (cũng ở thị xã Rạch Giá) nhờ chở đến nhà anh trai là Lê Hồng Châu ở Cần Thơ.

Công an Kiên Giang nhanh chóng phối hợp với Công an Hậu Giang xác minh và được biết, trước đây Lê Hồng Châu là lính Việt Nam Cộng hòa và hiện Châu đang kinh doanh quầy sách tại Cần Thơ. Ngay sau khi xác minh đầy đủ thông tin, ngày 20/01/1981, Công an Kiên Giang và Công an Hậu Giang đã nhanh chóng phối hợp, tổ chức bắt giữ Lê Hồng Dự ngay tại quầy sách của Châu ở Cần Thơ, đồng thời tạm giữ Lê Hồng Châu để khai thác thêm thông tin.

Hốt gọn nhóm biệt kích tiền tiêu

Chỉ huy Minh Vương 1 Lê Hồng Dự sau khi bị bắt nhận thấy không còn đường nào khác là phải khai báo thật thà để được hưởng khoan hồng. Dự đã khai báo quá trình xâm nhập và toàn bộ những hiểu biết của y về tổ chức Mặt trận. Qua các buổi thẩm vấn, lời khai của Lê Hồng Dự về quá trình xâm nhập Việt Nam, hoạt động tổ chức Mặt trận của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh về cơ bản trùng khớp với lời khai của Trần Minh Hiếu.

Lực lượng thuộc Cục Kỹ thuật nghiệp vụ nghiên cứu xử lý thông tin đấu tranh chuyên án

Từ thông tin khai thác được, lực lượng Công an Nhân dân ban đầu đã xác định đây là một tổ chức phản cách mạng với tên gọi Mặt trận, do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu, có cơ sở hoạt động ở nước ngoài. Để đấu tranh với tổ chức này, lãnh đạo Bộ Nội vụ nhất trí với đề xuất của Tổ An ninh K4/2, thành lập Ban chuyên án do Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm chỉ đạo và Tổ An ninh K4/2 trực tiếp thực hiện. Vài ngày sau, Bộ trưởng Phạm Hùng vào TPHCM để trực tiếp chỉ đạo vụ án. Ông yêu cầu Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm triệu tập cuộc họp để bàn biện pháp, kế hoạch đấu tranh.

Quá trình điều tra và thu thập thông tin, lực lượng trinh sát của Bộ Nội vụ nhận định tổ chức của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh là một mối nguy lớn khi được một số nước lớn và cơ quan tình báo nước ngoài ủng hộ. Cơ quan an ninh đã nhanh chóng điều tra quá trình hình thành, hoạt động của tổ chức này và xác định được các đối tượng chủ chốt, "lãnh đạo" của tổ chức. Theo đó, ngày 17/02/1976, một tổ chức phản cách mạng Việt Nam lưu vong được thành lập tại Paris với tên gọi "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Nam Việt Nam". Cụ thể, tại khách sạn Méridien (Paris), Lê Quốc Túy và các thành viên tổ chức đã tổ chức họp báo giới thiệu tổ chức của mình. Dù không phải là thành viên sáng lập, Mai Văn Hạnh sau đó quyết định tham gia tổ chức Mặt trận do Lê Quốc Túy cầm đầu và trở thành một trong những thành viên chủ chốt nhất của tổ chức phản động này.

Từ những tin tức, tài liệu thu được, ngày 27/01/1981, Bộ trưởng Phạm Hùng chủ trì một cuộc họp tại TPHCM để bàn kế hoạch đấu tranh với tổ chức của Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh. Cuộc họp đã đánh giá kết quả bước đầu, bàn đến các yêu cầu nhiệm vụ khi tổ chức đấu tranh; tư tưởng chỉ đạo của Bộ... và quyết định lập chuyên án đấu tranh mang bí số AB27. Trong thời gian này, một số địa phương như An Giang, Kiên Giang... huy động lực lượng quân đội tổ chức truy lùng ở các khu vực. Sau một tháng, ta truy bắt được 5 tên, trong đó có tên Huỳnh Phúc Nam (K17) là nhân viên truyền tin. Đến tháng 7/1981, ta lần lượt bắt được những tên còn lại, thu toàn bộ vũ khí, điện đài, mật mã.

Toán trưởng K34 và nhân viên truyền tin K17 sau khi được giáo dục, cảm hóa đã nhận ra được sai lầm của mình, sau đó đã tích cực phối hợp và trình bày phương án đấu tranh chống lại bọn Túy, Hạnh. Ngày 18/3/1981, K34 và K17 được đưa tới Hòn Đất, Kiên Giang để tổ chức liên lạc bằng điện đài với trung tâm địch nhưng không được.

Theo đó, trong thời gian từ ngày 06/01 - 24/02/1981, qua theo dõi ta biết trung tâm địch liên tục phát tín hiệu bắt liên lạc với toán của K34. Từ ngày 07/3 - 12/3/1981, chúng liên tục liên lạc nhưng vẫn không được nên ngừng liên lạc. Ngày 18/3, sau khi được đưa đến Hòn Đất, Kiên Giang, K34 phát tín hiệu liên lạc phiên đầu tiên sau khi trung tâm địch đã ngừng liên lạc 6 ngày. Trong lúc này, một số tin tức về bọn xâm nhập bị lực lượng công an bắt đã bị lộ. Theo các nguồn tin tình báo, Lê Quốc Túy lúc này đã lờ mờ biết được kế hoạch xâm nhập của toán Minh Vương 1 đã đổ bể, do đó, y đã cắt hoàn toàn mọi liên lạc với K17 và K34.

Chuyên án AB27 kết thúc. Mặc dù chưa kết nối liên lạc để nắm được những hoạt động tiếp theo của tổ chức Mặt trận do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu, song bước đầu, ta đã truy bắt toàn bộ bọn xâm nhập, đấu tranh làm thất bại bước đầu về âm mưu liên kết của bọn phản động lưu vong và bọn phản động trong nội địa. Quá trình đấu tranh đã giúp lực lượng Công an phát hiện thêm một số tổ chức phản động, một số đầu mối cài cắm của địch và đặc biệt là biết được âm mưu, thực lực của chúng ở nước ngoài, từ đó chủ động xây dựng thế trận, tổ chức đấu tranh trong kế hoạch tiếp theo.

Kỳ 2: Đón lõng toán lính tiền trạm ở vùng biên
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang