"Mẻ lưới" hốt gọn tổ gián điệp
Từ đầu tháng 10 năm 1981, Lê Quốc Túy đã thúc giục, tăng tốc việc tuyển mộ và huấn luyện gián điệp biệt kích, qua đó thành lập nhóm "Đại đội HK124" và chuẩn bị phương tiện, tàu thuyền, thuốc men, lương thực và quân phục cho nhóm này. Cùng thời điểm, Túy giao lực lượng phụ trách điện đài bắn tín hiệu, yêu cầu Tổ Đặc biệt chuẩn bị tiếp nhận 4 tàu có hàng và 1 đại đội khoảng 50 người, do Lê Thanh Hồng (bí danh HK124) làm đại đội trưởng. Với đại đội HK124, Túy giao nhiệm vụ thiết lập căn cứ bí mật, sau đó bắt liên lạc với các lực lượng phản động người Khmer, đạo Hòa Hảo, sĩ quan ngụy quyền... để tiến hành các cuộc bắt cóc, ám sát, bạo động đánh phá các vùng hẻo lánh, các nông trường và trại cải tạo... thuộc vùng Kiên Giang, vựa lúa Đồng Tháp, Hậu Giang và các tỉnh khác ở khu vực miền Tây.
Tổ trưởng An ninh Hai Tân nhận thấy không thể tiếp tục từ chối việc nhận quân, nên đã chủ trương kéo địch và dần dần, chỉ tiếp nhận một toán "cán bộ thành" do Trần Ngọc Minh chỉ huy. Đối với "đại đội HK124", Tổ Đặc biệt bắn tin thời tiết không thuận lợi để tiếp nhận.
Đồng chí Trần Phương Thế, (tự Tám Thậm) là người của ta cài cắm (bìa trái) cùng Mai Văn Hạnh (bìa phải) và đồng bọn của y tại căn cứ giả ở Cà Mau
Mặt khác, để đối phó với tình huống nhóm gián điệp biệt kích hùng hậu cương quyết xâm nhập ở lần này, Tổ trưởng Tổ An ninh K4/2 Hai Tân đã phối hợp với lực lượng chỉ huy Quân khu 9 để tiến hành đón bắt. Phó tư lệnh Quân khu 9 là Thiếu tướng Tư Chức đã nhanh chóng bố trí lực lượng, gồm 1 đại đội đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh và 1 tiểu đoàn bộ binh tham gia trận đánh này. Nhiệm vụ đón bắt đại đội được bàn bạc rất kỹ lưỡng, khi Ban Chỉ huy chủ trương phải bắt sống toàn bộ, chỉ dùng vũ lực để tiêu diệt khi nhóm gián điệp biệt kích chống cự.
Cục Trinh sát kỹ thuật sau đó phát hiện một đường dây liên lạc mới của Mặt trận xuất hiện tại khu vực tỉnh Rayon (Thái Lan) thường xuyên liên lạc với Tổng hành dinh của Mặt trận tại Bangkok. Rayon sau đó được Tổng hành dinh sử dụng để làm nơi chỉ đạo chiến dịch trong một khoảng thời gian. Ngày 25/01/1982, toàn bộ đường dây liên lạc bất ngờ ngừng hoạt động để phục vụ chuyến xâm nhập của đại đội HK124 (lúc này đã được đổi tên thành Tiểu đoàn HK124 nhưng lực lượng ta chưa nhận được thông tin). Ngày 30/01/1982, Tổng hành dinh gửi thông báo cho Tổ Đặc biệt sau khi 4 chuyến tàu gồm 2 tàu hàng, 2 tàu chở Đại đội HK124 đã xuất phát.
Lúc này, ở trong nước, Tổ Đặc biệt và lực lượng Công an của chúng ta tinh thần đang phấn khởi khi công tác liên lạc với Tổng hành dinh Mặt trận diễn ra thuận lợi, chúng ta có một khoảng thời gian ngắn để nghỉ ngơi đúng vào dịp Tết Nguyên đán trước khi tiến hành một "trận đánh" quan trọng.
Bắt giữ gián điệp biệt kích khi chúng vừa đặt chân lên đất liền
Ngày 01/02/1982, Đại đội HK124 của địch vào đất liền theo kế hoạch và được NK-A2 cùng K64 dẫn đi vòng vèo qua nhiều khu vực đầm lầy. Sau khi nhóm giám điệp biệt kích đã thấm mệt, NK-A2 tiếp tục dẫn chúng tới địa điểm trận địa phục kích mà các đơn vị quân đội thuộc Quân khu 9 chờ sẵn sâu trong rừng Tràm. Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, Thiếu tướng Tư Chức cũng đã có mặt ở tỉnh Minh Hải trong ngày để trực tiếp tham gia chỉ đạo chiến dịch.
Khi phát súng đầu tiên vang lên, bọn gián điệp biệt kích dù bất ngờ và mệt mỏi cũng dùng các loại vũ khí như B40, RPD, AK-47 chống trả quyết liệt. Kết quả, lực lượng ta phải tiêu diệt 7 tên, trong đó có HK124 Lê Thanh Hồng và bắt sống 38 tên còn lại, thu toàn bộ 8 tấn vũ khí, phương tiện liên lạc.
Công tác khai thác, hỏi cung được tiến hành khẩn trương bởi các cán bộ an ninh lão luyện được huy động từ khắp các tỉnh thành khu vực phía Nam như đồng chí Sáu Sáu (Long An), đồng chí Tám Phú, Hai Minh, Hoài Việt (Đồng Tháp), đồng chí Năm Xinh (Hậu Giang), đồng chí Út Hóa (Kiên Giang), đồng chí Năm Huy, Tư Lệnh (An Giang) và Năm Châu (Tiền Giang)...
Theo lệnh của Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, Cục Trinh sát kỹ thuật cũng cử người đến Minh Hải để khai thác về công tác truyền tin, mật mã để phục vụ cho kế hoạch lập điện đài mới cho Đại đội HK124 độc lập liên lạc với Tổng hành dinh. Qua quá trình khai thác, chúng ta biết được Mai Văn Hạnh có dự định xâm nhập về Việt Nam trong thời gian sắp tới để kiểm tra hoạt động của Tổ Đặc biệt, đồng thời yêu cầu Tổ Đặc biệt liên lạc với Huỳnh Vĩnh Sanh, một cơ sở trong nước có liên hệ với Mặt trận để Sanh di chuyển đến Minh Hải gặp mặt Mai Văn Hạnh.
Sau chuyến xâm nhập này, một mặt chúng ta đã "đón hàng" thành công khi tiêu diệt và bắt giữ toàn bộ Đại đội HK124, thiết lập đài liên hệ của HK124 với Tổng hành dinh mà hoàn toàn không bị địch phát hiện. Đồng thời, cũng thu thập thêm nhiều thông tin tình báo quan trọng về các cơ sở của Mặt trận đang hoạt động trong nước như Huỳnh Vĩnh Sanh, Lê Chơn Tình, Lê Quốc Quân và Hồ Tấn Khoa. Tuy nhiên, việc lực lượng Quân khu 9 có thương vong khiến Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm bận lòng, chưa kể việc "Đại đội trưởng HK124" là Lê Thanh Hồng bị bắn chết có thể làm chiến dịch của ta gặp nhiều khó khăn. Một lần nữa, Ban Chỉ huy KH.CM-12 buộc phải vận dụng toàn bộ trí lực để lên kế hoạch đối phó với những tình huống có thể diễn ra và những nghi ngờ của đám lãnh đạo Mặt trận.
Dựng lán trại làm căn cứ trong rừng
"Đón" thêm nhiều chuyến tàu
Sau khi nhận tin giả đại đội HK124 xâm nhập thành công, ngày 08/02/1982, Lê Quốc Túy tiếp tục đưa 2 tàu xâm nhập vào vùng biển Hòn Đá Bạc để "tiếp tế" và cung cấp thêm vũ khí cho lực lượng phản động trong nước. Do chuyến hàng không có gián điệp biệt kích, lực lượng ta chủ động tiếp nhận hàng đảm bảo nhanh gọn, thu giữ 9,5 tấn vũ khí gồm các loại như súng trường bán tự động, súng AK, lựu đạn, đạn B40...
Tiếp đó, ngày 18/02/1982, hai tàu xâm nhập của địch đã vào Hòn Đá Bạc, ta đưa tàu ra tiếp nhận trên 9 tấn vũ khí các loại. Trong thời gian này, Tổng hành dinh yêu cầu Tổ Đặc biệt liên lạc với đại đội 124, cung cấp cho đại đội này tiền, bổ sung điện đài và yêu cầu gọi HK122 và K43 sang nước ngoài nhận chỉ thị, đồng thời chuyển chất nổ cho HK175 và HK145 mang về Sài Gòn tổ chức những âm mưu phá hoại cơ sở hạ tầng.
Chỉ hơn 1 tuần sau (ngày 27/02), thêm 2 tàu tiếp tục xâm nhập vào Hòn Đá Bạc, ta cho tàu ra tiếp nhập trên 11 tấn vũ khí các loại đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi và tuyệt đối an toàn. Trong chuyến này, Lê Quốc Túy gửi theo một "mật thư” cho Hồ Tấn Khoa, gián tiếp tiết lộ những tin tức quan trọng, gồm việc tổ chức Mặt trận đang mâu thuẫn với lực lượng phản động của Hoàng Cơ Minh, nhằm mục đích kêu gọi Hồ Tấn Khoa không mở rộng quan hệ với nhóm này. Trong chuyến này, Lê Quốc Túy cũng thông báo cho Tổ Đặc biệt biết kế hoạch cụ thể hơn về việc đưa C5 - Mai Văn Hạnh về để kiểm tra hoạt động của lực lượng ở "quốc nội".
Như vậy, từ chuyến xâm nhập đầu tiên vào ngày 12/5/1981, lực lượng ta đã bắt sống hoặc tiêu diệt toàn bộ nhóm gián điệp biệt kích là 97 tên, thu giữ trên 70 tấn vũ khí, 6 điện đài, một lượng lớn hàng hóa, tiền, tiền giả, vàng và rất nhiều tài liệu quan trọng. Sau chuyến xâm nhập thứ bảy, Ban Chỉ huy KH.CM12 đã tổ chức cuộc họp với Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm làm chủ trì và toàn bộ các thành viên chủ chốt như Nguyễn Phước Tân, Lê Tiền, Hồ Khiết. Cuộc họp đã đánh giá về một số vấn đề quan trọng và vạch các phương án sắp tới để chuẩn bị đối phó với việc C5 vào kiểm tra, lường trước mọi tình huống Mai Văn Hạnh sẽ kiểm tra trên điện đài, kiểm tra thực địa và thông tin từ các tên gián điệp biệt kích đã xâm nhập. Lực lượng tiền phương cũng phải chuẩn bị một đại đội đặc biệt để tự lực chiến đấu, đảm bảo hành động bí mật khi đón bắt bọn xâm nhập bằng đường bộ lẫn đường biển, đảm bảo bố trí bắt sống hoặc tiêu diệt. Thứ trưởng giao Tổ phó An ninh Lê Tiền chịu trách nhiệm tổ chức, điều khiển hoạt động của Đại đội HK124 theo kế hoạch "tương kế tựu kế, dùng địch đánh địch", đồng thời chỉ huy công tác liên lạc độc lập của Đại đội với Tổng hành dinh, loan tin toán trưởng HK124 và một số tên gián điệp biệt kích khác bị thương khi đụng độ với lực lượng địa phương trong một lần đi khảo sát địa hình, do không có đầy đủ thuốc men để chữa trị nên đã tử vong. Đại đội HK124 lúc này do Tổ phó An ninh Lê Tiền chỉ huy cũng gửi điện tính báo cho Tổng hành dinh về những khó khăn như hết lương thực, hoạt động gặp nhiều khó khăn. Tất cả các bức điện đều được soạn thảo một cách cẩn thận để đảm bảo phù hợp với ngôn ngữ, khẩu khí mà các đối tượng gián điệp biệt kích thường sử dụng. Tuy nhiên trong suốt nhiều tháng, Đại đội HK124 không thể bắt liên lạc với Tổng hành dinh do bị nghi ngờ.
Cũng trong thời gian này, Ban Chỉ huy Kế hoạch CM12 triển khai thành lập đại đội cảnh sát đặc biệt có vũ trang theo chỉ thị của Bộ trưởng Phạm Hùng. Đại đội gồm 105 cán bộ, chiến sĩ được rút từ các đơn vị như Công an Minh Hải, Đồng Nai và các trại giam phía Nam. Sau khi thành lập, đại đội được huấn luyên rất kỹ càng về chiến thuật, xạ kích, vũ thuật và các kỹ năng quan trọng như lái tàu... và đóng quân ở Hòn Đá Bạc.
Tháng 4/1982, Tổ Đặc biệt nhận được điện tín nhắc lại về kế hoạch C5 - Mai Văn Hạnh sẽ vào kiểm tra tình hình "quốc nội" và có lịch trình rất bận rộn trong suốt 4 - 5 ngày để gặp các cơ sở, đi khắp các mật cứ. Ta nhận định, đánh giá chuyến vào lần này của C5 nhằm kiểm tra, đánh giá hoạt động của số gián điệp biệt kích đã xâm nhập và gặp gỡ các đầu mối bí mật của chúng và sẽ rất quan trọng trong tương lai, là bước đi "tiền trạm" trước khi Lê Quốc Túy đích thân xâm nhập nên tuyệt đối không được để sơ suất nào khiến Mai Văn Hạnh nghi ngờ...
(Còn tiếp)
(CATP) Ngay trong lần đầu làm việc với Tổ công tác Công an TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ở Trại giam Hỏa Lò, Hà Nội, Nguyễn Tiến Dũng - tức Dũng “mượt” - kẻ cầm đầu băng nhóm giết thuê để lấy một tỷ đồng đã khai ra nhân vật đứng đằng sau thuê chúng thực hiện việc làm thất đức này.